Thời sự

Phong tướng giám đốc công an tỉnh: Trong ngành ủng hộ, ngoài ngành lo

15/06/2018, 05:55

ĐBQH ngành công an ủng hộ, nhưng ĐB ngoài ngành lại bày tỏ lo ngại vì “thời bình sao phong nhiều tướng thế”.

9

ĐB Nguyễn Hữu Cầu phát biểu thảo luận

Thảo luận Dự thảo Luật Công an nhân dân (sửa đổi) ngày 14/6, góp ý quy định phong hàm Thiếu tướng cho Giám đốc Công an các tỉnh loại 1, các ĐBQH công tác trong ngành Công an ủng hộ, trong khi nhiều ĐB ngoài ngành lại bày tỏ lo ngại vì “thời bình sao phong nhiều tướng thế”.

Bất cập trong luân chuyển và chính sách tiền lương

ĐB Lê Tấn Tới, Giám đốc Công an tỉnh Bạc Liêu ủng hộ quy định tất cả giám đốc công an tỉnh đều có cấp hàm cao nhất là thiếu tướng, bởi theo ông, ngoài 11 tỉnh loại 1 thì các tỉnh khác nơi đâu cũng có những địa bàn chiến lược, khu vực xung yếu và phức tạp về an ninh trật tự. Bên cạnh đó, ông Tới cũng phân tích bất cập trong luân chuyển: “Chức danh cục trưởng và giám đốc công an tỉnh là ngang nhau, đều được quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm chức vụ cao hơn, nhưng nếu không phong hàm thiếu tướng cho giám đốc công an tỉnh thì điều này sẽ mâu thuẫn khi thực hiện luân chuyển, vì cấp tướng mà luân chuyển về địa phương thì sai lệch, ngược lại, giám đốc mà luân chuyển làm cục trưởng thì bất hợp lý vì từ đại tá không thể lên ngay thiếu tướng”.

Liên quan đến quy định chính quy lực lượng công an xã, ĐB Hoàng Thị Thu Trang (Nghệ An) cho rằng, việc dự kiến điều động khoảng 25 nghìn công an chính quy trong biên chế để đảm nhận nhiệm vụ chính quy ở công an cấp xã tuy không làm tăng biên chế nhưng để đảm bảo sự ổn định của bộ máy chính quyền cần phải xây dựng một lộ trình rất cụ thể, phù hợp, không làm đồng loạt và ồ ạt. Cùng với đó là ban hành chính sách cụ thể về việc sắp xếp, bố trí lại công việc cũng như giải quyết thỏa đáng chế độ, chính sách cho đội ngũ trưởng, phó và công an viên cấp xã hiện nay.

Cho biết Bộ Công an được bố trí 205 tướng, Bộ Quốc phòng 415 tướng, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An Nguyễn Hữu Cầu khẳng định quan điểm của lãnh đạo Bộ Công an là không làm tăng thêm cấp hàm tướng so với số lượng được giao. Cũng nêu bất cập trong luân chuyển, ông Cầu phân tích: Giám đốc Công an tỉnh có chức vụ tương đương cục trưởng, được đề bạt trực tiếp lên thứ trưởng; ngược lại các cục trưởng muốn lên thứ trưởng phải luân chuyển về các địa phương ít nhất 3 năm. Nếu hai cấp bậc hàm này chênh nhau quá lớn thì rất khó thực hiện việc luân chuyển và không hợp lý. 

Hơn nữa, theo ông Cầu, quân hàm không chỉ mang tính chất phân biệt cấp trên với cấp dưới trong lực lượng vũ trang mà bản chất là tiền lương. Đã là tiền lương thì nguyên tắc là phải phân phối theo lao động. Vì thế, ông ủng hộ quy định này vì nó không chỉ đúng về bản chất của tiền lương mà còn tạo thuận lợi cho việc luân chuyển, đào tạo.

Chỉ phong tướng cho lực lượng trực tiếp chống tội phạm

Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) lại dẫn ý kiến cử tri cho rằng “thời bình sao nhiều tướng đến thế?”. So với thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ, bảo vệ biên giới thì những năm gần đây trong lực lượng vũ trang nói chung và công an nói riêng, cấp tướng tăng lên nhiều. Theo ông, việc phong tướng phải bảo đảm uy tín, vị thế của đội ngũ tướng lĩnh, tránh việc phong thăng hàm nhanh nhưng chất lượng có vấn đề. “Đội ngũ tướng lĩnh có công với dân, với nước luôn được suy tôn, nhưng cử tri cũng băn khoăn khi có tướng lĩnh vi phạm như vừa qua”, ông Tạo nói.

