Văn hóa - Giải Trí

Phú ông làng Bần

07/08/2016, 16:28

Lão có ba vợ và độ một tá “tỳ thiếp”. Lão ăn uống, chơi bời như các xếnh xáng Hồng Kông...

Minh họa Lão phú nông

Ảnh minh họa

Cách huyện lỵ chừng 10 km, làng Bần - như tên gọi của nó, suốt cả trăm năm nay vẫn thuộc hàng “đội sổ” về cái sự nghèo. Thế mà ở đâu lòi ra một lão giàu không biết chứa vào đâu cho hết số của chìm của nổi. Lão có ba vợ và độ một tá “tỳ thiếp”. Lão ăn uống, chơi bời như các xếnh xáng Hồng Kông...

Đại để tin đồn về lão Dật, lúc gia giảm theo hướng kinh tế, lúc thêm bớt theo chiều tình cảm, thành ra thế. Ai nghe cũng sốt ruột muốn về tận nơi xem trang trại của lão, nghe bảo chó chạy một ngày chưa hết; tiện thể xem ba bà vợ của lão, thấy nói đều vào loại “sắc nước hương trời” và xem nhiều thứ hấp dẫn khác.

Thế là tiện thể chuyến công tác, tôi ghé qua lão Dật, trộm nghĩ, biết đâu “phát hiện” được một điển hình văn học cho cuốn sách sắp tới. Vốn quen đường, tôi đầy tự tin khi xồng xộc bước vào cổng nhà Dật. Thế rồi tôi đâm hoang mang về trí nhớ của mình. Chả lẽ lầm! Bởi vì cái trang trại xanh mướt, nườm nượp gia nhân, trâu bò, gà, chó... đáng lẽ phải đang ở trước mắt tôi chứ đâu phải khu nhà hoang vắng, bẩn thỉu theo kiểu “nền cũ lâu đài bóng tịch dương” kia. Một con lợn gầy dơ xương đang ủi mõm bên bức tường đá ong. Mãi lâu mới thấy một bà mắt toét, răng vẩu, rất là u ám tong tả chạy ra: “Bác hỏi ai ạ?”. Chưa kịp trả lời thì cũng một bà răng dài như cái đũa chìa cả ra khỏi cặp môi, mắt lông quặm ghé đầu ra nhìn nhưng lại hỏi bà thứ ba đang đóng than thành bánh: “Ai thế nhỉ?”. Bà thứ ba này quay ra và tôi suýt kêu lên... phải Đĩnh không nhỉ? Không, có lẽ mẹ cô ta thì đúng hơn. Bà ta nhìn tôi như thôi miên một lúc rồi thốt kêu:

- Phải Tảo không?

- Tảo đây. Tảo Đông-ki-sốt đây. Có phải ấy là...

- Đĩnh. Quên nhau sớm thế!

- Chà... Tôi mệt mỏi bước vào.

Đĩnh là “dì ba” trong số những phu nhân của phú ông Dật, do bị ngợp trước cơ ngơi của người tình đã có tới hai bà, rồi lỡ làng, đành ôm thuyền trôi xuôi dòng số phận. Cái tươi trẻ một thời không còn tí ti bóng dáng. Phải mãi sau Đĩnh mới chỉ cho tôi một ngôi nhà 18 gian, cực kỳ bề thế nhưng xấu xí và quê mùa nằm ẩn vào phía trong một đoạn, bảo tôi:

- Cậu về tìm nó phải không? Đấy, trông mới thật gớm ghiếc.

- Lão ấy đâu?

- Đang đi cắt cỏ cho cá. Uống tạm chén nước.

- Thế nào? Chả lẽ vô cớ thiên hạ đồn rầm lên.

- Chả vô cớ đâu. Có bột mới gột nên hồ chứ.

Đại loại qua “dì ba Đĩnh” của lão Dật, tôi có thể kể hầu quí độc giả tóm tắt câu chuyện thế này.

Do liều mạng và có chí làm giàu, Dật từng trở thành một người giàu có nhất cả vùng. Những tin đồn về Dật, cơ bản là có thật. Một tờ báo tỉnh đã tặng Dật cái danh hiệu “phú ông làng Bần”. Dật mua lại ao hồ, đất bỏ hoang và những gì tồn đọng của hợp tác xã sau khi giải thể. Nhân công ở quê rẻ như bèo nên hàng trăm người chờ được làm thuê cho Dật. Trót để dư luận tâng bốc, Dật đành sống theo dư luận. Cái anh có một, dư luận cho thành mười, thì cố để có mười! Đã mang danh phú ông thì cũng phải sống theo kiểu phú ông! Ấy, ở đời cái danh hão là hay cho nhau sự khốn nạn lắm. Từ một anh quê mùa, Dật dốc túi để có cái vẻ của một tay biết ăn chơi.

Việc đầu tiên, Dật cho xây một ngôi nhà hình chữ đinh đủ 18 gian, mặc dù chưa biết để làm gì. Dật phải huy động cả vốn vay thế chấp của ngân hàng vẫn chỉ hoàn thiện được một nửa. Tại gian giữa, Dật mua mấy cặp sừng trâu trắng về thuê chuốt nhẵn giả ngà. Dật đóng một chiếc ghế phỏng theo ngai vàng để ngồi cho oai. Xong đâu vào đấy, Dật làm lễ khánh thành nhà, mời cả 5 thôn trong xã, thuê đội kèn trống làm om sòm cả lên. Chưa có cuộc ăn mừng nhà mới nào khủng khiếp đến thế. Số gà lợn, thực phẩm chín đưa về từ Hà Nội đủ làm 500 mâm cỗ cho năm ngày liên tục. Theo kịch bản phú ông của Dật, bất cứ ai trước khi lên mâm, đều phải qua chỗ Dật ngồi đặt tiền mừng và chào hỏi y như chào hỏi một chúa đất vậy.

Nhưng suốt cả năm ngày, trừ ngày đầu và trừ một trăm người phục vụ ăn như thuồng luồng từ gà gáy đến nửa đêm, còn lại chỉ lèo tèo những người từng quen biết. Dân quê mừng cỗ nhà mới, lịch sự là 100.000 đồng, còn đa số đem theo chai rượu lậu. Số tiền nửa tỷ trở thành một đống cỗ ế, lạy lục cả người qua đường để người ta nhận cho một gói may vớt lại tí phúc và đỡ mang tội đổ miếng chín xuống đất các cụ phạt cho rã họng.

Một tuần sau, với mười bảy triệu tiền mừng và bốn trăm cút “quốc lủi”, cả nhà “phú ông” rời sang khu ở mới với ba cái lán dựng tạm như đã kể để khu “dinh thự” có thể thế chấp số nợ lãi ngân hàng. Nửa năm sau thì ao hồ gò đầm đều bị ngân hàng phong tỏa, phát mãi.

Khi tôi hỏi Đĩnh “chả lẽ hết sạch” thì “dì Ba” cười méo cả miệng:

- Còn nguyên cả đấy chứ: Ba bà, bảy đứa con, chín lợn nái da bọc xương và mười hai con chó ốm… Còn gì nữa nhỉ, à, chính là cái danh hão “phú ông làng Bần”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.