Tài chính

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Tháo gỡ điểm nghẽn giải ngân vốn đầu tư công

25/01/2020, 16:27

Năm 2019 tiếp tục là một năm đất nước gặt hái được nhiều thành công, trong đó đáng chú ý có tới 5 chỉ tiêu vượt yêu cầu Quốc hội đặt ra.

img
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ

Báo Giao thông phỏng vấn Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ về triển vọng, cơ hội và cả những thách thức của đất nước trong thời gian trước mắt và 10 năm tới.

Trong tất cả những thành công của năm 2019, Phó Thủ tướng đánh giá đâu là những điểm nhấn đáng chú ý?

Năm 2019 là năm thứ hai liên tiếp chúng ta hoàn thành toàn diện 12 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, trong đó 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Tốc độ tăng GDP cả năm đạt 7,02%, thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao hàng đầu trong khu vực và thế giới.

Trong đó có 6 điểm nhấn vượt trội sau: Một là, nền tảng kinh tế vĩ mô tiếp tục duy trì ổn định, lạm phát kiểm soát ở mức thấp, CPI bình quân tăng khoảng 2,75%, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2015 trở lại đây và thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra. Chính sách tài chính, tiền tệ, tỷ giá được điều hành một cách chủ động, chặt chẽ, linh hoạt. Dự trữ ngoại hối tăng và đạt mức cao kỷ lục từ trước đến nay (gần 80 tỷ USD). Năng lực cạnh tranh quốc gia được nâng hạng (tăng 10 bậc), môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện mạnh mẽ.

Hai là, trong bối cảnh kinh tế và thương mại toàn cầu suy giảm mạnh, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vẫn tăng khoảng 7,9%, cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân toàn cầu.

Ba là, sản xuất công nghiệp tăng mạnh; trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục giữ vai trò động lực tăng trưởng kinh tế.

Bốn là, khu vực nông nghiệp phát triển ổn định; xây dựng và đưa vào hoạt động nhiều nhà máy chế biến lớn; xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt trên 41 tỷ USD.

Năm là, khu vực dịch vụ duy trì đà tăng khá cao; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng khoảng 12%...

Sáu là, các lĩnh vực văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục, khoa học, công nghệ, môi trường tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực. Quốc phòng, an ninh được tăng cường; trật tự an toàn xã hội được giữ vững; các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh.

Thưa Phó Thủ tướng, một trong những điểm nghẽn của nền kinh tế thời gian qua là tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công, trong đó có một số công trình trọng điểm theo nghị quyết của Quốc hội, ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển, gây lãng phí. Thời gian tới, Chính phủ sẽ khắc phục tình trạng này như thế nào?

Giải ngân vốn đầu tư công chậm đã diễn ra trong một số năm qua có vướng mắc về thể chế và nhất là khâu tổ chức thực hiện. Tháng 9/2019, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì Hội nghị toàn quốc về vấn đề này và ngay sau đó Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 94/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ phân bổ và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2019. Đây là Nghị quyết thứ 3 của Chính phủ trong nhiệm kỳ này, thể hiện sự quyết tâm của Chính phủ trong việc khơi thông nguồn lực quan trọng này.

Luật Đầu tư công (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ đầu năm 2020 đã tháo gỡ cơ bản các vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật Đầu tư công, cụ thể: Đơn giản hoá trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư dự án, phân cấp thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn...

Cùng với đó là việc đơn giản hóa mạnh mẽ quy trình giao kế hoạch vốn đầu tư công hàng năm như phân cấp thẩm quyền quyết định cho người đứng đầu các bộ, cơ quan trung ương, địa phương trong việc điều chỉnh kế hoạch giữa các dự án trong danh mục kế hoạch nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công và nâng cao tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trong kế hoạch hàng năm….

Luật Đầu tư công sửa đổi sẽ góp phần cải thiện tình trạng giải ngân vốn chậm trễ hiện nay. Các quy định mới đảm bảo sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công, đồng thời tạo thuận lợi trong điều chỉnh kế hoạch để tăng tỷ lệ giải ngân, hạn chế kéo dài thời gian thực hiện, chuyển nguồn…

Với các thay đổi quan trọng của Luật, sẽ tạo ra cơ chế thông thoáng triển khai các dự án đầu tư công, nhất là các dự án đầu tư quan trọng của quốc gia như: CHK quốc tế Long Thành, cao tốc Bắc - Nam... trong những năm tới.

Tại buổi làm việc với Bộ KH&ĐT vào đầu năm 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra Tầm nhìn Việt Nam năm 2030 và 2045, đặt mục tiêu phấn đấu GDP bình quân vào năm 2045 phải đạt ít nhất 18.000 USD/người vào năm 2030. Theo Phó Thủ tướng, để đạt mục tiêu này, chúng ta cần phải làm những gì?

Đất nước chúng ta đang vững bước trên con đường hội nhập và phát triển. Sau hơn 30 năm đổi mới, thế và lực của nước ta đã lớn mạnh hơn nhiều. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp và xã hội đã tăng lên nhiều.

