Khám phá

Phong tục đón năm mới kỳ thú trên thế giới

01/01/2016, 08:25

Năm mới, mỗi nơi một phong tục “tống cựu nghinh tân”, không nơi nào giống nơi nào.

Vũ công nhảy múa tưng bừng khắp các đường phố ở Du
Đón năm mới ở Dublin, Ireland.

 108 tiếng chuông may mắn

Tuy là quốc gia châu Á, nhưng Nhật Bản lại đón Tết Dương lịch như phương Tây, kéo dài ba ngày (từ 1- 3/1) được gọi là dịp Oshogatsu.

Cứ mỗi dịp Oshogatsu, người Nhật có tập quán trang trí cây thông/tùng/tre trước cửa nhà, cửa công ty, cửa hàng với quan niệm cây thông là nơi đón vị thần Toshigamisama tới nhà và ban sự thịnh vượng, may mắn, trường thọ.

Trước ngày Tết khoảng một tuần, người dân Nhật rộn ràng đi mua sắm các loại thực phẩm để làm bánh Tết và các món ăn tổng hợp khác.

Trước Tết ba ngày, con cái sẽ về tề tựu quây quần bên cha mẹ và có những món quà Tết tặng đấng sinh thành. Do đó, dù có hệ thống giao thông tốt, Nhật Bản cũng không tránh khỏi quá tải vào đầu và cuối dịp lễ, cả trên đường cao tốc và nội đô. Chuyện tắc cả đoạn đường dài 35 km là điều hoàn toàn có thể xảy ra, đại diện Công ty đường cao tốc Nippon cho biết.

Ngày cuối năm, mọi thành viên trong gia đình sẽ bên nhau ăn bún kiều mạch mong được sống lâu. Thường thường, người dân Nhật thích cùng cả nhà xem chương trình ca nhạc trên truyền hình. Sau đó, đến đúng 12 giờ đêm, 108 tiếng chuông chùa sẽ được gióng lên và truyền hình đi khắp cả nước. Người Nhật tin rằng, 108 tiếng chuông chùa sẽ xua đuổi 108 con quỷ sứ. Đêm giao thừa, người Nhật thường đến chùa cầu may mắn. Ngày đầu tiên của năm mới, các thành viên trong gia đình tụ họp cùng nhau chúc Tết, ăn Tết và trẻ em sẽ được tặng tiền mừng tuổi. Lượng tiền mừng tuổi tùy thuộc vào độ tuổi.

don tet (5)
Ngày cuối năm, mọi thành viên trong gia đình sẽ bên nhau ăn bún kiều mạch mong được sống lâu.

Ngày Tết thứ hai, mọi người sẽ chọn một hướng tốt (ehou) - mỗi năm có một hướng tốt khác nhau và chỉ đi chùa theo hướng đó. Khi viếng chùa, việc đầu tiên là rửa tay và súc miệng. Sau đó người đi lễ sẽ tiến đến, tung vào hòm công đức trước điện thờ mấy đồng tiền, gọi là tiền hương hoa dâng lên thần phật. Ngày mùng ba, mọi người mới bắt đầu đến thăm họ hàng, bạn bè.

Đó là một số tập quán vẫn còn giữ được nguyên vẹn qua thời gian. Bên cạnh đó, thời hiện đại, một số phong tục, tập quán khác được người Nhật giảm nhẹ hoặc thiên biến vạn hóa như tập quán tặng thiệp, trẻ em sẽ chơi các trò chơi dân gian… Nếu như thời xưa người Nhật thường tự chuẩn bị thiệp và viết những lời chúc trang trọng nhất thì nay những bức thư điện tử, hay một cú điện thoại sẽ thay thế cho những tấm thiệp đó. Hơn nữa, người Nhật hiện nay thường chuộng dùng lời chúc “Happy New Year” hơn là sử dụng câu chúc năm mới bằng tiếng Nhật.

Nếu xưa, không khí ba ngày Tết tại Nhật sẽ yên ắng đặc biệt vì toàn bộ các cửa hàng sẽ đóng cửa trong những ngày này. Đến nay, nhiều cửa hàng trên đường phố mở cửa ngay từ Mùng 1 khiến không khí ồn ã, náo nhiệt hơn trước kia.

Gà trống báo nhân duyên

don tet (3)
Gà trống Belarus quyết định tình duyên năm mới.

Người Belarus xưa đón Giáng sinh và năm mới bắt đầu từ ngày 25/12 theo Công lịch - kéo dài từ 1 tới 2 tuần lễ. Năm mới truyền thống này được gọi là Kaliady, kỳ nghỉ lễ lớn nhất năm (kết hợp Giáng sinh và nghỉ đông).

