Xã hội

Phó chủ tịch "thấy rừng bị phá như máu mình đổ…” sẽ làm gì?

15/04/2018, 07:16

Trong một lần thị sát cảnh rừng bị chặt phá, ông Lê Trí Thanh đã thốt lên:“Cảm giác như máu mình đổ xuống...”.

15

Ông Lê Trí Thanh kiểm tra hiện trường vụ phá rừng phòng hộ Sông Kôn (huyện Đông Giang)

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Thanh bảo rằng, tỉnh đang triển khai các giải pháp quyết liệt, thậm chí dùng vệ tinh để “quét”, bảo vệ rừng từ trên không xuống mặt đất và trách nhiệm hóa lực lượng chức năng.

Rất đau lòng…

Ông có suy nghĩ gĩ trước thực trạng rừng Quảng Nam bị tàn phá nghiêm trọng thời gian qua?

Thống kê diện tích rừng trên địa bàn có khoảng 680.000ha. Trong đó, 455.000ha rừng tự nhiên, còn lại là rừng trồng. Xét về quy mô thì diện tích rừng của Quảng Nam đứng thứ 2 cả nước, sau Nghệ An. Tốc độ che phủ của rừng cũng tăng hàng năm, hiện đạt 51,2%. Quảng Nam hiện là một trong số địa phương có chủng loại gỗ và diện tích rừng tự nhiên còn nhiều. Hiện tại, tỉnh đã đóng cửa rừng tự nhiên.

Thời gian qua, các điểm nóng phá rừng tập trung ở các huyện miền núi như: Đông Giang, Nam Giang, Bắc Trà My, Núi Thành, Tiên Phước... Tôi cũng đã trực tiếp đến hiện trường, nói thật là rất đau lòng, “như máu mình đổ” khi phải chứng kiến các cánh rừng già, cổ thụ, rừng lim xanh quý hiếm… đang bị tàn phá nghiêm trọng. Chỉ trong vòng 2 tháng tăng cường bảo vệ rừng, các lực lượng chức năng đã phát hiện khởi tố 6 vụ án, tiếp tục điều tra mở rộng 20 vụ, cùng khối lượng gỗ bị thu giữ lên đến 300m3.

Lãnh đạo tỉnh và lực lượng chức năng quyết liệt là thế, nhưng vì sao những vụ việc phá rừng vẫn chưa được kiểm soát triệt để, thưa ông?

Thực tế, lâm tặc tìm đường vào rừng cưa xẻ gỗ trực tiếp hoặc thông qua người dân là đồng bào dân tộc để phá rừng. Với địa hình hiểm trở, trong khi lực lượng quản lý, bảo vệ rừng mỏng, dẫn đến những khó khăn nhất định trong công tác bảo vệ rừng. Bên cạnh đó, những quy định hiện hành về xử lý các hành vi phá rừng chưa đủ đến mức răn đe nên lâm tặc không sợ. Hy vọng, Luật Lâm nghiệp mà Quốc hội vừa thông qua và các biện pháp, chế tài sắp tới đủ sức răn đe các đối tượng phá rừng.

Dư luận đặt câu hỏi, để rừng chảy máu có sự buông lỏng quản lý của cơ quan chức năng?

Trước những vụ phá rừng liên tiếp xảy ra thời gian qua, chúng tôi cũng đặt câu hỏi về việc thực thi công vụ của lực lượng kiểm lâm, quản lý bảo vệ rừng và các lực lượng khác có liên quan và cũng không loại trừ khả năng trong đó có tiêu cực. Tỉnh đang chỉ đạo điều tra, làm rõ vấn đề này để xử lý nghiêm minh.

Tuy nhiên, với cách quản lý và bảo vệ thủ công như hiện nay dù đã nỗ lực rất nhiều, chỉ đạo rất quyết liệt thì việc kiểm soát tình trạng phá rừng sẽ rất khó khăn. Lực lượng kiểm lâm mỏng, đối tượng phá rừng lại rất manh động, lợi dụng thời tiết, địa hình để tìm mọi cách để phá rừng.

Tôi cũng cho rằng, để lâm tặc tự tung tự tác, chính quyền cơ sở có phần trách nhiệm. Nhưng cơ chế hiện nay, để quy kết trách nhiệm của một tổ chức, cá nhân nào để xảy ra phá rừng một cách trọn vẹn là cực kỳ khó khăn.

Không giữ rừng... bằng miệng 

Quảng Nam vừa yêu cầu kiểm lâm viên ký cam kết giữ rừng, liệu giải pháp này có rơi vào hô hào phong trào trước tình trạng lực lượng bảo vệ rừng đang bất lực trong việc giữ rừng, thưa ông?

Thật ra, ngay từ đầu năm 2018, Chi cục Kiểm lâm đã ký cam kết về việc hoàn thành công tác năm nhưng còn mang tính chung chung, không gắn với mức kỷ luật cụ thể. Chính vì thế, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam muốn tất cả cán bộ kiểm lâm phải trả lời câu hỏi “có hay không việc kiểm lâm tiêu cực? bằng văn bản cam kết chứ không phải bằng miệng. Nội dung bản cam kết là không được dung túng, bao che và tiếp tay cho lâm tặc phá rừng. Đồng thời, mọi người trong ngành Kiểm lâm cũng phải cam kết không được dùng lâm sản có nguồn gốc không rõ ràng. Nếu phát hiện các hành vi vi phạm cam kết, người ký phải hoàn toàn chịu trách nhiệm và chịu mức hình phạt cao nhất.

