Quản lý

Phó Thủ tướng: Tập trung tháo gỡ những nút thắt giao thông vùng ĐBSCL

23/06/2017, 14:51

Phó thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT, các bộ, ngành liên quan tập trung tháo gỡ những nút thắt về giao thông vùng ĐBSCL.

DSC02648

Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với các bộ, ngành và Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ - Ảnh: Gia Minh

Sáng 23/6, tại TP Cần Thơ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng có buổi làm việc với các bộ, ngành hữu quan, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ và các địa phương trong vùng về việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL.

Nhiều dự án quan trọng

Vùng ĐBSCL có vị trí thuận lợi để phát triển KT-XH với: 340km đường biên giới với Campuchia; 6 cửa khẩu quốc tế và 12 cửa khẩu phụ kết nối với Campuchia; đường bờ biển dài gần 740km và vùng biển rộng lớn tiếp giáp với các nước ASEAN; có điều kiện thuận lợi phát triển giao thương với các nước khu vực, trong đó GTVT có ý nghĩa hết sức quan trọng trong phát triển KT-XH.

Hệ thống GTVT của vùng hiện nay có 4 phương thức vận tải chủ yếu: đường bộ, đường thủy nội đị, đường biển và đường hàng không. Trong đó, phương thức vận tải chính là đường bộ và đường thủy nội địa.

Báo cáo với Phó thủ tướng, ông Nguyễn Nhật, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết, hiện nay, Bộ GTVT đang triển khai 16 dự án thuộc vùng ĐBSCL. Trong đó, có 3 dự án trọng điểm là: dự án kết nối khu vực trung tâm Đồng bằng Mê Kong (cầu Vàm Cống, cầu Cao Lãnh và tuyến nối 2); dự án tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi và tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Nhật, những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước trong việc ưu tiên nguồn lực đầu tư, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL có sự phát triển nhanh, diện mạo giao thông của vùng có nhiều thay đổi, cơ bản đáp ứng được các yêu cầu lưu thông và phát triển.

Trong giai đoạn 2010-2015, giao thông của vùng đã hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng khung của vùng, cơ bản bảo đảm tính kết nối, hỗ trợ phát triển KT-XH. Đặc biệt, việc hoàn thành các cầu lớn trong khu vực như: Cần Thơ, Hàm Luông, Rạch Miễu, Cổ Chiên, Năm Căn, Đầm Cùng, Mỹ Lợi,… đã giúp hệ thống giao thông của vùng ngày càng thuận lợi hơn.

Cùng với đó là việc hoàn thành xây dựng Cảng hàng không Quốc tế Cần Thơ, Phú Quốc và 2 sân bay là Rạch Giá và Cà Mau (với năng lực khai thác đạt khoảng 5,05 triệu lượt khách/năm) đã thu hẹp khoảng cách giữa các tỉnh, thành trong vùng với cả nước và thế giới.

Về đường bộ, hiện có tổng chiều dài các tuyến quốc lộ là 2.030,41km, đường tỉnh dài 4.718,8km, đường huyện và giao thông nông thôn dài 72.851,8km với chất lượng tốt, bảo đảm giao thông đường bộ thông suốt, an toàn.

Về đường thủy, có trên 13.000 km, được phân bổ đồng đều trên toàn vùng, là lợi thế vô cùng to lớn về khai thác vận tải đường thủy nội địa.

Bên cạnh đó, đường biển cũng là một thế mạnh của vùng. Tuy nhiên, hiện chưa phát huy được hết các lợi thế do một số cửa biển bị bồi lấp.

Ông Nguyễn Văn Thể, Ủy viên BCH trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng cho rằng, tuyến nối từ Cà Mau đến Sóc Trăng qua Trà Vinh – Bến Tre – TP.HCM, nếu làm tuyến này tốt sẽ rút ngắn quảng đường từ 70 đến 80km, hiện tuyến này đi qua nhiều tỉnh nghèo. Nếu làm sớm sẽ tạo ra trục giao thông rất thuận lợi, trong đó, điểm chính là nút thắt cầu Đại Ngãi (Sóc Trăng), với số vốn khoảng 8.700 tỷ đồng.

Với sự phát triển nhanh của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đã tạo điều kiện thuận lợi cho vận tải hành khách, háng trong vùng thông suốt, nhanh chóng, giai đoạn từ năm 2010-2015, tổng khối lượng vận tải của toàn vùng đạt trên 4.657 triệu lượt khách và gần 470 triệu tấn hàng hóa, tốc độ tăng trưởng bình quân lần lượt là 4,4%/ năm đối với hành khách và 4,9%/ năm đối với hàng hóa.

