Ảnh minh họa |
Vật gia bảo của họ Hoàng ở xóm ấp là một chiếc nhẫn vàng mặt ngọc, có chạm chữ Phúc, đường nét vô cùng tinh xảo. Chiếc nhẫn có từ bao giờ không ai biết. Người ta chỉ nhớ họ Hoàng là một họ giàu có, tài lộc dồi dào, con cháu đông đúc mà lại phát đạt. Việc truyền vật quý chỉ còn nhớ đến đời thứ tư tính ngược trở lên. Thời hiện tại nó thuộc về ông Cả Đặng, trưởng tộc.
Ông Đặng thừa hưởng luôn cả khu trại rộng lớn nhưng không cậy giàu có mà lên mặt hợm hĩnh như vài người khác trong làng. Tính ông khoan hòa, thương người. Dân gian có câu: “Xởi lởi trời cho”. Chẳng biết có phải vì thế mà tài lộc cứ ùn ùn đổ vào cửa nhà ông Đặng, con cháu đều được học hành tử tế, ăn nên làm ra, một niềm thờ cha kính mẹ.
Ông Đặng có một người bạn, tính thâm trầm, ít ai biết được ý nghĩ. Hồi trẻ, ông Đặng và ông Hồi cùng học một thầy. Ông thầy này giỏi cả môn xem tướng. Một hôm, nhân rỗi rãi, ông thày vạch trán ông Đặng xem xét kỹ lưỡng rồi phán:
- Nhà có đức sau này không đủ sức mà ăn.
- Thưa thầy, nghĩa là sao ạ?
- Nghĩa là con được thừa hưởng ân đức của các vị tiền bối.
Học trò Hồi ngồi bên cạnh nghe vậy bèn hỏi:
- Thế còn con?
Ông thầy nhìn cậu học trò, mỉm cười:
- Con khéo ăn thì no, khéo co thì ấm. Phải tự tay làm lấy.
Chẳng hiểu lời bói toán kia linh nghiệm ra sao nhưng ngẫm ra với ông Đặng, ông Hồi thì có phần đúng.
Ông Hồi nhớ lại chuyện này khi bất chợt nhìn thấy ông Đặng đeo chiếc nhẫn gia bảo vào hôm giỗ tổ họ Hoàng. Từ bấy ông rắp tâm phải chiếm đoạt bằng được chiếc nhẫn mà ông tin là linh vật.
Thật là dịp may hiếm có để ông Hồi thực hiện ý định. Hôm đó ông Đặng bỗng dưng bị cảm gió. Ông Hồi chạy sang thì ông Đặng đang run bần bật, môi khô, mặt tím. Bà Đặng cuống cuồng tìm đồ đánh gió. Trong lúc bối rối bà dốc tuột cái ống đựng đồ ra để tìm chiếc nhẫn bạc. Ông Hồi tận mắt nhìn thấy vật gia bảo cũng được cất trong chiếc ống đó. Trong khi bà Đặng chưa kịp cất vào tủ, ông Hồi, nhanh như cắt, thò hai ngón tay vào kẹp nhẹ lấy chiếc nhẫn vàng đút vào túi. Xong việc ông thản nhiên ra về.
Mọi chuyện êm nhẹ như không có gì xảy ra. Có thể ông Đặng chưa phát hiện ra. Hoặc cũng có thể ông sợ oai linh các cụ, không dám hé nửa lời.
Được chiếc nhẫn, ông Hồi luôn giắt trong gấu áo, thi thoảng lại mân mê xem còn hay mất. Việc đó không qua nổi mắt thằng con trai duy nhất của ông. Thằng này từ bé đã lười, lại có máu rượu chè, cờ bạc, suốt ngày chỉ ăn, chơi và chòng ghẹo bọn trai làng khác. Một hôm đi đâu về, thằng Sốp thấy bố đang ngủ trên chõng. Nó rón rén lại gần, đưa tay lần lần chiếc gấu áo. Ông Hồi bừng tỉnh có ý nghi hoặc. Ông bèn giấu chiếc nhẫn vào một chỗ bí mật trong nhà.
Thằng Sốp mất mục tiêu, vô cùng tức giận. Nó lại vừa thua bạc, gán cả quần áo để chạy lấy người khỏi bị nhừ đòn. Một buổi tối thằng Sốp lạnh lùng hỏi bố:- Bố cho tôi vay ít tiền, xong việc tôi trả.
Ông Hồi đáp sẵng:
- Tao không có tiền cho mày đi chơi bạc.
- Tôi vay chứ không xin.
- Đi chỗ khác mà vay - Ông Hồi nói rồi định bỏ đi. Thằng Sốp điên tiết quát:
- Tôi thấy bố có chiếc nhẫn, chắc là để cho tôi. Đằng nào cũng cho thì cho trước đi.
Ông Hồi tái mặt:
- Nhẫn nào? Tao làm gì có vàng.
- Bố đồng ý để tôi tìm nhé?
- Thì mày tìm đi. Có ở chuồng lợn ấy.
Thằng Sốp dùng thuổng thăm dò một vài nơi trên nền nhà rồi đăm chiêu nghĩ ngợi. Chợt nó nhe răng cười. Nó kiễng chân lật bát hương trên bàn thờ lên nhưng cũng đúng lúc mắt nó nhìn thấy chiếc nhẫn vàng chóe thì tiếng ông Hồi hét lên:
- Để nguyên nó đấy.
Nhưng thằng Sốp đã chòng vào ngón tay, giấu ra sau lưng. Nó lủi nhanh ra cửa rồi biến mất. Ông Hồi lập cập kiễng chân rờ tìm chiếc nhẫn. Do bị đu kéo, chiếc bàn thờ lại quá cũ đổ ụp xuống và ông Hồi cũng ngã vật ra đất. Chiếc bát hương vỡ tan.
Mấy hôm sau, bà Hồi thuê thầy thợ làm lễ dâng sao giải hạn. May mà ông Hồi chỉ liệt từ thắt lưng trở xuống.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận