Xã hội

“Phình” thêm 19 tỉnh, có nên sáp nhập để giảm biên chế?

12/12/2017, 07:02

Có ý kiến cho rằng nên sáp nhập những đơn vị hành chính quy mô nhỏ, dân số ít để quản lý hiệu quả...

19

Hà Nội sáp nhập với Hà Tây năm 2008

26 năm tăng 19 tỉnh

Theo tổng hợp của Bộ Nội vụ về quản lý địa giới đơn vị hành chính các cấp, nước ta đã trải qua nhiều giai đoạn thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính địa phương. Sau thống nhất đất nước, tháng 4/1975 cả nước có 72 đơn vị hành chính cấp tỉnh. Trong đó, miền Bắc có 25, miền Nam có 47 đơn vị.

Tháng 12/1975, Quốc hội khóa V ra Nghị quyết bãi bỏ cấp khu; đồng thời tiến hành hợp nhất các đơn vị hành chính. Cuối năm 1975, hàng loạt tỉnh phía Bắc và Bắc Trung bộ được sáp nhập.

Trước đó, trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cũng cho biết, vấn đề sáp nhập các tỉnh phải tổng kết, đánh giá lại, bởi vì mỗi quy mô một tỉnh lại phù hợp với điều kiện đặc điểm đồng bằng, miền núi, hải đảo hay đô thị khác nhau. Bên cạnh đó, Nghị quyết T.Ư 6 chỉ đề cập đến sáp nhập các cơ quan chồng lấn, có chức năng nhiệm vụ tương đồng thì rà soát lại, chứ chưa nói đến vấn đề sáp nhập tỉnh.

Đầu năm 1976, việc sáp nhập tiếp tục được thực hiện trên diện rộng trải dài từ Bắc Trung bộ vào các tỉnh Tây Nam bộ và các tỉnh Tây Nguyên. Đến năm 1976, cả nước chỉ còn 38 đơn vị hành chính cấp tỉnh. Năm 1978, Quốc hội phê chuẩn mở rộng địa giới Hà Nội, sáp nhập thêm 5 huyện; tách tỉnh Cao Lạng thành 2 tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn. Cả nước có 39 tỉnh thành. Năm 1979, thành lập Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo, tương đương cấp tỉnh. Cả nước có 40 đơn vị hành chính.

Năm 1989, tỉnh Bình Trị Thiên tách ra làm 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế; tỉnh Nghĩa Bình tách ra thành Quảng Ngãi, Bình Định; tỉnh Phú Khánh tách ra thành Phú Yên, Khánh Hòa. Lúc này, cả nước có 44 tỉnh thành, trong đó có 40 tỉnh, 3 thành phố và Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo.

Năm 1991, hàng loạt tỉnh nhập lại trước đây tiếp tục tách ra như tỉnh Hà Sơn Bình tách ra thành Hà Tây và Hòa Bình; Hà Nam Ninh tách ra thành Nam Hà, Ninh Bình; Nghệ Tĩnh tách ra thành Nghệ An, Hà Tĩnh… Cũng trong khoảng thời gian này, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu được thành lập trên cơ sở 3 huyện tách từ tỉnh Đồng Nai hợp nhất với đặc khu Vũng Tàu Côn Đảo (giải thể đặc khu). Lúc này, cả nước có 53 tỉnh thành.

Năm 1997, một số tỉnh tiếp tục chia tách, cả nước tăng lên 61 tỉnh thành. Năm 2004, tách thêm 3 tỉnh nâng số đơn vị hành chính cấp tỉnh lên đến 64. Giữa năm 2008, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết sáp nhập tỉnh Hà Tây, 4 xã của Hòa Bình và huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc về TP Hà Nội. Từ đó đến nay, cả nước có 63 tỉnh, thành gồm 58 tỉnh và 5 thành phố trực thuộc T.Ư.

Đơn vị hành chính tăng nhanh, vì đâu?

Lý giải nguyên nhân của sự biến động tăng mạnh về số lượng đơn vị hành chính, Bộ Nội vụ cho rằng, trước hết do yêu cầu của quá trình đô thị hóa các vùng nông thôn. Vì thế, cần thiết phải điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính huyện, xã để thành lập mới các thị xã, quận, phường, thị trấn nhằm xây dựng mô hình tổ chức chính quyền phù hợp, đáp ứng yêu cầu quản lý hiệu quả việc phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, môi trường trên địa bàn đô thị.

Cùng với đó, một số đơn vị hành chính huyện, xã vùng núi cao, vùng biên giới, có tình hình phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, diện tích tự nhiên rộng, địa hình bị chia cắt, khó khăn trong công tác quản lý của chính quyền địa phương, cần thiết phải điều chỉnh địa giới, chia tách đơn vị hành chính để thành lập mới các đơn vị hành chính huyện, xã có quy mô diện tích tự nhiên và dân số phù hợp.

Một nguyên nhân khác là căn cứ quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, vùng, cả nước và để đáp ứng yêu cầu tổ chức lại sản xuất, phân bố lại lực lượng lao động xã hội, cần thiết phải điều chỉnh địa giới, chia tách đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã để thành lập mới các đơn vị hành chính.

20

ĐBQH Phạm Văn Hòa đề xuất sáp nhập các tỉnh có quy mô dân số nhỏ

Tách hay nhập phải thận trọng

ĐB Phạm Văn Hoà, Ủy viên Uỷ ban Pháp luật, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho rằng, theo tính toán của ông, hiện nay có khoảng 6-8 bộ và nhiều tỉnh có thể sáp nhập với nhau. Ông dẫn chứng, có một số tỉnh dân số thấp, như Bắc Kạn chỉ hơn 300.000 dân, thậm chí có những tỉnh 700.000 - 800.000 dân có thể tính toán sáp nhập được. “Khi chúng ta sáp nhập Hà Tây với Hà Nội, dân số lớn như thế nhưng khi sáp nhập vẫn hoạt động hiệu quả, vậy thì các tỉnh khác cũng có thể làm được”, ông Hoà nêu quan điểm.

Theo ông Hòa, nếu sáp nhập tỉnh, giảm nguyên bộ máy của một tỉnh gồm nhiều sở ban ngành, huyện, xã thì sẽ tinh gọn được rất nhiều. Riêng về biên chế nhập lại sẽ giảm hàng nghìn con người, có thể giúp giảm chi thường xuyên tới hàng nghìn tỷ đồng. Số tiền này dành cho đầu tư phát triển, an sinh xã hội thì người dân sẽ được hưởng lợi.

Cái khó nhất trong sáp nhập là vấn đề về con người, vì chắc chắn có sự “động chạm”. Bên cạnh đó, nhập vào thành địa bàn rộng hơn thì việc quản lý cũng sẽ khó hơn.

ĐBQH Lê Thanh Vân, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tài chính – Ngân sách cũng cho rằng việc sáp nhập các tỉnh có quy mô dân số nhỏ hoàn toàn có cơ sở. Tuy nhiên, cần phải làm hết sức bài bản, thận trọng, trên cơ sở tổng rà soát lại về quy mô dân số, tiềm năng phát triển, lợi thế chính trị, kinh tế, địa lý... Về yếu tố con người, cán bộ, để tạo ra sự đồng thuận, ĐB Lê Thanh Vân cho rằng quan trọng nhất là nhận thức, phải làm cho họ hiểu, thuyết phục được họ thì làm mới thuận. “Tư tưởng không thông, đeo bình tông cũng thấy nặng. Khi nhận thức đã rõ thì sự đồng thuận sẽ cao”, ông Vân nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.