Thời sự

Phóng viên tháp tùng “tứ trụ” kể chuyện tác nghiệp

21/06/2015, 06:46

Phóng viên chuyên trách theo dõi, đưa tin các hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước luôn được các đồng nghiệp ngưỡng mộ.

121

Nhà báo Bùi Quang Tuấn (ngoài cùng bên phải) chụp ảnh cùng Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Chính phủ nước Cộng hòa Cuba Fidel Castro năm 2004

Trong nghề báo, những phóng viên (PV) chuyên trách theo dõi và đưa tin các hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước luôn được các đồng nghiệp ngưỡng mộ. Tuy nhiên, dù luôn tự hào được gánh trọng trách đó, song trách nhiệm đặt lên vai những PV tháp tùng “tứ trụ” (bốn vị lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội) cũng rất nặng nề.

122
 

Nhà báo Nguyễn Anh Dũng, PV Báo Nhân dân:

Gồng mình chạy đua với thời gian

Tôi nhận nhiệm vụ PV chuyên trách từ thời Thủ tướng Phan Văn Khải, tiếp sau đó, tôi tháp tùng Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng, nay là Chủ tịch Quốc hội. Khó khăn lớn nhất khi ấy là được giao phân công theo lãnh đạo và viết bài cho một tờ báo lớn như báo Nhân dân nên phải viết thế nào cho chuẩn, cho đúng mà không khô khan. Nhịp độ thông tin rất khẩn trương, nhiều chuyến công tác đến các nước lệch múi giờ và nếu không “vắt chân lên cổ” chạy đua với thời gian thì sẽ không kịp gửi bài về theo yêu cầu. Mỗi bài viết phải thể hiện được nội dung làm việc của lãnh đạo cấp cao hai bên, trong đó phải toát lên được ý nghĩa, thành công của cuộc gặp gỡ mà vẫn đảm bảo không khô cứng như báo cáo. Do đặc thù không được theo dõi trọn vẹn các cuộc làm việc hay gặp gỡ nên người PV phải có sự chuẩn bị kỹ và không được chủ quan mà phải bám sát nội dung vì nhiều khi có sự thay đổi, điều chỉnh. Sau này tôi có may mắn được là trợ lý của Chủ tịch Quốc hội nên nhiều lúc vào được bên trong nắm bắt thông tin, tình hình và truyền đạt lại cho các đồng nghiệp, vì trong nhiều cuộc làm việc ở nhiều nước, PV không được vào tác nghiệp.

Tôi nhớ nhất chuyến tháp tùng Thủ tướng Phan Văn Khải năm 1999. Nước bạn lần đầu tiên mời một nguyên thủ vào một ngôi chùa rất thiêng liêng để thỉnh chuông. Lúc đó vẫn là mùa khô, nhưng khi tiếng chuông vang lên, 20 phút mây vần vũ trên bầu trời. Khi đó, tôi có nói với một đồng nghiệp ở Myanmar là có lẽ trời sắp mưa, nhưng người đó không tin. 10 phút sau, trời đã đổ một trận mưa đầu mùa tuyệt vời. Trong cảm xúc ấy tôi đã viết bài báo có tựa đề “Ngân vang tiếng chuông chia sẻ niềm vui hòa bình”. Một bài báo viết về chính trị nhưng từ tiếng chuông đó tôi cảm nhận Việt Nam sẽ được suy tôn.

Hay trong cuộc gặp thượng đỉnh giữa Thủ tướng Phan Văn Khải và Tổng thống Nga Putin ở Hội nghị APEC tổ chức tại Thượng Hải, Trung Quốc, diễn ra ngay sau khi tòa tháp đôi ở New York (Mỹ) bị tấn công nên an ninh rất nghiêm ngặt, chỉ có hai nhà báo được vào bên trong, gồm tôi và một nhà báo Nga. Khi ấy vệ sĩ vòng trong vòng ngoài bảo vệ rất nghiêm ngặt. Chúng tôi chỉ được vào tác nghiệp ít phút thì phải đi ra. Sau đó tôi đứng ở phòng ngoài và quan sát thấy do có sự trục trặc về phiên dịch, Phó Thủ tướng Vũ Khoan bất đắc dĩ thành người phiên dịch và ông nói tiếng Nga như người Nga khiến nhiều người ngưỡng mộ. Sau đó nhiều người hỏi có phải tôi được chứng kiến sự kiện một phiên dịch cao cấp nhất thế giới không? Tôi trả lời nói như vậy chưa hoàn toàn đúng, mà phải nói là quan chức cao cấp nhất trong lịch sử trên thế giới làm phiên dịch. Sự ứng biến đó làm tăng thêm tình hữu hảo giữa Việt Nam và Liên bang Nga.

