Đường bộ

Chống dịch nên lơ là đảm bảo ATGT, ngăn chặn thế nào?

15/10/2021, 18:56

Trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát, TNGT trên địa bàn cả nước giảm sâu, tuy nhiên vẫn còn 9 địa phương tăng cao...

Chống dịch nên lơ là

Tìm hiểu của PV Báo Giao thông, thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội nên phương tiện lưu thông giảm đáng kể. Chính vì vậy, tình hình trật tự ATGT cũng bớt nóng, TNGT những tháng đầu năm trên địa bàn cả nước giảm sâu.

Thực tế, theo Ủy ban ATGT Quốc gia, 9 tháng đầu năm, TNGT giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương. Cụ thể, toàn quốc xảy ra hơn 8.100 vụ TNGT, làm chết gần 4.200 người, bị thương hơn 5.600 người. So với cùng kỳ, giảm hơn 2.500 vụ, giảm 817 người chết và giảm hơn 2.200 người bị thương.

Tuy nhiên, đáng nói, trong những tháng đầu năm vẫn còn tới 9 địa phương có số người chết do TNGT tăng cao. Cụ thể gồm: Quảng Bình, Tiền Giang, Sóc Trăng, Gia Lai, Thái Bình, Kiên Giang, Hậu Giang, Điện Biên và Quảng Trị. Trong đó, có 2 tỉnh có số người chết tăng trên 10% trở lên là Điện Biên và Quảng Trị.

img

Trong 9 tháng đầu năm, vẫn còn 9 địa phương có số người chết do TNGT tăng cao - Ảnh minh họa

Chia sẻ lý do TNGT ở địa phương tăng, ông Lê Đức Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho hay, 9 tháng đầu năm, TNTG tăng trên 20% ở cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương.

“Ban ATGT tỉnh nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm và sẽ có giải pháp đảm bảo ATGT những tháng cuối năm”, ông Tiến nói.

Nói về nguyên nhân TNGT tăng, ông Tiến cho hay, 9 tháng đầu năm, dịch bệnh bùng phát, tỉnh tập trung đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh nên việc đảm bảo ATGT chưa quyết liệt.

Đồng thời, theo ông Tiến vẫn còn tình trạng quá tải lưu lượng phương tiện trên một số tuyến quốc lộ như: QL1, QL19 và tuyến tránh TP.Đông Hà. Một số dự án đang đẩy nhanh tiến độ như 31 dự án điện gió và dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn khiến phương tiện vận tải tăng đột biến. Nhiều lái xe xuất nhập khẩu vào Quảng Trị phải đổi lái, không quen đường, dễ xảy ra tai nạn. Bên cạnh đó, ý thức chấp hành pháp luật ATGT của người tham gia giao thông chưa cao.

Cũng theo ông Tiến, QL1 qua TP.Đông Hà do chưa có đường tránh, phương tiện qua đây tăng đột biến dẫn đến nhiều vụ TNGT nghiêm trọng. Trên tuyến QL19 thời gian qua cũng gia tăng xe siêu trường, siêu trọng chở thiết bị điện gió, làm gia tăng một số vụ TNGT.

Tương tự, là địa phương có TNGT tăng trong quý III, ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho hay, có nhiều nguyên nhân khiến TNGT gia tăng. Trong quý III, Quảng Nam có nhiều huyện, thành phố giãn cách nên phải tập trung lực lượng công an và thanh tra giao thông thực hiện phòng chống dịch.

Đánh giá kỹ nguyên nhân và cần giải pháp quyết liệt để kéo giảm TNGT

Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, nhờ thực hiện quyết liệt các giải pháp vừa đảm bảo ATGT vừa phòng chống dịch, TNGT đã giảm sâu cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương trong 9 tháng đầu năm.

Tuy nhiên, trong điều kiện dịch Covid-19 phức tạp nhưng một số tỉnh, thành phố TNGT vẫn tăng cao. Các tỉnh, thành phố tai nạn tăng cao lại vin vào lý do kết cấu hạ tầng là chưa thuyết phục.

Khi phòng chống dịch, cả hệ thống chính trị vào cuộc với mục tiêu chăm lo đời sống nhân dân, giảm thiểu tử vong do dịch bệnh. Trong 9 tháng đầu năm vẫn còn trên 4.000 người chết do TNGT. Đây là con số nếu không có giải pháp chỉ đạo quyết liệt, TNGT trong quý 4 sẽ tăng cao.

"Trong Qúy IV, công tác phòng chống dịch bệnh sẽ gắn với phục hồi kinh tế và đảm bảo ATGT. Khi các địa phương nới lỏng thực hiện giãn cách, nếu không làm tốt sẽ gia tăng TNGT", Thứ trưởng Lê Đình Thọ nói.

Không đồng tình với cách lý giải của các địa phương, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho rằng, trong khi cả nước giảm, nhưng Quảng Trị và một số địa phương TNGT lại tăng cao.

"Điều quan trọng trong đảm bảo ATGT là Ban ATGT tỉnh và các cơ quan chức năng trong tỉnh phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát, nhất là các tuyến đường gia tăng số lượng phương tiện, các điểm hay xảy ra tai nạn. Thực hiện giãn cách xã hội, cả nước giảm cả 3 tiêu chí, nhưng Quảng Trị và một số tỉnh lại tăng. Các tỉnh có TNGT tăng cần đánh giá kỹ nguyên nhân và đưa ra các giải pháp quyết liệt hơn, nhất là từ nay đến cuối năm thực hiện điều kiện bình thường mới", Phó Thủ tướng yêu cầu.

Trong những tháng còn lại của năm 2021, dịch bệnh sẽ từng bước được kiểm soát, kinh tế - xã hội sẽ phục hồi và tăng trưởng trở lại, hoạt động giao thông vận tải sẽ dần quay về với mức độ bình thường.

Để kéo giảm TNGT, Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương, tập trung thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 18 của Ban Bí thư Trung ương Đảng; Nghị quyết số 12 của Chính phủ về tăng cường bảo đảm ATGT và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2019-2021 và kế hoạch năm ATGT 2021.

Ủy ban ATGT Quốc gia cần xây dựng kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Quyết định 2060/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược bảo đảm ATGT đường bộ giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Bên cạnh đó, tổ chức kiểm tra, đôn đốc các địa phương thực hiện nhiệm vụ bảo đảm ATGT gắn với phòng chống dịch Covid-19.

Bộ GTVT tập trung hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật; làm tốt kiểm soát tải trọng xe theo Chỉ thị số 32 của Thủ tướng Chính phủ; đánh giá kết quả kế hoạch tổ chức hoạt động vận tải hành khách của 5 lĩnh vực trong thời gian các địa phương nới lỏng biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và có điều chỉnh phù hợp với Nghị quyết số 128 của Chính phủ.

Bộ Công an có phương án bố trí lực lượng, phương tiện bảo đảm ATGT trong bối cảnh nới lỏng giãn cách. Đồng thời, thực hiện có hiệu quả các kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về ATGT do Bộ Công an đã ban hành, đặc biệt các chuyên đề về xử lý vi phạm quy định về tải trọng, chạy quá tốc độ.

img

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.