Trước đêm Giáng sinh, người Belarus sẽ có một bữa tiệc Kuccia truyền thống, với những món ăn được làm từ lúa mạch, không ăn thịt và mỡ. Vào dịp năm mới, những phụ nữ độc thân ở Belarus sẽ đặt một bắp ngô/ đống ngô trên mặt đất. Sau đó, một chú gà trống được thả ra. Con gà trống chạy tới bắp ngô của cô gái nào, người đó sẽ kết hôn trong năm tới. Ngoài ra, những người phụ nữ đã kết hôn giấu những vật đặc biệt quanh nhà để cho những cô gái chưa kết hôn đi tìm. Ai tìm ra bánh mì sẽ lấy một người đàn ông giàu có. Ai tìm thấy một chiếc nhẫn sẽ cưới được người chồng đẹp trai.

Một điều thú vị nữa trong lễ Kaliady của người Belarus là trẻ con thường cùng nhau xuống đường, mặc những trang phục cắt, khâu bằng tay và đeo mặt nạ. Chúng đến từng nhà, hát những bài hát của mùa lễ hội, cầu sức khỏe và mùa màng bội thu. Đổi lại, chúng sẽ được cho quà, đồ uống hay tiền.

Đồng xu may mắn trong bánh Vasilopita

don tet (1)
Bánh truyền thống Vasilopita của Hy Lạp.

Mỗi dịp Tết đến, người Hy Lạp có phong tục nướng và cắt một “pita” (có nghĩa là một ổ bánh mỳ, một chiếc bánh hay một miếng bánh) bánh Vasilopita vào đúng ngày 1/1, theo Antinochian.

Vasilopita được chế biến theo kiểu bánh mỳ hoặc bánh ngọt phụ thuộc vào khu vực hoặc từng gia đình. Tuy nhiên, dù loại bánh nào, điểm chung của Vasilopita là luôn có một đồng tiền xu bí ẩn bên trong. Khi nhào bột, người ta sẽ gói đồng tiền trong một chiếc lá, nhắm mắt và đặt vào vị trí bất kỳ trong bánh.

Cũng chính vì không biết đồng xu nằm ở đâu nên mỗi lần cắn bánh, người thưởng thức thường rất sợ cắn phải đồng xu. Anh Michael Chad, một người nước ngoài tới thăm Hy Lạp đúng dịp Tết cho biết: Anh hồn nhiên cắn một miếng rất to khiến cả nhà căng thẳng ra mặt vì sợ anh nuốt phải đồng xu. Tuy nhiên, hài hước thay, chính một thành viên trong gia đình lại dính phải đồng xu và suýt nuốt xuống họng. Suýt gặp nạn, nhưng người cắn phải đồng xu vẫn vui mừng vì tin rằng năm tới họ sẽ gặp rất nhiều điều tốt đẹp.

Trước đây, đồng xu trong bánh là đồng xu vàng rất có giá trị, bất cứ ai tìm thấy đồng xu này sẽ gặp may mắn trong năm mới. Nay, người ta thường chuẩn bị những món quà nhỏ, tiền hay bất cứ quà tặng nào cho người có được đồng xu may mắn.

Nghi thức này thể hiện sự tôn kính đối với Đức thánh cha Basil the Great, Tổng Giám mục của Caesarea tại Cappodocia. Đó cũng là lý do vì sao tên gọi bánh “Vasilopita” có nghĩa là “Bánh mì của Thánh Basil”. Người cắt bánh sẽ là người đứng đầu gia đình (thường là đàn ông). Bánh được cắt theo tuần tự, thứ bậc trong gia đình, kể cả khách đến nhà; từ người lớn tuổi tới người trẻ.

Tầm gửi cầu chồng

Ireland, quốc đảo xinh đẹp ở tây bắc châu Âu đón năm mới vào ngày 1/1 hàng năm. Người Ireland tổ chức tiệc sum họp đêm giao thừa và bày tỏ lòng thành kính với tổ tiên và những người thân đã khuất. Trong bữa tiệc năm mới, sẽ có một chỗ trang trọng dành cho người thân đã khuất về dự tiệc và mở rộng các cánh cửa trong nhà, theo 123newyear.com.

Đêm Giáng sinh, người dân Ireland dùng bánh mì đập vào tường và cửa ra vào của ngôi nhà. Họ tin rằng điều này sẽ mang lại may mắn và xua đi những rủi ro, xui xẻo trong năm mới. Đêm giao thừa, những cô gái độc thân ở Ireland sẽ đi ngủ với một cây tầm gửi đặt ở dưới gối. Theo phong tục, vào thời khắc chuyển giao giữa hai năm, điều này sẽ mang đến tình duyên cho họ trong năm mới và giải thoát họ khỏi những điều kém may mắn.

Ngoài ra, người Ireland chú ý tới nhân vật “xông nhà” đầu năm. Nếu đó là một người đàn ông vạm vỡ, khỏe mạnh, năm mới hứa hẹn sẽ may mắn, thành đạt. Còn nếu xông nhà là một người phụ nữ tóc đỏ hoặc vàng, năm đó sẽ là một năm đau buồn và không may.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.