123
 

Nhà báo Nguyễn Quang Vũ, TTXVN:

Ra nước ngoài, PV là hình ảnh của báo chí nước nhà

PV chuyên trách tháp tùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước có một số điểm khác và cũng có những áp lực riêng. Như trước đây, tôi là PV theo dõi thời sự trong nước, tính chủ động thời gian, khối lượng công việc, mục đích công việc cũng khác. Còn bây giờ làm PV chuyên trách, tính chủ động thời gian bị hạn chế, bởi phải theo lịch của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nhiều khi rất đột xuất.

Trong suốt hơn 5 năm tháp tùng Chủ tịch Quốc hội, kỷ niệm đáng nhớ của tôi rất nhiều, vì các đồng chí cấp cao thường đi công tác đối ngoại ở nước ngoài theo hai hình thức. Thứ nhất, là hội nghị đa phương quốc tế. Thứ hai, những chuyến thăm song phương chính thức. Và mỗi một loại hình của chuyến công tác, tính chất công việc của các PV chuyên trách lại khác nhau. Ví dụ, chuyến đi đa phương thông thường là chuyến công tác vất vả hơn chuyến thăm chính thức. Bởi vì, PV chuyên trách phải đối mặt, cạnh tranh gắt gao với các PV của các hãng thông tấn nước ngoài. Mỗi sự kiện đa phương có rất đông, có khi đến hàng trăm PV, có những sự kiện có tới hàng nghìn PV. Ở trong mỗi sự kiện đa phương như vậy đòi hỏi người PV phải có kinh nghiệm, như đối với PV hình ảnh phải có một vị trí đứng tốt nhất, ở một góc nhìn cố định tốt nhất. Thông thường những PV nước ngoài với tầm vóc lớn hơn, nhiều kinh nghiệm cọ sát nên họ thường chọn được vị trí đẹp. Trong khi đó, PV chuyên trách của ta phải bằng rất nhiều cách khác nhau mới có thể có được vị trí tốt nhất để ghi lại những hình ảnh đẹp gửi về cơ quan, tòa soạn của mình.

Không chỉ vậy, PV phải rất nhanh chân, nhanh tay và thường các sự kiện đa phương diễn ra ở nơi có hội trường lớn, cách nhau phải 5 - 10 phút đi bộ. Những cuộc họp ở tầng hai, tầng ba diễn ra cách nhau trong vòng 5 phút. Bởi vậy, PV cần phải di chuyển, chủ động thời gian để làm sao có mặt kịp thời tại địa điểm quan trọng nhất.

Về mặt tin tức, PV chuyên trách cũng rất vất vả, vì trong cùng một buổi sáng có đến 4, 5 cuộc họp. Để truyền tải đầy đủ những thông tin đó về cơ quan, đòi hỏi PV phải nghiên cứu trước cuộc họp đó, đồng thời phải kết hợp di chuyển và nắm được nội dung cốt lõi của cuộc họp. Để truyền đạt thông điệp của lãnh đạo Đảng, Nhà nước thì lại cần phải có nhạy bén về chính trị, lĩnh vực chuyên môn tốt nhất. Mỗi cuộc họp của lãnh đạo cấp cao chỉ diễn ra 3-5 phút, đối với những cuộc họp như vậy, khi kết thúc mà có những thông tin chưa nắm được phải tìm những người trong cuộc để trao đổi, bổ sung thêm. Đặc biệt, ngoại ngữ rất quan trọng đối với một PV chuyên trách, vì thường xuyên phải đi nước ngoài cùng các lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Vì khi thông tin chưa rõ, PV có thể hỏi người nước bạn hoặc hỏi thông tin từ ban tổ chức.

