Thời sự

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Sẽ kiểm soát được lạm phát năm 2018

28/03/2018, 06:40

Bộ GTVT đã có 51 dự án BOT thỏa thuận quyết toán toàn bộ hoặc một phần...

7

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo điều hành giá đã khẳng định như vậy khi chủ trì phiên họp quý I/2018 của ban, đánh giá kết quả thực hiện công tác điều hành 3 tháng đầu năm, cập nhật phương hướng điều hành từ nay tới hết năm.

Bộ GTVT thỏa thuận để điều chỉnh giảm giá dịch vụ BOT

Liên quan đến lĩnh vực giao thông, theo báo cáo của tổ giúp việc Ban Chỉ đạo điều hành Giá, về giảm giá dịch vụ sử dụng đường bộ BOT đối với các dự án đã quyết toán, Bộ GTVT đã có 51 dự án BOT thỏa thuận quyết toán toàn bộ hoặc một phần (không bao gồm dự án Hà Nội - Hải Phòng), trong đó có 23 dự án BOT đã đàm phán ký phụ lục điều chỉnh hợp đồng. Theo đó, có 18 dự án giảm thời gian hoàn vốn, 5 dự án tăng thời gian hoàn vốn so với hợp đồng ban đầu do lưu lượng thấp.

Về xử lý giảm giá, Bộ GTVT đã thực hiện giảm giá theo Nghị quyết số 35 của Chính phủ (giảm 20.000 đồng/xe đối với xe nhóm 4 và nhóm 5); giảm giá 13/23 dự án; 8 dự án có mức giá thấp không điều chỉnh giảm; một dự án chưa giảm do doanh thu thấp. Cùng với đó, đã giảm giá xung quanh 14/23 trạm thu giá.

Bộ GTVT đã chỉ đạo các doanh nghiệp dự án BOT khẩn trương cập nhật giá trị của các dự án đã có thỏa thuận quyết toán và Bộ đang đàm phán với nhà đầu tư, ngân hàng tài trợ vốn để ký phụ lục điều chỉnh hợp đồng dự án, trong đó có điều chỉnh giá dịch vụ BOT của các trạm đã quyết toán theo chỉ đạo của Chính phủ.

Về công tác xử lý bất cập tại trạm thu giá, đã xử lý giảm giá 36/43 dự án có trạm thu giá bất cập, giảm giá cho người dân quanh trạm.

Trong tháng 3/2018, Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch tổ chức Hội nghị toàn quốc về Logistics để bàn giải pháp giảm chi phí, kết nối hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông.

Kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đặt ra

Đánh giá về tình hình chung, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính) cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của tháng 3/2018 so với cùng kỳ năm 2017 tăng 2,65%. Nguyên nhân là do nhu cầu gia tăng tiêu dùng trong dịp Tết và lễ hội đầu năm, giá cả các mặt hàng thiết yếu thế giới tăng trở lại như nhiên liệu, chất đốt, sắt thép... gây áp lực lên mặt bằng giá trong nước; do điều chỉnh một số mặt hàng thiết yếu trong nước tại một số tỉnh...

GDP quý I/2018 tăng cao nhất trong 10 năm qua

Theo Bộ KH&ĐT, tình hình kinh tế trong nước quý I vẫn giữ xu thế tích cực từ cuối năm 2017 trở lại đây khi kinh tế vĩ mô ổn định, giá cả và lạm phát trong tầm kiểm soát. Dự kiến, tăng trưởng GDP quý I/2018 tốt nhất trong 10 năm qua ở mức tăng trưởng trên 7%; chỉ số giá tiêu dùng bình quân được kiểm soát tốt ở mức tăng 2,82%.

Bộ Tài chính và các ý kiến thành viên Ban chỉ đạo khuyến cáo, từ nay tới cuối năm cũng xuất hiện một số yếu tố gây sức ép lên mặt bằng giá, đó là 8 địa phương sẽ điều chỉnh giá khám chữa bệnh đối với người không có thẻ BHYT (dự kiến, tác động CPI khoảng 0,07%), dự kiến điều chỉnh chi phí quản lý vào giá dịch vụ y tế, lương cơ sở cơ cấu vào giá dịch vụ khám chữa bệnh (tác động 0,42%), điều chỉnh giá dịch vụ giáo dục (tác động 0,3%)...

Từ tính toán trên, nhóm giúp việc của Ban chỉ đạo xây dựng 3 kịch bản cho điều hành giá, dựa trên các kịch bản điều chỉnh giá các mặt hàng. Theo đó, dự báo CPI bình quân cả năm 2018 sẽ tăng ở mức từ 3,41%- 3,55% và 3,9%, dưới chỉ tiêu Quốc hội giao tăng lạm phát 4% cho năm 2018.

Tổng kết cuộc họp, đề cập về điều hành giá trong 9 tháng cuối năm, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu các bộ, ngành bám sát kịch bản tăng CPI năm 2018 ở mức 3,55% để triển khai các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. “Với kinh nghiệm trong quản lý, phối hợp điều hành của các Bộ, ngành đối với giá cả các mặt hàng, Chính phủ tin tưởng sẽ hoàn thành nhiệm vụ kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đặt ra”, Phó Thủ tướng khẳng định.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.