Hỏi - Đáp

Phó giám đốc bị tố bẻ hoa anh đào có bị xử phạt?

06/03/2017, 11:52

Nếu đủ căn cứ chứng minh bẻ cành anh đào, Phó giám đốc Sở Tư pháp sẽ bị phạt bao nhiêu tiền?

148877029555365-dao

Hình ảnh bà Phạm Thị Minh Hiếu - Phó Giám đốc Sở Tư pháp Bình Thuận cầm cành hoa anh đào được đăng tải trên Facebook của tài khoản có tên N.A.T.

Việc Phó giám đốc Sở Tư pháp Bình Thuận bẻ cành hoa mai anh đào Đà Lạt chụp ảnh đang gây tranh cãi. 

Trước đó, tài khoản facebook có tên N.A.T. đã đăng tải hình ảnh một người phụ nữ cầm cành hoa anh đào để chụp ảnh. Đáng chú ý, chủ tài khoản facebook này chia sẻ thông tin trên facebook rằng, khi anh cùng 3 người bạn xuống hồ Tuyền Lâm (Đà Lạt - Lâm Đồng) thấy một phụ nữ có ý định bẻ hoa mai anh đào, nên anh ngăn cản ngay.

Sau đó, anh và nhóm bạn đi chụp hình hoa nhưng ít phút sau quay lại thì thấy người phụ nữ trên đang cầm bó hoa mai anh đào trên tay. Khi được hỏi "tại sao chị lại bẻ hoa", người phụ nữ này đã chất vấn lại và đòi xem giấy tờ của nhóm anh T. 

Rất nhanh sau đó, cộng đồng mạng đã truy ra thông tin người cầm nhành hoa anh đào là bà Phạm Thị Minh Hiếu - Phó giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Bình Thuận, cũng là đại biểu HĐND tỉnh này.

Chia sẻ với báo chí sau sự việc, bà Hiếu xác nhận hôm đó có đi cùng với một số anh em trong đoàn công tác đến hồ Tuyền Lâm ngắm cảnh. Tại đây, thấy một nhành hoa anh đào bị gãy nhưng chưa lìa cành, một tài xế đã bẻ nhành hoa gãy này đưa cho bà Hiếu.

Phân tích dưới góc độ pháp luật về hành vi hái hoa, bẻ cành, luật sư Giang Hồng Thanh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, nếu cành hoa thuộc cây xanh, công viên và vườn hoa công cộng thì có cơ chế xử phạt.

Còn nếu không thuộc các khu vực trên thì không có chế tài gì để xử lý hành vi này.

Cụ thể, Mục III Thông tư 20/2005/TT-BXD ngày 20/12/2005 quy định cây xanh đô thị bao gồm: cây xanh sử dụng công cộng là tất cả các loại cây xanh được trồng trên đường phố và ở khu vực sở hữu công cộng (công viên, vườn thú, vườn hoa, vườn dạo, thảm cỏ tại dải phân làn, các đài tưởng niệm, quảng trường); cây xanh sử dụng hạn chế là tất cả các loại cây xanh trong các khu ở, các công sở, trường học, đình chùa, bệnh viện, nghĩa trang, công nghiệp, kho tàng, biệt thự, nhà vườn của các tổ chức, cá nhân; cây xanh chuyên dụng là các loại cây trong vườn ươm, cách ly, phòng hộ hoặc phục vụ nghiên cứu.

Mục V Thông tư 20 quy định các hành vi xâm hại cây xanh đô thị sẽ bị cấm gồm: Tự ý chặt hạ, đánh chuyển di dời, ngắt hoa, bẻ cành, chặt rễ, cắt ngọn, khoanh vỏ, đốt lửa đặt bếp, đổ rác, chất độc hại, vật liệu xây dựng vào gốc cây; Tự ý xây bục bệ bao quanh gốc cây, giăng dây, giăng đèn trang trí, đóng đinh, treo biển quảng cáo trái phép.

Theo quy định vừa trích dẫn, tất cả các loại cây xanh đô thị đều được xác định chủ sở hữu, do tổ chức, cá nhân quản lý hoặc được giao quản lý. Việc người dân tự ý hái hoa, hái quả, chặt cành, xâm hại cây xanh đô thị là hành vi vi phạm pháp luật, người vi phạm có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng (khoản 1 Điều 49 Nghị định 121/2013/NĐ-CP ngày 10/10/2013).

Xem thêm Video:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.