Đặc biệt, khi tháp tùng cùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong những chuyến thăm song phương, thường nước bạn sẽ tiếp đón theo nghi thức cấp Nhà nước. Những chuyến thăm song phương chỉ diễn ra vài phút, theo quy định chỗ đứng cho PV phải đúng vị trí, đòi hỏi trang phục của PV cũng phải đảm bảo lịch sự, đảm bảo không ảnh hưởng đến công việc chung của toàn đoàn. Trong trường hợp như vậy, PV chuyên trách cũng là hình ảnh thu nhỏ của báo chí trong nước. Vì thế cần hết sức giữ gìn hình ảnh đó, vừa đảm bảo thông tin, vừa xây dựng hình ảnh với bạn bè quốc tế.

124
 

Nhà báo Đào Văn Cổn, Nguyên Trưởng ban Thời sự, nguyên Giám đốc Hệ Thời sự - Chính trị - Tổng hợp, Đài tiếng nói VN:

Căng tai, căng mắt và ghi chép

Tôi đảm nhận nhiệm vụ PV chuyên trách trong hai nhiệm kỳ của Tổng Bí thư Đỗ Mười và Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu. Với người làm báo trong lĩnh vực này, khó khăn lớn nhất là phải hiểu biết được những vấn đề lớn mang tầm vĩ mô của đất nước, đặc biệt trong bối cảnh đất nước chúng ta khi ấy đang bước vào thời kỳ đổi mới, nên có rất nhiều những quan điểm mới - cũ đan xen nhau.

Thời kỳ chúng tôi đi theo và đưa tin về hoạt động của các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước là thời kỳ đất nước chưa thoát khỏi bao cấp. Những năm ấy, những chính sách mới đưa ra không phải ai cũng hiểu nên chúng tôi coi những buổi đi theo các vị lãnh đạo như là một cơ hội quý báu để có thể học hỏi thêm. Việc tác nghiệp của các PV chuyên trách cũng vì thế mà đặc biệt hơn so với thông thường.

Tháp tùng lãnh đạo cấp cao cái khó là giữa bề bộn của những thông tin trong sự kiện ấy, nó chỉ diễn ra một lần và không bao giờ trở lại nữa thì anh phải làm sao nắm bắt được thực tiễn đó để đưa vào bài viết. Nó đòi hỏi sức nắm bắt lớn, nếu trong lúc làm việc không nắm bắt được thì không có cơ hội làm lại, không lắng nghe thì không hiểu được chỉ đạo để truyền tải thông điệp.

Tôi nhớ nhất chuyến công tác ra Côn Đảo, vì không có ghế nên chúng tôi phải đứng trong một không gian nhà tù để nghe cuộc trao đổi cực kỳ lâu, kéo dài hơn hai tiếng giữa Tổng Bí thư với những vị lãnh đạo địa phương, lãnh đạo khu Côn Đảo và cả những cựu tù nhân. Đó là một cuộc trao đổi có thể nói là rơi nước mắt, nhưng chúng tôi phải lắng nghe, vượt qua những xúc động ấy để hoàn thành nhiệm vụ, truyền tải những thông tin quý giá nhất trong bài viết của mình.

Với lĩnh vực này, mỗi người đều có một kinh nghiệm riêng. Khi không làm nhiệm vụ PV chuyên trách nữa, tôi cử một người khác đi thay và chỉ dặn hai điều là phải thận trọng khi nghe, phân tích thông tin và thận trọng khi thể hiện thành bài. Ngoài ra, vì thời gian hoàn thành bài trong những chuyến đi tháp tùng các vị lãnh đạo thường gấp hơn làm những bài bình thường, nên ngay từ những phút đầu tiên khi làm việc phải ghi chép hết sức cẩn thận, phải cố gắng hiểu, cái gì không hiểu phải hỏi ngay những người có trách nhiệm để đảm bảo tính chính xác. Quan trọng nhất là phải biết lắng nghe, biết quan sát, biết ghi chép, nếu không, một chuyến đi với lãnh đạo mà thể hiện bài viết như một báo cáo tổng hợp, không có cái riêng toát lên được thì rất chán. Phải làm sao cho bài viết vừa chính xác, vừa sinh động và có độ sâu lắng nhất định trong phạm vi thời gian cho phép.

