Quản lý

Phương án thu phí mới trên cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ-Ninh Bình

26/08/2016, 09:02
image

Tổng cục Đường bộ VN đề xuất 2 phương án tổ chức thu phí tuyến cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ-Ninh Bình.

1

Phương án thu phí mới trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình. Ảnh: Trạm thu phí Đại Xuyên. Ảnh internet

Tổng cục Đường bộ VN vừa có văn bản gửi Bộ GTVT đề xuất 2 phương án xử lý đối với trạm thu phí Đại Xuyên trên tuyến cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ - Ninh Bình. 

Theo phương thứ nhất, Tổng công ty Đầu tư và Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) và Công ty cổ phần BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ (Công ty BOT) phối hợp tổ chức thu phí. Đây là phương án được Tổng cục Đường bộ VN đề xuất ưu tiên lựa chọn.

Theo đó, hai đơn vị nêu trên thống nhất dùng một loại vé điện tử theo công nghệ RFID, không dùng vé giấy thông thường như hiện nay. Khi vé do một bên phát hành ở cổng vào của một đơn vị, được quét ở cổng ra bên đơn vị khác, hệ thống tự động phân chia doanh thu, tính số lượng cần trao trả thẻ và cập nhật vào cơ sở dữ liệu của cả hai bên về lịch trình từng loại phương tiện.

Xem thêm video xe tải chở dưa đâm nát trạm thu phí ở Trung Quốc:

Cùng với đó sẽ bố trí hệ thống đếm xe tốc độ cao, tin cậy 24/24 giờ bằng camera nhận dạng biển số ở các làn của trạm Đại Xuyên ghi nhận mọi lượt xe chạy qua làm bằng chứng kiểm tra đối chứng. Camera nhận dạng các xe đi từ đoạn đường do VEC quản lý sang đoạn đường do Công ty BOT quản lý sẽ do VEC kiểm soát.

Bên cạnh đó, camera cũng nhận dạng xe từ đoạn đường do Công ty BOT quản lý sang đoạn đường do VEC quản lý và sẽ do Công ty BOT kiểm soát. Qua đó, không có trường hợp xe chạy từ bên này sang bên kia thu tiền mà không báo cáo vào hệ thống của cả hai bên.

Theo Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN Nguyễn Mạnh Thắng, ưu điểm của phương án này là sẽ dỡ bỏ được trạm thu phí Đại Xuyên, xóa bỏ bất cập về khoảng cách đặt trạm hiện nay (khoảng cách giữa hai trạm chỉ là 30km) và giảm ùn tắc giao thông. Bên cạnh đó phương án này sẽ giảm được chi phí vận hành bởi theo báo cáo của VEC, tổng chi phí vận hành mỗi năm khoảng 5,4 tỷ đồng với số nhân công làm việc thường xuyên trên 70 người, do đó sẽ nâng cao hiệu quả khai thác và khả năng hoàn vốn dự án đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình.

Xem thêm video ô tô đi giật lùi trên cao tốc:

“Đây là phương án tối ưu đảm bảo được yêu cầu kỹ thuật, tạo thuận tiện cho người tham gia giao thông và minh bạch hóa trong tổ chức thu phí và giảm chi phí tổ chức thu. Việc tổ chức thu phí điện tử ETC (không dừng) không ảnh hưởng do tiền thu phí sẽ được phân khai chuyển tiền đến từng đơn vị theo tài khoản đã được đăng ký giữa chủ phương tiện, VEC và Công ty BOT”, ông Thắng khẳng định.

Tuy nhiên, ông Thắng cũng cho rằng, việc dỡ bỏ trạm thu phí Đại Xuyên có thể gây lãnh phí đối với việc đầu tư xã hội do trạm này mới được xây dựng và đưa vào khai thác từ năm 2011.

Theo phương án thứ hai , VEC và Công ty BOT sẽ tổ chức thu riêng từng đoạn do mình quản lý. Theo đó, hai bên tự phát hành vé và tự lắp đặt các thiết bị để tự tổ chức thu riêng, VEC tự thu phí đoạn Ninh Bình – Đại Xuyên do VEC quản lý, Công ty BOT tự thu phí đoạn Pháp Vân – Đại Xuyên do Công ty quản lý.

Theo ông Thắng ưu điểm của phương án này là từng bên thu được kinh phí, không phải nhờ hệ thống phân chia do thu phí ngay từ làn vào trạm thu phí. Các thiết bị, nhân sự thu phí được tách bạch do không kết nối toàn tuyến. Tuy nhiên phương án này không sử dụng hết công năng của hệ thống thu phí đã đầu tư, tồn tại cả hai loại vé giấy và thẻ RFID, khó kiểm soát sự minh bạch, thu phí đối với các xe mua vé tháng, vé quý khi chạy không đúng chặng và phải trả lại tiền và in chứng từ chi do phương tiện không đi hết tuyến, mất nhiều thao tác. 

Theo phương án này thì trạm Đại Xuyên sẽ được sử dụng công nghệ thu phí tự động không dừng ETC nên đây sẽ là điểm nhận dạng phương tiện và cả 2 đơn vị sẽ cùng quản lý chung.

Theo ông Thắng, ưu điểm của phương án này là không phải tháo dỡ trạm Đại Xuyên. Tuy nhiên, phương án này có hạn chế là việc tồn tại trạm Đại Xuyên sẽ nảy sinh nhiều bất cập như khoảng cách giữa trạm Đại Xuyên và trạm Pháp Vân quá ngắn, đang là nút thắt gây ùn tắc giao thông đặc biệt vào những ngày nghỉ lễ, tết.

“Trong các phương án trên, chưa có phương án nào thực sự tối ưu mà không có tồn tại, hạn chế để lựa chọn, đề xuất. Do vậy, Tổng cục Đường bộ VN đề nghị Bộ GTVT tổ chức lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị liên quan xem xét, quyết định phương án thực hiện”, ông Thắng cho biết.

 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.