Bạn cần biết

Phố mới Làng Vân sau 5 năm đoạn tuyệt mặc cảm quá khứ

25/12/2017, 13:35

Hơn 5 năm sau cuộc “vượt cạn” lịch sử, cuộc sống của những người dân làng Vân giờ đã đổi thay...

24

Làng Vân ngày nay dần ổn định, nhiều hộ thoát nghèo và vươn lên trong cuộc sống 

Phận đời bên chân sóng

Ngồi chum hum trên cái ghế con mẻ chân trước hiên nhà trong khu liền kề gần biển thuộc tổ 13,14 P.Hòa Hiệp Nam (Liên Chiểu, Đà Nẵng), cụ Nguyễn Thị Bé (82 tuổi) đăm đăm nhìn về phía biển, gợi nhớ: “Ngày xưa ở dưới làng Vân, thiếu thốn, khó khăn nhưng cũng có những niềm vui riêng, bà con bao bọc nhau sống…”. Mưa chuyển mùa tê lạnh, như mang theo cả nỗi nhớ làng Vân ngập đầy trong đôi mắt cụ. Vùng đất bên mé biển nhấp nhô đã 40 năm mang ăm ắp tình cảm của những người con đã từng gửi trọn đời mình.

Quê xã Điện Thắng (Điện Bàn, Quảng Nam), nhà cụ Bé hồi đó có bốn anh em, hầu hết đi theo cách mạng và hi sinh nơi chiến trường. Một mình cụ Bé ở nhà nuôi ba má, và chớm nở tình yêu với người đàn ông trong xóm. Bất ngờ năm 25 tuổi, cụ Bé gặp những triệu chứng đầu tiên của căn bệnh phong (cùi) quái ác. Nỗi đau ập xuống người thiếu phụ trẻ cả thể xác lẫn tâm hồn trong sự kỳ thị, hắt hủi của mọi người. Tưởng chừng đi vào bế tắc, tình cờ cụ nghe đài phát thanh truyền đi thông tin về làng Vân, nơi quần tụ của những phận đời cùng cảnh ngộ.

Theo thống kê UBND P.Hòa Hiệp Nam, năm 2016, khu làng Vân với 84 hộ (bao gồm cả hộ cho thuê), trong đó có 50 hộ nghèo. Đến năm 2017, đã có 5 hộ thoát nghèo. Tất cả các hộ đều trên đà lập nghiệp, tìm ra giải pháp ổn định cuộc sống. Theo lãnh đạo UBND P.Hòa Hiệp Nam, đến nay người dân trên địa bàn cởi mở, không còn sự kỳ thị như ban đầu với người làng Vân.

Một ngày năm 1968, cụ Bé bỏ lại đứa con trai cho ông bà nội nuôi, để tìm đến làng Vân khi căn bệnh sắp ăn mòn hai đầu gối, là một trong những “già làng” đầu tiên bên cạnh các cụ Nguyễn Xứng, cụ Sanh, cụ Phạm Bồng… Dưới chân đèo Hải Vân, chơ vơ một ngôi làng giữa bạt ngàn sóng biển. “Được cái là mọi người ai cũng giống ai, cùng cảnh ngộ nên nương tựa nhau mà sống. Nỗi đau hành hạ thể xác nhưng mọi người vẫn bấu víu nhau mà sống. Những buổi chiều thong thả, chị em phụ nữ trong làng lại tụ tập bên mé biển cho khỏa nỗi niềm…”, cụ Bé kể lại.

Cùng bên dãy nhà liền kề ở “phố mới” Làng Vân, cụ Nguyễn Xứng nay đã gần 90, một bên chân phải cắt cụt vì hansen ăn mòn. Duy đôi mắt tinh nhanh vẫn ánh lên mỗi khi gợi nhớ về thuở lập làng: “Tui năm đó cùng với ông Sanh, thêm mấy ông cùng bệnh tật bỏ ra đây lập làng. Chân bị ăn mòn nhưng mọi người vẫn cố gắng mưu sinh”. Chiều biển lặng, cánh tay rắn rỏi của cụ vẫn kéo từng tấm lưới mùng, may mắn thì được cả một rạ cá. Trưa hắt bóng, trai tráng trong làng lại tụ tập dưới bóng dừa ngả lưng, nhấm nhẳng kể về những giản dị. Nhớ nhất với họ là những cái Tết làng Vân khó khăn nhưng đầm ấm. Những đêm 30, dưới cái buốt thấu xương, cả làng xúm xít mổ trâu, mổ heo, đốt lửa giữa biển. Những con thuyền của TP Đà Nẵng chở Tết về, mang theo loa đài, vô tuyến, tổ chức các buổi chiếu phim, văn nghệ cho vơi bớt cảnh biệt lập.

Với cụ Bé, nỗi niềm đau đáu khi nhận tin chồng mất mà không thể vào bờ đưa tang như bao nhiêu người khác. Người làng Vân không ít lần ám ảnh bởi những cái chết thương tâm do cảnh lật đò, những chuyến tàu ra vào ngược xuôi với đất liền. Chẳng mấy ai nhớ chính xác thời điểm lập làng Vân, chỉ nghe thuật lại làng bắt nguồn một trại nhỏ, từ năm 1968 do một người Mỹ lập nhằm chăm sóc, nuôi dưỡng 40 bệnh nhân bị nhiễm virus hansen. Ngôi làng ấy nhỏ thó cuộn mình trong đám rừng dại, hoang vu bên triền cát. Cuộc sống như bị cô lập với phía trước là biển, sau lưng là rừng cùng ải Hải Vân quan sừng sững, cứ thế tiếp nhận thêm những người mắc bệnh phong tứ xứ dạt về. Ngày ấy, y học chưa phát triển, giao thông hạn chế, cộng với sự vô thừa nhận, hắt hủi, nghi kỵ nên người bệnh rất tủi thân.

Theo các cụ cao niên trong làng, mãi đến năm 1998, làng mới được công nhận là một đơn vị hành chính cấp thôn, thôn Hòa Vân của Đà Nẵng. Đây cũng là dấu mốc lịch sử của làng khi toàn bộ người dân Hòa Vân được chữa dứt điểm bệnh phong, chỉ còn lại di chứng nên bệnh không còn khả năng lây lan cho cộng đồng. Nhưng ám ảnh và những định kiến thì quấn mãi lấy thân phận của họ.

Đến nay, làng Vân đã có khoảng 130 nóc nhà với hơn 350 thành viên. Thêm “dấu mốc lịch sử” khi cố Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh quyết định di dời làng Vân vào đất liền. “Tôi nhớ, lúc đó là cuối tháng 8/2012, những đoàn tàu, phương tiện vận chuyển người dân vào đất liền. Cả đêm trước, chẳng ai ngủ nổi. Mừng nhưng cũng đầy lo âu, khấp khởi. Trước mắt là phố thị, sau lưng là quê hương ăm ắp kỷ niệm… Nhưng mọi người quyết tâm, phải vượt qua chính mình”, cụ Bé nói.

Phố mới Làng Vân

Thấm thoắt hơn 5 năm, cuộc sống bên phố mới Hòa Hiệp Nam với người làng Vân dần thay đổi. Họ thích nghi và hòa nhập với môi trường mới. Thay cho cảnh chia cắt cũ, tại phố mới, nhu cầu y tế, vật chất được đáp ứng đầy đủ và kịp thời hơn. Tuy nhiên, theo các hộ dân này, vất vả nhất là 3 năm đầu, mọi người rất khó khăn để bám trụ, tìm kiếm việc làm trong nơi ở mới. Chính sách chuyển đổi nghề nghiệp, hỗ trợ vay vốn được Đà Nẵng tăng cường triển khai nhưng với người làng Vân thuở mới vào bờ vốn chỉ quen mảnh lưới, con cá, con tôm và đặc biệt đầy khó khăn trong sự mặc cảm, kỳ thị.

Đến nay, một số người làng Vân ngày ấy vẫn vượt hơn chục km để trở lại Hòa Vân mưu sinh trên mảnh đất cũ: chăn bò, giong thuyền bắt cá. Ông Đặng Kim Thanh (74 tuổi, Hòa Hiệp Nam) bảo: “Tôi cùng hơn chục người làng Vân khác vẫn đánh cá hàng ngày ở đây rồi đem về phố bán. Vừa khỏa nỗi nhớ quê hương, vừa thêm thu nhập”.

Bên cạnh đó, nhiều hộ dân cũng tranh thủ chủ trương, chính sách vay vốn để vươn lên thoát nghèo. Có nguồn vốn vay ưu đãi, chị Nguyễn Thị Hường (45 tuổi) cùng chồng và một số hộ khác đầu tư trang thiết bị để tổ chức đánh bắt thủy hải sản trên biển, bỏ mối cho các chợ. Ông Nguyễn Công Định (60 tuổi) hồ hởi: “Về đây quá thuận tiện ấy chứ. Dù tiếc cuộc sống dưới kia nhưng không thể phủ nhận cuộc sống bây giờ rất dễ dàng. Ốm đau bệnh tật đều được quan tâm. Những ngày mưa bão kéo đến, bộ đội, dân phòng đều được huy động đến giúp bà con che chắn lại nhà cửa, gia cố các lớp mái tạm yên tâm qua mùa thiên tai”.

Chiều chiều, cụ Bé vẫn ngồi trước hiên ngóng đứa cháu trai đi làm ở khu công nghiệp Hòa Khánh. Phụ thêm với đồng trợ cấp của cụ, công việc của cháu tuy vất vả nhưng đỡ đần được rất nhiều chi phí trong nhà. “Ở đây, đau ốm có xe đưa đón khám chữa tận nơi. Mọi mặc cảm kì thị trước kia, tụi tui đều không còn nữa”. Đối với cụ Bé, tuổi già chỉ mong được an yên. Những ngày Tết về, cán bộ phường, quận, thành phố, các mạnh thường quân tận tình thăm hỏi, chúc Tết, cái lạnh tha hương đã ấm lại, Tết về tràn ngập trong trái tim những người con ốc đảo.

Theo Ngân hàng Chính sách xã hội - Chi nhánh Đà Nẵng, ngay thời điểm người dân Làng Vân vào bờ, thành phố có chủ trương hỗ trợ vốn vay ưu đãi qua đơn vị với tổng số tiền 2,63 tỷ đồng. Mức cho vay mỗi hộ là 30 triệu đồng và được hỗ trợ lãi suất 0% trong 3 năm đầu. Đến nay đã giải ngân hơn 2 tỷ đồng, trong đó có hàng chục hộ dân Hòa Vân cũ.

Ông Nguyễn Văn Xứng cho biết đã nhận vốn vay 30 triệu đồng để mua bò, duy trì nghề cũ và kiếm thêm thu nhập. Theo lãnh đạo Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội quận Liên Chiểu nhìn nhận, chỉ tính riêng 2 năm triển khai cho các hộ dân làng Vân vay vốn để chuyển đổi ngành nghề đã giúp họ chủ động hơn trong làm kinh tế.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.