125
 

Nhà báo Trần Lê Tuấn, Phòng Thời sự, Báo điện tử Chính phủ:

Một nghề với nhiều điều mới lạ

Tôi được giao nhiệm vụ PV chuyên trách tháp tùng một lãnh đạo Chính phủ từ năm 2007, chính thức bắt đầu công việc chuyên trách đúng nghĩa từ đầu năm 2008 và tính đến nay đã được hơn 8 năm. Hồi mới nhận trọng trách, với tôi đây là một công việc khá nhiều bỡ ngỡ. Có thể nói, PV báo chí chuyên trách theo lãnh đạo Đảng, Nhà nước vừa “thuận” lại vừa “khó”.

Ở thời điểm bắt đầu, nói “khó” trước hết là vì mới, sau là vì công tác ở một môi trường đặc biệt. PV chuyên trách có nhiều điều tạm gọi là “bó buộc” hơn, sinh hoạt và ngay cả tác phong cũng có nhiều thay đổi, không thể “tự do” và đôi khi phải khép mình hơn trong sinh hoạt, trong cả lời ăn tiếng nói. Hồi đầu, tôi cũng thấy hơi “khớp” và phải nói là chưa quen ngay được, cũng có nhiều lúng túng. Nhưng bên cạnh đó cũng có nhiều thuận lợi. Trong đó điều lớn nhất mà nhiều đồng nghiệp nhận xét là may mắn được tiếp cận nhiều thông tin sớm, đầy đủ với nhiều nhân vật quan trọng, những sự kiện không phải nhiều đồng nghiệp khác dễ gì tiếp cận được.

So với việc tác nghiệp ở một sự kiện thông thường, tác nghiệp của PV chuyên trách có lẽ cần sự cẩn trọng, tỉ mỉ hơn. Dĩ nhiên là nhà báo thì viết hay làm gì cũng cần thận trọng, khách quan, nhưng với tôi, nếu như trước đây tin bài của mình được đọc, biên tập lại một lần, hai lần, thì nay các sản phẩm báo chí chuyên trách sẽ phải làm tương tự với sự cân nhắc gấp đôi, gấp ba.

126
 

Nhà báo Nguyễn Thị Thu Hồng, Đài PT-TH Hà Nội:

Viết báo chính trị một cách nghệ thuật

Hiện tại tôi đang là PV chuyên trách theo dõi hoạt động của Tổng Bí thư và Chủ tịch nước. Tôi có chuyến công tác đầu tiên đến Pháp, Ý cùng Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu vào năm 2000, và bắt đầu từ đó, tôi đảm nhận trọng trách của một PV chuyên trách. Thời điểm bắt đầu, với tôi khó khăn nhất là sức ép chính trị rất lớn, phải làm sao để thông tin hoàn toàn chính xác, hoàn thành công việc một cách tốt nhất, đáp ứng yêu cầu của từng sự kiện.

PV chuyên trách khi tác nghiệp cũng đặc biệt hơn vì thông tin chúng tôi phản ánh là về hoạt động của người đứng đầu Đảng và Nhà nước, qua đó chuyển đến thông điệp của một đất nước chứ không đơn giản là của một đơn vị hay Bộ, ngành nào. Tất cả các hoạt động đó được coi là thông điệp mà người lãnh đạo Đảng và Nhà nước muốn gửi đi nhằm quảng bá hình ảnh và đất nước con người Việt Nam.

Trong các chuyến đi tháp tùng các vị lãnh đạo, tôi có những kỷ niệm đặc biệt sâu sắc với những chuyến công tác đến hai đất nước Cuba và Algeria, bởi khi đến đó họ dành cho mình những tình cảm vô cùng đặc biệt. Họ vô cùng yêu mến và trân trọng con người Việt Nam. Còn nhớ chuyến công tác tháp tùng Thủ tướng Phan Văn Khải đến Cuba năm 2003, khi ấy Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Chính phủ nước Cộng hòa Cuba Fidel Castro trực tiếp ra tiếp xúc với các nhà báo Việt Nam. Họ bảo vệ rất nghiêm ngặt, khi tôi ngỏ lời muốn phỏng vấn ông Fidel thì mọi người ai cũng cản, nói không được vì phải theo nguyên tắc. Tuy nhiên, tôi vô cùng bất ngờ khi ông Fidel chủ động đồng ý trả lời ngay. Lúc đoàn công tác của Việt Nam ra về, ông còn ra tận chân cầu thang nhìn theo đoàn Việt Nam và rưng rưng, lưu luyến chia tay.

