Thời sự

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Chỉ vay trong khả năng trả được nợ

17/02/2018, 07:05

Nhân dịp đầu Xuân mới, Báo Giao thông có cuộc trò chuyện với Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ.

3

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ

Năm 2017 là năm đầu tiên sau nhiều năm Chính phủ hoàn thành và vượt kế hoạch cả 13 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đã được Quốc hội giao, trong đó có chỉ tiêu về tăng trưởng GDP đạt mức 6,81%. 

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết: Tăng trưởng năm qua có sự đóng góp của tất cả các ngành, lĩnh vực, thể hiện ở mức tăng cao, đồng thời ở cả 3 khu vực. Nổi lên là khu vực công nghiệp và xây dựng (8%), trong đó, đóng góp chủ yếu là của khu vực công nghiệp chế biến, chế tạo (tăng 14,4%), nhờ sự mở rộng quy mô sản xuất, nhiều dự án lớn đi vào hoạt động làm tăng mạnh sản lượng của một số ngành điện tử, điện thoại... Khu vực dịch vụ tăng mạnh (7,44%) với sự khởi sắc của dịch vụ bán buôn, bán lẻ trong nước (tăng 10,9%), khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ước đạt 12,9 triệu lượt khách, tăng 29,1%. Khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản phục hồi, tăng 2,9%, trong đó đóng góp chính là ngành Thủy sản, tăng 5,54%.

Đây là những cố gắng lớn của Chính phủ và các cấp, các ngành trong bối cảnh nền kinh tế đang chuyển đổi mô hình tăng trưởng, giảm dần dựa vào khai thác tài nguyên, nhất là dầu thô và chuyển hướng sang lấy công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ làm nòng cốt.

Nợ công đã giảm mạnh

Trong những năm qua, nhiều thời điểm được dự báo nợ công sát trần 65%, dư nợ Chính phủ trên 53% vượt trần cho phép, tỷ lệ chi trả nợ vay cao hơn chuẩn của quốc tế là 25%. Trong bối cảnh đó, nhiều thành viên của Chính phủ, ĐBQH và chuyên gia khuyến cáo Chính phủ nên nghiên cứu để trình T.Ư, Quốc hội nới trần nợ công để có vốn cho đầu tư phát triển? Quan điểm của Chính phủ về việc này?

"Thực hành triệt để tiết kiệm, chống lãng phí; xác định tiết kiệm là quốc sách hàng đầu, chỉ chi trong khả năng của nền kinh tế và chỉ vay trong khả năng trả nợ. Giải quyết hài hòa các vấn đề cấp bách trước mắt và giải pháp căn cơ lâu dài, siết chặt kỷ cương, tăng cường trách nhiệm giải trình trong thu - chi ngân sách, sử dụng vốn vay và xử lý nợ công, hạn chế và tiến tới xoá bỏ cơ chế xin - cho."

Phó Thủ tướng Chính phủ
Vương Đình Huệ

Kinh nghiệm nhiều nước cho thấy, việc kiểm soát các chỉ tiêu an toàn nợ mới chỉ là điều kiện cần; hiệu quả sử dụng nợ công mới là yếu tố cốt lõi để bảo đảm tính an toàn, bền vững. Đối với các chỉ tiêu an toàn nợ công, chỉ số trần nợ công phải đi đôi với khả năng trả nợ. Tại thời điểm 30/12/2015, chi trả nợ đã trên 27% tổng thu ngân sách Nhà nước, vượt mức cho phép là 25% theo thông lệ quốc tế.

Vì vậy, Chính phủ đã cân nhắc kỹ lưỡng, thay cho việc trình Trung ương và Quốc hội xin nới trần nợ công, Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính xây dựng Đề án, trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 07/NQ-TƯ ngày 18/11/2016 về cơ cấu lại ngân sách Nhà nước, quản lý nợ công để bảo đảm tài chính quốc gia an toàn bền vững.

Thực hiện Nghị quyết số 07 của Bộ Chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt việc cơ cấu lại thu, chi ngân sách Nhà nước, cơ cấu lại nợ công, đồng thời chú trọng nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay. Để nâng cao hiệu quả các chương trình, dự án đầu tư công nói chung và hiệu quả sử dụng nợ công nói riêng, đầu tư từ nguồn vốn vay công phải tập trung cho các dự án trọng điểm, cấp bách ở thứ tự ưu tiên cao, có tác động lan tỏa và nằm trong kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được phê duyệt.

Nhờ những nỗ lực đó, đến 31/12/2017, nợ công đã giảm khá mạnh, về mức 61,3% GDP, nợ Chính phủ 51,6% GDP, dư nợ Chính phủ bảo lãnh là 9,1% GDP, nợ nước ngoài quốc gia 45% GDP.

Theo Phó Thủ tướng, trong giai đoạn tới, đâu là giải pháp căn cơ nhằm quản lý, đảm bảo an toàn nợ công?