Chất lượng tăng trưởng kinh tế từng bước được cải thiện, bước đầu dịch chuyển sang chiều sâu, hiệu quả sử dụng các yếu tố đầu vào cho nền kinh tế được cải thiện đáng kể, tăng độ mở nền kinh tế và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài ngày càng lớn. Khu vực tư nhân ngày càng đóng góp lớn hơn vào nền kinh tế.

Để đạt được những mục tiêu này, chúng ta cần tiếp tục thực hiện mạnh mẽ các đột phá chiến lược cho giai đoạn phát triển mới, cụ thể: Tập trung hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, giải quyết tốt hơn quan hệ giữa Nhà nước và thị trường; đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; Xây dựng hoàn chỉnh hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH đồng bộ, hiện đại, với trọng tâm là các dự án hạ tầng trọng điểm giao thông, đô thị để khắc phục cơ bản những điểm nghẽn.

Đồng thời, phát triển mạnh hạ tầng số, hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia, tạo nền tảng phát triển kinh tế số; Phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo để tạo bứt phá về năng suất lao động, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, phát triển xã hội thông minh.

Vậy còn những khó khăn và thách thức mà chúng ta phải đối mặt trong 10 năm tới là gì?

Ở phạm vi toàn cầu, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt và phức tạp; chủ nghĩa dân túy, bảo hộ có xu hướng tăng lên. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn biến rất nhanh, tác động sâu rộng, đa chiều đến hệ thống chính trị, xã hội, kinh tế của thế giới.

Kinh tế số sẽ làm thay đổi phương thức quản trị Nhà nước, phương thức, mô hình sản xuất kinh doanh, tiêu dùng và đời sống văn hóa xã hội. Thách thức về biến đổi khí hậu gia tăng; sự nóng lên của khí hậu toàn cầu, nước biển dâng... sẽ tiếp tục đặt ra nhiều thách thức cho phát triển bền vững.

Còn trong nước, nền kinh tế vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, khả năng chống chịu, thích ứng với tác động từ bên ngoài còn yếu, năng lực tiếp cận nền kinh tế số còn hạn chế. Tăng trưởng GDP có xu hướng chững lại, nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình và tụt hậu của nền kinh tế còn cao.

Quá trình đô thị hóa tiếp diễn nhanh, kéo theo sự gia tăng mạnh lượng người di cư, tạo sức ép lớn về nhu cầu xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị, việc làm, nhà ở, dịch vụ y tế, giáo dục và xử lý ô nhiễm môi trường đô thị. Đời sống nhân dân được nâng cao nhưng chênh lệch giàu nghèo có xu hướng doãng ra...

Những khó khăn, thách thức này cần được chúng ta nhìn nhận rõ ràng, phân tích, đánh giá kỹ lưỡng trong quá trình xây dựng Văn kiện của Đại hội Đảng lần thứ XIII để chúng ta không chủ quan, thống nhất ý chí, hành động để khắc phục các hạn chế, phát huy mạnh mẽ các yếu tố tích cực để đưa đất nước phát triển đúng hướng.

Trân trọng cảm ơn Phó Thủ tướng!

Đảm bảo nguồn tăng lương vào năm 2021

Dịp đầu năm 2019, Phó Thủ tướng từng nói, chúng ta đã có “của ăn, của để”, có thêm dư địa từ nguồn thu ngân sách Nhà nước để tăng chi cho đầu tư phát triển, tích lũy để cải cách tiền lương, thêm nguồn lực cho an sinh xã hội và quốc phòng, an ninh. Đến thời điểm này, Phó Thủ tướng đánh giá thế nào về vấn đề này?

Từ năm 2016 tới nay, Chính phủ đã có tích lũy từ thu NSNN cho đầu tư phát triển. Cụ thể, năm 2016 đã tích lũy được 10.000 tỷ đồng, năm 2017 là 69.000 tỷ đồng, năm 2018 là gần 64.000 tỷ đồng và năm nay dự kiến tích lũy trên 67.000 tỷ đồng cho đầu tư. Tôi muốn nhấn mạnh thêm rằng, trong bối cảnh thu không bù đủ cho chi, chi thường xuyên vẫn cao hơn rất nhiều so với chi đầu tư phát triển thì kết quả tích lũy từ thu NSNN trong thời gian qua là đáng ghi nhận.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng chỉ đạo sát sao việc trích 40% nguồn vượt thu từ ngân sách T.Ư và 70% nguồn vượt thu từ ngân sách địa phương để tạo nguồn cải cách tiền lương vào năm 2021. Tới thời điểm này, việc để dành tạo nguồn tiền lương từ ngân sách T.Ư được triển khai chặt chẽ, bảo đảm đúng tiến độ. Chính phủ yêu cầu lãnh đạo các địa phương quán triệt chặt chẽ yêu cầu này và phải chịu trách nhiệm trong bảo đảm nguồn cho tăng lương trong giai đoạn tới.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.