Sau hơn 10 năm làm PV chuyên trách, tôi cho rằng điều quan trọng nhất phải rất yêu nghề. Hơn nữa, trong từng sự kiện, các PV phải rất chăm chú theo dõi, bởi mỗi vị lãnh đạo đều thận trọng trong từng cách ứng xử, từng câu nói. PV đưa tin làm sao chính xác nhất, chân thực nhất, thông tin ấy phải vừa mang tính chính trị, vừa tình cảm và hấp dẫn. Nói đúng hơn, làm chính trị không phải làm một cách khô khan, mà phải làm một cách nghệ thuật, vừa truyền đạt đúng chính sách của Đảng và Nhà nước, vừa làm lay động lòng người.

127
 

Nhà báo Bùi Quang Tuấn, nguyên PV Báo Nhân Dân:

Nhớ mãi kỷ niệm lần đầu theo Thủ tướng

Hơn 13 năm được vinh dự tháp tùng Tổng Bí thư, Thủ tướng, kỷ niệm đối với tôi rất nhiều. Tôi vẫn nhớ năm 1997, tôi tháp tùng Thủ tướng Phan Văn Khải sang thăm Trung Quốc. Lần đầu tiên đi tháp tùng nguyên thủ nên tôi khá bỡ ngỡ. Sau các nghi thức đón tiếp, Thủ tướng Phan Văn Khải và Thủ tướng Trung Quốc lúc đó là Chu Dung Cơ bước vào hội đàm. Theo quy định, các PV vào tác nghiệp chỉ được ở lại 5 phút rồi phải ra ngoài. Tuy nhiên, do muốn nán lại để nắm bắt thêm thông tin, tôi “lẻn vào” đi cùng đoàn. Để tránh mọi người biết là nhà báo, tôi liền cài khuy áo complet lại, che đi thẻ báo chí. Tôi vẫn nhớ như in thời điểm đó, khi bắt đầu vào hội đàm, Thủ tướng Phan Văn Khải nói: “Chào đồng chí, tôi sang đây để học tập đồng chí về kinh tế xã hội”. Thủ tướng Trung Quốc Chu Dung Cơ đáp: “Không, tôi phải học đồng chí, vì đồng chí làm Thủ tướng trước tôi!”.

Khi hội đàm diễn ra được ít phút, do lần đầu tiên được tháp tùng Thủ tướng nên tôi rất phấn khởi, quên khuấy mất là mình đang đeo thẻ báo chí trước ngực nên thoải mái dựa lưng vào ghế. Chẳng may, chiếc thẻ mà tôi đã cố che đi thế nào lại lòi ra ngoài, vậy là cảnh vệ liền ra vỗ vai và yêu cầu tôi ra ngoài!

Có một kỷ niệm nữa là năm 2004, khi tôi tháp tùng Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh sang Cuba. Trong nhóm PV lúc đó chỉ có duy nhất tôi viết tay, chưa sử dụng máy vi tính như sau này, phải tự xoay xở việc gửi bài về nhà. PV không ở chung với đoàn mà được bố trí ở ngoài phố. Khách sạn chúng tôi ở không có đường truyền Fax quốc tế. Buổi tối, tôi đi bộ đến vài ba khách sạn ở trung tâm La Habana, đường truyền có nhưng chất lượng kém, không làm sao gửi bài về Việt Nam. Sáng hôm sau, tôi quyết định bỏ hoạt động đầu giờ, tách đoàn, ra đường vẫy xe (taxi rất hiếm nhưng đi nhờ các xe khác khá dễ, nhất là khi thấy tôi đeo thẻ PV của đoàn Việt Nam). Đến cơ quan sứ quán của ta, để không bị từ chối hoặc mất nhiều thời gian giải thích, tôi nói ngay khi gặp cán bộ văn phòng: “Tôi là PV Báo Nhân Dân đến nhờ fax bài, không nhằm “xài của chùa” mà vì gấp quá, mong được giúp đỡ. Tôi xin thanh toán mọi chi phí”. Dù người và máy fax ở đây đang bận rộn, phải chăng do cách đặt vấn đề dứt khoát nói trên, bài của tôi đã chuyển kịp về tòa soạn đúng theo kế hoạch...

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.