Pháp luật

Phúc thẩm vụ tham nhũng ở Vifon, các bị cáo đồng loạt kêu oan

12/05/2014, 18:00

Trong phiên sơ thẩm, mặc dù vòng vo nhưng các bị cáo đều nhận tội; còn tại phiên Tòa phúc thẩm, họ lại một mực cho rằng bị xử oan.

Ngày 12/5, Tòa án NDTC tại TPHCM vừa mở phiên phúc thẩm xét xử vụ án tham nhũng ở Công ty Kỹ nghệ Thực phẩm Việt Nam (Công ty Vifon) do có đơn kháng cáo của các bị cáo… Điều đáng nói, trong phiên sơ thẩm, mặc dù vòng vo nhưng các bị cáo đều nhận tội; còn tại phiên Tòa phúc thẩm, họ lại một mực cho rằng bị xử oan.

Các bị cáo tại phiên Tòa phúc thẩm
Các bị cáo tại phiên Tòa phúc thẩm

Trình bày trước HĐXX tại phiên phúc thẩm, các bị cáo đều giữ nguyên nội dung kháng cáo, trong đó Nguyễn Bi (sinh năm 1949, Quảng Bình), nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị - Tổng giám đốc và Nguyễn Thanh Huyền (sinh năm 1955, Thành phố Hồ Chí Minh), nguyên Phó tổng giám đốc Công ty Vifon kháng cáo kêu oan. Trong khi đó, tuy được tòa triệu tập nhưng đại diện Bộ Công Thương - nguyên đơn dân sự đã vắng mặt. Trên cơ sở đó, các luật sư cho rằng, cả phiên sơ thẩm và phúc thẩm, Bộ Công Thương đều vắng mặt là không thể chấp nhận được; Bộ Công Thương cũng không phải là nguyên đơn dân sự trong vụ án này. Sau khi hội ý, cho rằng việc vắng mặt của Bộ Công Thương không làm ảnh hưởng đến bản chất vụ án nên HĐXX quyết định tiếp tục phiên tòa.

Trong phần đầu xét hỏi, bị cáo Nguyễn Thanh Huyền một mực kêu oan rằng, có nhận tiền từ Ka Thị Thu Hồng (sinh năm 1957, Thành phố Hồ Chí Minh, nguyên Thủ quỹ Công ty Vifon) và đưa cho Nguyễn Bi nhưng không có chứng từ. Bản thân hành động theo sự chỉ đạo của Bi. Lời khai này đã bị Nguyễn Bi phủ nhận khi tòa tiến hành đối chất.

Trước đó, trong phiên Tòa sơ thẩm, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã tuyên phạt Nguyễn Thanh Huyền 30 năm tù về các tội “Tham ô tài sản”, “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”; bị cáo Nguyễn Bi 22 năm tù về các tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Cùng tội danh “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, bị cáo Đàm Tú Liên (sinh năm 1961, Thành phố Hồ Chí Minh), nguyên Kế toán trưởng lĩnh 8 năm tù, Dương Thị Mẫn (sinh năm 1947, Thành phố Hồ Chí Minh), nguyên nhân viên kế toán thanh toán và Ka Thị Thu Hồng, nguyên Thủ quỹ cùng lĩnh 7 năm tù. Về trách nhiệm dân sự, cấp sơ thẩm tuyên buộc Nguyễn Thanh Huyền bồi thường cho Bộ Công Thương 9,89 tỉ đồng, cho Công ty Vifon 1,37 tỉ đồng; Nguyễn Bi phải bồi thường cho Công ty Vifon 2,28 tỉ đồng.

Cũng tại phiên sơ thẩm, HĐXX đã nhận định, đây là vụ tham nhũng điển hình đối với các doanh nghiệp Nhà nước trong quá trình cổ phần hóa. Đối với một số vấn đề gây nhiều tranh cãi, căn cứ vào Luật doanh nghiệp, cấp sơ thẩm xác định nguyên đơn dân sự trong vụ án này là Bộ Công Thương; tài sản của Công ty Vifon trong giai đoạn 100% vốn Nhà nước cũng như khi đã cổ phần tư nhân được 49% đều thuộc tài sản Nhà nước. Thế nhưng, tại phiên sơ thẩm, Bộ Công Thương có cử người tham gia (trong phần thủ tục tự ý bỏ về không có lý do) xác định mình không phải là nguyên đơn dân sự, không yêu cầu bồi thương thiệt hại còn phía Công ty Vifon, ngoài việc yêu cầu các bị cáo hoàn trả tiền đã chiếm đoạt còn đòi quyền lợi cho 49% cổ đông trong giai đoạn Công ty Vifon có vốn góp Nhà nước 51% và khoản tiền 7,9 tỉ đồng phải được Công ty Vifon hiện nay kế thừa thụ hưởng.

Theo nội dung vụ án, Công ty Vifon là doanh nghiệp Nhà nước, hạch toán độc lập. Từ năm 2002-2006, lợi dụng giai đoạn cổ phần hóa, Nguyễn Bi và Nguyễn Thanh Huyền đã chỉ đạo, thực hiện hạch toán sai tài khoản, sai nguồn vốn, lấy tiền của Nhà nước và các cổ đông để huy động vốn cho cá nhân, sau đó rút ra chiếm đoạt, gây thiệt hại cho Nhà nước và Công ty Vifon hơn 18 tỷ đồng. Trong đó, Nguyễn Thanh Huyền giữ vai trò chủ mưu, tổ chức thực hiện hoạch toán sai tài khoản, sai nguồn vốn để chiếm đoạt 9,89 tỷ đồng vốn Nhà nước và gần 1,37 tỷ đồng tiền cá nhân; giúp sức cho Nguyễn Bi chiếm đoạt 2,28 tỷ đồng. Bị cáo đã nộp lại 5,6 tỷ đồng nhằm khắc phục một phần hậu quả.

Với cương vị là Tổng giám đốc, Nguyễn Bi đã tự ý quyết định chia thưởng 290.000 USD là số tiền từ quỹ khen thưởng của Công ty Vifon cho bản thân và một số cán bộ lãnh đạo của Công ty Vifon, ký quyết định chi thưởng khống 3,5 tỉ đồng. Tổng số tiền Nguyễn Bi gây thiệt hại cho Nhà nước là 8,2 tỉ đồng. Không những thế, Bi còn chỉ đạo Huyền lấy 1,8 tỷ đồng là tiền của Công ty Vifon để mua cổ phiếu cho cá nhân, sau đó bán lại 10.000 cổ phần cho người khác để thu lợi bất chính.

Ngày mai (13/5), Tòa phúc thẩm vụ Vifon tiếp tục làm việc.

Mai Văn Huyên

 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.