Văn hóa - Giải Trí

Phim Việt tìm đường xuất ngoại..."đập cánh giữa không trung"

14/05/2015, 18:03

Nhìn vào sức hút của "Đập cánh giữa không trung", "Cha và con" và... khi tham dự các liên hoan phim quốc tế

151

"Cha và con và..." của đạo diễn Phan Đăng Di lọt “mắt xanh” của Memento, nhà phát hànhuy tín “chuyên” phim nghệ thuật

Đường ra biển lớn chẳng... thênh thang

Cha và con và... của đạo diễn Phan Đăng Di lọt “mắt xanh” của Memento, nhà phát hành uy tín “chuyên” phim nghệ thuật, chắc chắn bước vào thị trường Pháp trong tháng 9. Ngoài ra, bộ phim Việt Nam đầu tiên có xuất tranh giải chính thức tại Liên hoan phim Berlin còn nhận được “giấy thông hành” đến các nước châu Âu khác.

Tuy chưa công bố, nhưng theo chia sẻ của đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp, sau khi đoạt giải “Phim hay nhất” tại Tuần phê bình phim quốc tế Venice thuộc liên hoan phim Venice 2015, Đập cánh giữa không trung cũng đã tìm được một số nhà phát hành quốc tế.

"Ở Mỹ, bên cạnh các studio lớn - nơi phim Việt khó đặt chân đến, còn có hệ thống các studio nhỏ, thường tập trung vào những dự án có kinh phí thấp hoặc đậm chất “độc lập”. "Thằng ròm" mang sang Mỹ một câu chuyện rất đặc trưng của Việt Nam, một câu chuyện không bao giờ xảy ra trên đất Mỹ và điều đó hấp dẫn người Mỹ. Êkíp của "Thằng ròm" sẽ nỗ lực tối đa để tìm kiếm kinh phí làm phim và sau đó, có thể là cơ hội phát hành tại Mỹ”.

Đạo diễn trẻ
Trần Dũng Thanh Huy

Một cái tên đang gây chú ý thuộc thế hệ các nhà làm phim độc lập kế tiếp, đạo diễn trẻ Trần Dũng Thanh Huy trong tháng 11 sẽ mang dự án phim Thằng ròm sang Mỹ, thuyết trình trước 6 studio, để tìm kiếm cơ hội làm phim và cả nuôi dưỡng một ước mơ vốn được xem là xa vời: Phát hành phim Việt trên thị trường Mỹ.

Khá nhiều “tín hiệu xanh” khiến khán giả Việt Nam không khỏi náo nức. Tuy nhiên, đạo diễn Phan Đăng Di nhìn nhận: Đối với các nhà phát hành quốc tế, dấu ấn phim độc lập Việt Nam tạo dựng qua quá trình “chinh chiến” khắp các liên hoan phim mới chỉ là một hiện tượng nhỏ, nhưng không phải không hấp dẫn. Bằng chứng là trong số hàng trăm tác phẩm tham gia liên hoan phim Berlin lần thứ 65, Memento chỉ chọn mua đúng bốn phim, trong đó có Cha và con và... Dự kiến, bộ phim của Phan Đăng Di sẽ được chiếu tại 400 rạp, một con số khổng lồ ở Việt Nam, nhưng lại là khiêm tốn ở Pháp, nơi có đến cả chục nghìn rạp chiếu phim lớn nhỏ.

Dù Cha và con và... nhận được 100% phiếu tán thành từ ban tuyển chọn của Memento với lời khen ngợi: “Một bộ phim thú vị và có “mầu” riêng!”, nhưng Phan Đăng Di cũng không quá lạc quan về sức hút phòng vé. Vài năm trước, Bi, đừng sợ!, bộ phim đoạt hai trong 6 giải thưởng ở hạng mục Tuần phê bình quốc tế thuộc liên hoan phim Cannes của Phan Đăng Di đã bước vào thị trường Pháp trong tình thế khó khăn hơn, khi giới làm phim độc lập Việt Nam chưa hề có kinh nghiệm về phát hành quốc tế, đã bán được chừng 17-20 nghìn vé.

Con số này cần đặt trong bối cảnh thị trường phim ảnh Pháp chứ không phải Việt Nam, mới thể hiện đúng độ hút khán giả. Và chắc chắn sẽ là... lạc quan tếu nếu ai đó cho rằng, phim Việt Nam hễ “ra” nước ngoài là “thắng lớn”, cả về doanh thu lẫn giá bán. Chỉ người trong cuộc mới rõ, với những khu vực điện ảnh non trẻ như phim độc lập Việt Nam, các nhà phát hành quốc tế luôn áp đặt phương án mua - bán có lợi nhất cho mình. Như tiết lộ của Phan Đăng Di thì có hai cách: Một, họ “mua đứt” phim với giá cao nhất chỉ khoảng 50 nghìn USD. Hai, họ trả trước một khoản chừng 10-15 nghìn USD. Lợi nhuận thu được qua quá trình phát hành phim dưới các dạng: Ra rạp, CD, lên sóng truyền hình, bán cho trường quay, đi liên hoan phim... sẽ được phân chia cho hai bên sau khi trừ các khoản chi phí thường rất lớn, và trong nhiều trường hợp bên “bán” không nhận thêm được xu nào.

Kiếm tìm những lộ trình mới

Theo những gì các nhà làm phim độc lập chia sẻ, quả thực, con đường xuất ngoại không “trải hoa hồng” như người ta tưởng, và nó luôn có một lộ trình duy nhất: tìm kiếm nhà sản xuất- tham dự càng nhiều liên hoan phim quốc tế càng tốt - tìm kiếm nhà phát hành. Trên lộ trình đó, việc có được một giải thưởng hoặc một xuất tranh giải chính thức gần như là điều kiện tiên quyết, nhưng không phải tất cả.

Đạo diễn Phan Đăng Di chia sẻ: Nếu phim không đạt “chuẩn” về kỹ thuật thì dẫu hay cỡ mấy cũng có nguy cơ trượt vòng thẩm định. Bởi các nhà phát hành quốc tế thường ngại “rước” về một bộ phim cần phải “chuốt” lại mặt này mặt kia, chẳng hạn như phần tiếng. Anh có được kinh nghiệm này sau thời gian mấy năm trời cùng các cộng sự miệt mài “chinh chiến” khắp các liên hoan phim lớn nhỏ của thế giới. Đó là lý do đạo diễn tiên phong của dòng phim độc lập Việt Nam vẫn giữ sự tin tưởng: Ít nhất, các nhà làm phim độc lập Việt Nam cũng đã bước đầu tìm được cách này, cách kia để tiếp thị mình với quốc tế và đưa phim Việt ra thế giới, phát hành thương mại.

Cách của Phan Đăng Di hay Nguyễn Hoàng Điệp, ngoài lộ trình quen thuộc trên, còn là nỗ lực “kéo về” cho các nhà làm phim độc lập của Việt Nam hai khóa sản xuất phim độc lập với các chuyên gia nước ngoài “đứng lớp”: Hà Nội mùa xuân và Gặp gỡ mùa thu. Chính từ đây, các nhà làm phim trẻ như Trần Dũng Thanh Huy đã có cơ hội thể hiện khả năng, nhận học bổng và đưa dự án phim của mình sang Mỹ thuyết trình. Có thể không phải ai cũng sẽ thành công ngay lần “chào hàng” đầu tiên. Nhưng, nói như Phan Đăng Di, có đi thì mới... biết đường! 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.