Chính thức hợp thức hóa đặt cược thể thao

Ngày 14/6, với 93,84% ĐBQH có mặt tán thành, Quốc hội chính thức thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao. Luật sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2019.

Một quy định mới đáng lưu ý trong dự luật này là việc đặt cược thể thao. Luật định nghĩa, đặt cược thể thao là hình thức giải trí có thưởng mà người tham gia đặt cược thực hiện dự đoán về kết quả có thể xảy ra trong các sự kiện thể thao được sử dụng để kinh doanh đặt cược. Kinh doanh đặt cược thể thao phải bảo đảm các nguyên tắc: Hoạt động kinh doanh có điều kiện, chịu sự kiểm soát chặt chẽ của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền; Doanh nghiệp chỉ được hoạt động kinh doanh khi đã được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận. Luật giao Chính phủ quyết định danh mục các hoạt động thể thao được phép kinh doanh đặt cược.

Cùng ngày, với hơn 92% ĐB bấm nút tán thành, Quốc hội cũng chính thức thông qua Luật Đo đạc và bản đồ.

Về cấp bậc hàm cao nhất là thiếu tướng đối với giám đốc công an cấp tỉnh, ĐB tỉnh Lâm Đồng cho rằng, nếu nhìn nhận trên mặt bằng chung với lực lượng quân sự thì có sự “vênh” nhau. Vì thế, nếu giám đốc công an có hàm cao nhất là tướng thì vấn đề đặt ra là phải sửa Luật Sĩ quan quân đội để nâng hàm lên tướng cho tương ứng. “Nếu sửa luật và phong hàm tướng nhiều hơn, tôi e rằng dư luận và cử tri không đồng tình”, ông Tạo lo ngại.

ĐB Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam thẳng thắn nhận định, trong điều kiện không có chiến tranh, phong hàm tướng như vừa qua là nhiều. ĐB kiến nghị chỉ phong hàm cấp tướng với lực lượng trực tiếp chiến đấu và trực tiếp phòng chống tội phạm, còn đơn vị hành chính sự nghiệp trong CAND thì phải cân nhắc, bởi họ chỉ cần thực hiện nhiệm vụ như các cơ quan hành chính nhà nước khác. Ông cũng băn khoăn khi TP.HCM, Hà Nội và Cục đặc biệt có rất nhiều cấp phó thì có nên phong hàm thiếu tướng cho tất cả không, hay chỉ phong đối với những cấp phó thường trực?

Dùng quyền tranh luận, ĐB Trần Văn Lâm (Bắc Giang) không đồng tình so sánh giữa việc phong tướng trong công an và quân đội như ĐB Lê Tấn Tới đề cập, bởi cấp hàm của lực lượng công an hay quân đội thể hiện năng lực, trình độ, phẩm chất của người công an và sĩ quan quân đội. Người nào xứng đáng là tướng thì khi có nhu cầu sẽ phong tướng, xứng đáng cấp tá thì phong tá. Còn giám đốc hay thứ trưởng là chức vụ và do cơ quan quản lý cán bộ phân công. “Không cứng nhắc chỗ này nhất thiết phải tướng, chỗ kia nhất quyết phải tá”, ông Lâm góp ý và đề nghị Quốc hội quy định số lượng cấp tướng và chức danh có cấp tướng. Còn phân công người đó vào việc nào là tuỳ thuộc vị trí công việc theo đánh giá của cơ quan sử dụng cán bộ.

ĐB Lưu Bình Nhưỡng, Thường trực Ủy ban các vấn đề xã hội cho rằng, cần gắn cấp hàm với chức vụ, bãi bỏ tình trạng phong cấp hàm không gắn với chức vụ, cứ “đến hẹn lại lên”, tiến tới xóa bỏ gắn cấp hàm với tiền lương. Đồng thời, quy định rõ trong luật số vị trí quân hàm cấp tướng, tránh phong tướng xong điều đi chỗ khác rồi lại một người khác vào theo kiểu “điền vào chỗ trống”, lúc ấy “đại tá lại được phong thành tướng”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.