Thế giới

Phương Tây nghi ngờ kế hoạch hòa bình của ông Putin

05/09/2014, 07:24

Hôm nay (5/9), diễn ra cuộc gặp của Nhóm tiếp xúc tại Minsk (Belarus) bàn về vấn đề Ukraine. Cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh kế hoạch hướng đến hòa bình của ông Putin mang đến cả hy vọng lẫn nghi ngại.

TIN LIÊN QUAN

 

Có cả những hy vọng và nghi ngại với kế hoạch 7 điểm giải quyết khủng hoảng của ông Putin
Có cả những hy vọng và nghi ngại với kế hoạch 7 điểm giải quyết khủng hoảng của ông Putin


Kế hoạch 7 điểm của Tổng thống Putin


Hôm qua (4/9), Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov trao đổi với ông Ilkka Kanerva, Chủ tịch Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) rằng: “Chúng tôi sẵn sàng thực hiện những bước đi thiết thực hướng tới làm giảm leo thang căng thẳng cho cuộc xung đột ở Ukraine phù hợp với kế hoạch do Tổng thống Putin đề xuất”. Còn ông Kanerva thì cảnh báo châu Âu có thể đối mặt với một cuộc khủng hoảng lớn nếu xung đột ở Ukraine không được giải quyết bằng con đường chính trị, theo Itar-tass.
 

"Đây chính là thời điểm xuất hiện cơ hội giải quyết các vấn đề cụ thể giữa Kiev và lực lượng ly khai nhưng một số bộ phận trong chính quyền Kiev yêu cầu Ukraine từ bỏ quy chế không liên kết và bắt đầu tham gia NATO. Điều này rõ ràng có thể làm chệch hướng tất cả nỗ lực nhằm khởi xướng một cuộc đối thoại về đảm bảo hòa giải dân tộc”.

 

Ông Sergei Lavrov
Ngoại trưởng Nga

Trước đó, ông Putin đã đề xuất một kế hoạch gồm 7 điểm để giải quyết cuộc khủng hoảng tại Ukraine: Quân Chính phủ và phe ly khai dừng các hoạt động tấn công Donetsk và Luhansk; Rút các đơn vị vũ trang Ukraine khỏi các vùng trên để tránh pháo kích vào các khu dân cư; Kiểm soát quốc tế khách quan đối với lệnh ngừng bắn và giám sát tình hình sau ngừng bắn; Loại bỏ hoạt động chống lại dân thường; Trao đổi tù binh, con tin vô điều kiện; Mở các hành lang nhân đạo cho người tị nạn, vận chuyển hàng cứu trợ nhân đạo tới miền Đông; Khôi phục lại hạ tầng tại các khu vực giao tranh.

Tổng thống Ukraine Poroshenko cho rằng, kế hoạch hòa bình cần có cam kết của cả hai bên về lệnh ngừng bắn song phương sẽ do Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) giám sát và là cơ sở cho cuộc gặp của Nhóm tiếp xúc tại Minsk (Belarus) vào ngày hôm nay  5/9. 

Người phát ngôn của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Stefan Dyuzharrik tuyên bố, ông Ban Ki-moon tin tưởng kế hoạch hòa bình của Nga sẽ có hiệu quả trong trường hợp tất cả các bên có bước đi cụ thể.


Bị nghi ngờ


Nhưng kế hoạch mang tính triển vọng này đang bị nghi ngờ. Thủ tướng Ukraine Arseny Yatseniuk cho rằng, đây chỉ là động thái trấn an Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức quân sự Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang diễn ra và nhờ đó để tránh được các biện pháp trừng phạt mới của EU đang được bàn thảo. Còn Ngoại trưởng Đức - Frank-Walter Steinmeier cho rằng, đây là một bước đi tích cực song “phương Tây cần có thêm thời gian chứng thực cho đến khi các bên hạ vũ khí”, tuy nhiên nó cũng “mang lại hy vọng cho cuộc khủng hoảng hiện nay”. 
 

Hôm qua (4/9), khu vực phía Nam TP Donetsk, cứ điểm của lực lượng ly khai phải hứng chịu các loạt pháo kích dữ dội. Ngày 3/9, phía Bắc Donetsk cũng bị tấn công. Hiện chưa có báo cáo chính xác về thương vong. Người đứng đầu nước Cộng hòa Donesk tự xưng Alexander Zakharchenko tuyên bố lực lượng ly khai đòi liên bang hóa sẵn sàng ngừng bắn nhưng chỉ trong trường hợp quân Chính phủ có động thái tương tự.

Trong một diễn biến khác, Hội nghị thượng đỉnh NATO tại xứ Wales (Anh) vẫn đang diễn ra với sự tham gia của 150 lãnh đạo đến từ 60 quốc gia. Một vùng cấm bay đã được thiết lập cho đến khi Hội nghị kết thúc, riêng chi phí cho đảm bảo an ninh lên đến 82 triệu USD.

Hội nghị lần này sẽ thảo luận và quyết định những định hướng mới về các vấn đề an ninh toàn cầu, nhất là cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở miền Đông Ukraine. Trước khai mạc, Tổng Thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen tuyên bố: “Chúng ta đang phải đối mặt với một môi trường an ninh thay đổi nhanh chóng. Ở phía Đông, Nga đang tấn công Ukraine”.

Tuy nhiên, khi được hỏi về kế hoạch 7 điểm nói trên thì ông Rasmussen vẫn “hoan nghênh các nỗ lực tìm kiếm một giải pháp hòa bình”.

Hiện EU vẫn đang gia tăng sức ép với Nga bằng cách tiếp tục thảo luận các biện pháp trừng phạt bổ sung; Không những thế, sẽ kêu gọi tẩy chay World Cup 2018 diễn ra tại Nga. Mới nhất, Pháp đã lùi thời hạn bàn giao tàu chiến Mistral cho Nga vì “chưa phải thời điểm thích hợp”.


Thanh Huyền
 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.