Nghị quyết số 07-NQ/TƯ Hội nghị Trung ương 4 khóa XII đã đề ra các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể về cơ cấu lại ngân sách Nhà nước, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững.

Chính phủ đã trình Quốc hội kế hoạch về đầu tư công trung hạn, ban hành Nghị quyết số 25/2016/QH14 về kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia, trong đó phê duyệt các chủ trương lớn về huy động, quản lý sử dụng vốn vay nợ công và các mức trần nợ công giai đoạn 2016-2020 nhằm bảo đảm cân đối ngân sách là tích cực nhất, bảo đảm an ninh tài chính quốc gia.

Nghị quyết 07-NQ/TƯ cũng xác định mục tiêu cụ thể là giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ huy động vào ngân sách bình quân khoảng 20-21% GDP, tổng thu tăng 1,65 lần so với giai đoạn trước và cơ cấu lại các khoản thu từ ngân sách, trong đó giảm thu từ dầu thô, tăng thu từ nội địa, giữ mức chi ngân sách ở khoảng 24-25% GDP, trong đó chi đầu tư phát triển chiếm 25-26% và chi thường xuyên ở dưới mức 64%, giảm bội chi tới năm 2020 là dưới 4% GDP; quy mô nợ công không quá 65%, nợ Chính phủ không quá 55%, nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50%. Quốc hội cũng đã thông qua Luật Quản lý nợ công sửa đổi. Trong năm 2016, Chính phủ chỉ duyệt cấp bảo lãnh cho 1 dự án 176 triệu USD và năm 2017 chưa cấp bảo lãnh cho dự án nào. Đi liền với đó là giảm vay cấp phát mà cho vay lại với chính quyền địa phương và khối sự nghiệp.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 51 và số 53 về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 07-NQ/TƯ với chủ trương cơ cấu lại NSNN và quản lý nợ công phải đặt trong tổng thể cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, bảo đảm hiệu quả, toàn diện, công bằng, bền vững, động viên hợp lý các nguồn lực. Thực hành triệt để tiết kiệm, chống lãng phí; xác định tiết kiệm là quốc sách hàng đầu, chỉ chi trong khả năng của nền kinh tế và chỉ vay trong khả năng trả nợ. Giải quyết hài hoà các vấn đề cấp bách trước mắt và giải pháp căn cơ lâu dài, siết chặt kỷ cương, tăng cường trách nhiệm giải trình trong thu - chi ngân sách, sử dụng vốn vay và xử lý nợ công, hạn chế và tiến tới xoá bỏ cơ chế xin - cho.

4

Chế biến, xuất khẩu thủy sản tăng mạnh ở mức 5,54% là một trong những yếu tố góp phần vào sự tăng trưởng của nền kinh tế - Ảnh: Khánh Linh

Khắc phục việc chậm giải ngân vốn đầu tư công

Thưa Phó Thủ tướng, giải ngân vốn đầu tư công là một trong những yếu tố thúc đẩy tăng trưởng nhưng vừa rồi kết quả đánh giá cho thấy tình hình giải ngân vốn còn chậm.Vấn đề này được khắc phục thế nào trong năm 2018?

Trong điều kiện của nước ta hiện nay, đầu tư công giữ vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Năm 2017, giải ngân vốn đầu tư công đã có những chuyển biến tích cực, tuy nhiên vẫn chậm so với yêu cầu đặt ra. Nguyên nhân có cả khách quan và chủ quan nhưng nguyên nhân chủ quan là chính.

Trước tình hình đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành kiên quyết cắt giảm các dự án không đủ thủ tục, chậm giải ngân, chuyển sang các mục tiêu quan trọng, cấp bách khác; từ năm 2018, sẽ đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm; đề cao trách nhiệm người đứng đầu bộ, ngành, địa phương, cơ quan đơn vị và kỷ luật kỷ cương trong thực hiện quy định. Trước mắt, các dự án chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư, cương quyết cắt giảm đưa vào dự phòng chung theo đúng tinh thần chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Khẩn trương rà soát, điều chỉnh cơ cấu, giao vốn các chương trình mục tiêu; đảm bảo số vốn bố trí không vượt mức vốn đầu tư công trung hạn 2016-2020 đã được Quốc hội thông qua.

Trong thời gian tới, Chính phủ đang tích cực, khẩn trương sửa đổi, bổ sung các Nghị định hướng dẫn Luật Đầu tư công theo thẩm quyền của Chính phủ; Đồng thời, đã tổ chức rà soát, trình Quốc hội xem xét, sửa đổi bổ sung pháp luật về đầu tư công, nhất là các quy định chưa phù hợp liên quan tới thủ tục, thẩm quyền, trách nhiệm trong quyết định chủ trương, lập, điều chỉnh kế hoạch đầu tư dự án hay các quy định về kéo dài thời gian thực hiện dự án,... khắc phục các nguyên nhân dẫn đến tốc độ giải ngân chậm vốn đầu tư công như hiện nay.

Xin trân trọng cảm ơn Phó Thủ tướng!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.