Điều này mang tính răn đe đối với những người thực thi công vụ, đồng thời cũng là thông điệp của lãnh đạo tỉnh gửi đến họ về trách nhiệm trong bảo vệ rừng.

Như ông đánh giá, cách giữ rừng hiện nay còn mang tính thủ công, vậy theo ông, Quảng Nam sẽ khắc phục điều này thế nào?

Qua nghiên cứu, chúng tôi có đề xuất phương án ứng dụng công nghệ cao trong quản lý bảo vệ rừng bằng cách sử dụng các trang thiết bị di động kết hợp với các phần mềm để quản lý rừng từ vệ tinh, từ hệ thống viễn thám, từ đó có thể đánh giá toàn bộ trạng thái rừng, theo dõi diễn biến của rừng hàng ngày, hàng tuần và tất cả các lực lượng kiểm lâm trên địa bàn. Tất cả các tổ tuần tra bảo vệ rừng, kể cả người dân đều được phát các thiết bị này và các trang thiết bị này sẽ được cập nhật thường xuyên hàng tuần về hiện trạng rừng. Khi phát hiện sự thay đổi bất thường, có thể cử lực lượng một cách kịp thời nhất chứ không để như tình trạng hiện nay, có những khu vực bị xâm hại, bị phá lâu rồi mới phát hiện được.

Tổng kinh phí để thực hiện cho dự án này khoảng hơn 7 tỷ đồng, trong đó Tổ chức USS thực hiện dự án “Trường Sơn xanh” triển khai ở Quảng Nam đã tài trợ cho tỉnh 200 iPad để chuyển cho các tổ tuần tra bảo vệ rừng. Các trang thiết bị và các phần mềm còn lại, tỉnh Quảng Nam sẽ tiếp tục đầu tư trang bị và hiện nay thì đang giao cho Sở Tài chính để tham mưu nguồn để triển khai dự án này sớm.

Cảm ơn ông!

Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cũng công bố email cá nhân: thanhquangnam70@gmail.com kêu gọi các cơ quan báo chí và người dân tích cực tố giác các hành vi xâm hại rừng và hiến kế trong việc quản lý, bảo vệ rừng…

"Liên tiếp để xảy ra phá rừng trên địa bàn, có thể nói thiếu tinh thần trách nhiệm trong công tác quản lý của kiểm lâm địa bàn. Nếu công an điều tra ra có cán bộ dính dáng đến việc bao che, hay bảo kê cho lâm tặc thì kiên quyết xử lý nghiêm."

Ông Lê Minh Hưng
Phó giám đốc Sở NN&PTNN tỉnh Quảng Nam

"Hiện, đơn vị đang phối hợp với Công an các huyện tập trung rà soát địa bàn cụ thể; ráo riết điều tra, làm rõ tính chất, mức độ vi phạm đối với các vụ phá rừng. Khi có kết quả sẽ xử lý nghiêm minh, đúng người, đúng tội và không bao che cho một đơn vị cơ quan nào có dấu hiệu bảo kê cho lâm tặc."

Đại tá Nguyễn Đức Dũng
Phó giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam

Ngày 9/7/2016, cơ quan chức năng phát giác bãi tập kết hơn 280 phách gỗ pơ mu nằm gần Trạm Biên phòng Cửa khẩu Nam Giang (thuộc Đồn Biên phòng Cửa khẩu Nam Giang). Ngày 15/7/2016, Hạt Kiểm lâm rừng phòng hộ Nam Sông Bung khởi tố vụ án, chuyển hồ sơ cho Công an huyện Nam Giang. Ngày 19/7/2016, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu Nam Giang bị đình chỉ công tác. Số gỗ pơ mu thu được ở thời điểm này hơn 590 phách với khối lượng hơn 44,3m3.

Ngày 21/7/2016, đồn trưởng, chính trị viên và đồn phó Đồn Biên phòng Cửa khẩu Nam Giang bị đình chỉ công tác. UBND tỉnh Quảng Nam ngày hôm sau đã báo cáo vụ việc lên Thủ tướng. Công an tỉnh Quảng Nam cũng rút hồ sơ từ Công an huyện Nam Giang để điều tra.

Từ năm 2011-2017 cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam đã phát hiện, lập biên bản 54 vụ hủy hoại rừng phòng hộ ở xã Tiên Lãnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam với hơn 120ha rừng bị tàn phá. Cơ quan chức năng cũng đã khởi tố vụ án, bị can và bắt tạm giam 1 đối tượng phá rừng phòng hộ tại tiểu khu 556, xã Tiên Lãnh. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc 2 lần yêu cầu tỉnh này vào cuộc điều tra, làm rõ, xử lý nghiêm.

Liên quan đến vụ phá rừng phòng hộ trên địa bàn huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam đầu năm 2018, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam bước đầu đã xác định 5 đối tượng gồm Vũ Văn Trứng và Vũ Văn Cưng, ở xã Jơ Ngây; Nguyễn Hồng, Bhnướch Hồng, ATing Bnóc, ở xã A Ting. Ngoài  ra, trên địa bàn huyện Nam Giang còn xảy ra một vụ phá rừng. Số lượng gồm: 34 cây gỗ rừng tự nhiên, ước tính tổng khối lượng gỗ chặt hạ hơn 235m3.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.