Cần bảo đảm nguồn vốn

Thời gian tới, để bảo đảm nguồn vốn thực hiện cho các dự án, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cũng kiến nghị lên Thủ tướng sớm xem xét bổ sung nguồn vốn dự phòng của Chính phủ giai đoạn 2016 – 2020, nguồn ngân sách Nhà nước với kinh phí khoảng 1.500 tỷ đồng để triển khai hoàn thành 6 dự án đang thi công sử dụng vốn ngân sách Nhà nước, 22.645 tỷ đồng để triển khai khởi công mới 17 dự án sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ trong vùng.

Đối với các dự án dự kiến sử dụng nguồn vốn ODA, sau khi hoàn thành hồ sơ dự án, Thứ Trưởng Bộ GTVT cũng đề nghị Thủ tướng xem xét bổ sung vào dnah mục đầu tư công trung hạn để có cơ sở triển khai dự án. Đối với việc sử dụng vốn vay trái phiếu Chính phủ còn dư của các dự án để đầu tư bổ sung một số hạng mục nhằm phát huy hiệu quả đầu tư của các dự án đề nghị Thủ tướng chấp thuận để Bộ GTVT tiếp tục thực hiện.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ GTVT và các bộ, ngành liên quan cần tập trung tháo gỡ những nút thắt về giao thông, đặc biệt, những nút thắt nằm dọc trục lớn nhất là tuyến cao tốc TP.HCM đến Cần Thơ, nút thắt QL60, nút thắt N2 Cao Lãnh, Trung lương.

Phó thủ tướng nhận định rằng, việc đầu tư kết cấu hạ tầng của vùng ĐBSCL là hết sức quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển KT – XH của vùng. Đồng thời, nâng cao năng lực cạnh tranh và chất lượng cuộc sống người dân.

Hệ thống cảng biển được đầu tư dư công suất nhưng việc kết nối giữa bên trong và bên ngoài chưa tốt, những cảng chuyên dùng, đặc biệt là cảng than, nếu không có cảng trung chuyển lớn dẫn tới đầu vào vận chuyển sẽ tăng.

Nhu cầu vốn đầu tư rất lớn nhưng việc đáp ứng lại rất ít chỉ khoảng 30%. Nhiều dự án lớn dở dang đang triển khai 26 dự án, với tổng số vốn đầu tư khoảng 80 ngàn tỷ, trong khi đó, vốn ngân sách chỉ khoảng 20 - 30 ngàn tỷ (chiếm khoảng 30%). Chỉ tính riêng, cầu Đại Ngãi, nguồn đầu tư khoảng 9.000 tỷ đồng, nếu mượn tiền của Nhật Bản thì nợ công sẽ đội trần lúc đó sẽ vi phạm.

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị Bộ GTVT tiếp tục chủ trì phối hợp với các bộ, ngành để sớm triển khai dự án với vốn đầu tư gần 9.000 tỷ đồng, đặc biệt là vai trò của ngân hàng, các nhà tài trợ đã cam kết rồi, ngân hàng phải tạo điều kiện giải ngân. Đến năm 2020 phải hoàn thành.

Đối với dự án Mỹ Thuận đi Cần Thơ, Bộ GTVT sớm rà soát lại 2 dự án, Trung lương – Mỹ Thuận và Mỹ Thuận – Cần Thơ. Tuyến N2, tổng đầu tư trên 26.000 tỷ, có 2 cụm dự án chính Cao Lãnh đến Vàm Cống, dự án này phải xong cuối năm nay và đưa vào khai thác.

Phó thủ tướng đề nghị Bộ GTVT và các bộ, ngành liên quan sớm báo cáo CP về dự án cảng than, để đáp ứng yêu cầu cung ứng than cho khu vực. Huy động, rà soát các nguồn đầu tư, nạo vét cửa sông, cửa biển, luồng lạch giao thông đường thuỷ nội địa.

Đối với Bộ KH&ĐT, Phó thủ tướng yêu cầu tiếp tục đề xuất những vấn đề cần sửa đổi Luật Đầu tư công để phù hợp, trình Chính phủ phê duyệt.

Trong giai đoạn 2010-2015, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vận tải vùng ĐBSCL đã được đầu tư, hoàn thành 40 dự án với tổng vốn đầu tư 43.682 tỷ đồng, tương đương 11,5% tổng mức vốn đầu tư thực hiện của ngành giao thông cả nước. Hiện còn 26 dự án đang được đầu tư với tổng vốn đầu tư khoảng 88.910 tỷ đồng, trong đó vốn huy động ngoài ngân sách là trên 21.500 tỷ đồng, còn lại là vốn ngân sách.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.