Chiều 4/8, tại Bạc Liêu, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chủ trì Hội nghị trực tuyến của Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Cần làm tốt công tác đầu tư xây dựng
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang cho rằng, những kết quả đạt được đã tạo chuyển biến tốt trong công tác đầu tư xây dựng hạ tầng, làm thay đổi diện mạo của các vùng nông thôn. Từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, nhất là các hộ dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Phó thủ tướng Trần Lưu Quang chủ trì hội nghị.
“Tinh thần là các địa phương không được cầu toàn vì đây là chương trình chung cho tất cả các địa phương. Các địa phương không nên có tâm lý ỷ lại”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Phó thủ tướng chỉ ra vấn đề, trong quá trình triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia có nơi còn nhiều khó khăn, bất cập mà nguyên nhân chủ yếu là địa phương chưa thật sự quyết tâm làm tới nơi tới chốn.
Phó thủ tướng Trần Lưu Quang cũng đề nghị các địa phương vướng ở vấn đề nào thì gửi ngay cho Bộ chủ quản vấn đề đó. Đồng thời các Bộ trong thời gian bảy ngày phải có văn bản trả lời cho địa phương.
“Các bộ liên quan xây dựng, ban hành sổ tay hướng dẫn thực hiện các chương trình mục tiêu Quốc gia bằng bảng giấy và file mềm để làm cơ sở cho địa phương triển khai thực hiện, đảm bảo thống nhất, đồng bộ.
Đặc biệt, đề nghị các địa phương phải tập trung làm tốt công tác giải ngân nguồn vốn năm 2022 và nguồn vốn phân bổ năm 2023”, Phó thủ tướng lưu ý.
Phó thủ tướng Trần Lưu Quang (thứ 2 từ phải qua) tham quan mô hình tôm - lúa trên địa bàn tại Bạc Liêu.
Phấn đấu đến cuối năm 2023, giải ngân các nguồn vốn đạt 100% kế hoạch
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giai đoạn 2021 - 2025, Trung ương đã chi hơn 9.740 tỷ đồng cho 12/13 địa phương thuộc vùng ĐBSCL (thành phố Cần Thơ không bố trí ngân sách Trung ương).
Con số này chiếm tỷ lệ 5% kế hoạch vốn đầu tư công từ nguồn ngân sách Trung ương để thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia trên cả nước.
Đến nay, các địa phương đã hoàn thành việc phân bổ, giao kế hoạch vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025, trên cơ sở bám sát các quy định và chỉ đạo của Trung ương.
Riêng trong năm 2023, ngân sách Trung ương phân bổ kinh phí thực hiện ba chương trình mục tiêu Quốc gia (gồm mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; mục tiêu giảm nghèo bền vững; và mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới) cho vùng trên 4.200 tỷ đồng.
Đến nay, các địa phương trong vùng đã phân bố trên 2.400 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển, đạt 99,5%, còn hai tỉnh chưa phân bổ.
Phó thủ tướng Trần Lưu Quang thăm hộ gia đình đồng bào dân tộc Khmer tại Bạc Liêu.
Theo báo cáo, các địa phương vùng ĐBSCL đang khẩn trương giải ngân vốn ngân sách địa phương để thực hiện các chương trình mục tiêu Quốc gia, phấn đấu đến cuối năm 2023 đạt 100% kế hoạch.
Báo cáo tại hội nghị, các địa phương cho biết còn gặp một số khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện.
Nổi bật là việc phân bổ vốn sự nghiệp cho một số tỉnh chưa phù hợp do địa phương không có đối tượng hoặc có đối tượng nhưng địa bàn không theo quy định.
Nguồn vốn phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa đáp ứng yêu cầu thực tế. Một bộ phận hộ nghèo, hộ cận nghèo còn tư tưởng không muốn thoát nghèo để được hưởng các chế độ ưu đãi…
Các địa phương kiến nghị, đề xuất với Phó thủ tướng chỉ đạo các bộ, cơ quan khẩn trương ban hành hoặc trình ban hành các văn bản hướng dẫn để tạo sự thống nhất, đồng bộ cho việc triển khai thực hiện các chương trình tại ĐBSCL.
Trước đó, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cũng đã thăm hỏi, động viên các hộ nghèo là đồng bào dân tộc Khmer tại thị trấn Hòa Bình, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu; tham quan mô hình sản xuất tôm - lúa và mô hình nuôi chồn hương của người dân tại ấp 18 và ấp 22 (xã Phong Thạnh A, thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu).
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận