Đường thủy

Phương tiện thủy chở quá tải tràn lan, ai xử lý?

10/06/2021, 06:42

Phương tiện thủy đua nhau chở quá tải diễn ra nhan nhản trong nhiều năm, song các cơ quan chức năng không có giải pháp ngăn chặn hiệu quả.

img

Tình trạng phương tiện thủy chở quá tải diễn ra phổ biến nhưng việc xử lý của lực lượng chức năng không dễ dàng

Thót tim với “tàu dầm”

Những ngày đầu tháng 6/2021, tại chốt trực điều tiết giao thông thủy cụm cầu Chương Dương - Long Biên trên sông Hồng, do bắt đầu vào mùa mưa lũ nên mực nước thường biến đổi nhanh.

Tuy vậy, tình trạng phương tiện thủy chở hàng, nhiều nhất là chở cát, sỏi, vật liệu xây dựng quá tải diễn ra rất phổ biến. Nhiều tàu chở nặng, thân tàu chìm sâu khiến nước tràn lên mặt boong hai bên mạn tàu, cảm giác gặp sóng lớn hoặc giông gió tàu có thể chìm bất cứ lúc nào.

“Ngày nào cũng có vài trăm lượt tàu chở cát, sỏi lưu thông qua đây, chẳng có tàu nào chở bằng tải đâu. Tàu nào cũng chở “dầm” hết. Nhìn mấy tàu bị mức nước ngập lên sàn mà thót tim. Tàu nào đi gần hoặc vượt ẩu lúc qua cầu tạo sóng lớn thì không biết hậu quả thế nào”, một nhân viên trạm điều tiết nói.

Lãnh đạo Trạm Điều tiết giao thông thủy tại cầu Đuống kể, từ đầu năm đến nay, 5-6 trường hợp phương tiện thủy chở hàng gặp sự cố được trạm cứu hộ tại địa điểm trên đều là tàu chở quá tải.

“Luồng qua cầu Đuống chảy xiết và quẩn, tàu nào máy yếu mà chở quá tải, nguy cơ gặp sự cố rất cao. Các trường hợp vừa rồi nếu không được cứu kịp mà đâm va vào trụ cầu, không biết hậu quả sẽ thế nào”, ông Trần Đức Hải, Chỉ huy Trạm Điều tiết giao thông thủy cầu Đuống nói.

Ông Trần Xuân Khơi, Giám đốc Công ty CP Quản lý bảo trì đường thủy nội địa số 1 cũng thông tin, hầu hết các trường hợp phương tiện gặp tai nạn mắc cạn hoặc chìm đắm tại các điểm đen như bãi đá ngầm Đức Bác, cầu Văn Lang… đều là phương tiện chở quá tải.

“Tàu chở quá tải khi lưu thông qua các điểm, vị trí luồng phức tạp dễ bị động, nguy hiểm lúc tránh nhau hoặc bị nước đẩy dạt ngang. Qua camera, chúng tôi phát hiện tàu quá tải là “thủ phạm” chính đâm bẹp, làm trôi phao ở một số vị trí luồng nguy hiểm”, ông Khơi thông tin.

Thuyền viên một số tàu vật liệu xây dựng tuyến sông Lô - sông Hồng thừa nhận, chở quá tải rất nguy hiểm, nhưng vì lợi nhuận, họ vẫn phải… làm liều.

“Chủ mỏ cát khi bán hàng chỉ đo dung tích chứ không đo kích thước thùng hàng nên phải chất hàng dầm. Biết là mạo hiểm nhưng cũng đành liều”, thuyền viên Tuấn và là chủ tàu tàu VP-xx35 nêu lý do và cho hay, giờ tàu nào cũng chở quá tải, vì chở đúng tải, đúng đăng kiểm thì không “đua cước” được với tàu khác.

Khó xử lý dứt điểm

Đại diện các đơn vị quản lý bảo trì đường thủy nói trên cho biết, từ khoảng cuối tháng 6 đến tháng 10 hàng năm, giao thông thủy khu vực phía Bắc thường phức tạp hơn do bước vào mùa mưa bão.

Do đó, lực lượng chức năng cần tăng cường kiểm soát, xử lý nghiêm các phương tiện thủy chở quá tải để giảm nguy cơ TNGT, bảo vệ tính mạng thuyền viên.

Ông Khương Kim Tạo, nguyên Phó chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, chở quá tải cũng là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến các vụ TNGT, sự cố phương tiện thủy khi tham gia giao thông. Vì vậy, cần xử lý dứt điểm tình trạng này.

“Các quy định về quản lý, xử lý vi phạm tải trọng phương tiện thủy hiện khá đầy đủ, song tại sao vi phạm chở quá tải vẫn phổ biến?”, ông Tạo đặt vấn đề và cho rằng, bất cập nhất hiện nay là việc xử lý của lực lượng chức năng chưa kiên quyết. Cũng vì chưa thực hiện cưỡng chế các tàu phải hạ tải, hoặc tạm giữ phương tiện thủy chở quá tải theo quy định nên dẫn đến nhờn luật.

“Tới đây cần có giải pháp xử phạt lũy tiến đối với phương tiện thủy vi phạm chở quá tải nhiều lần, trừ tiền phạt từ tài khoản, thu nhập của doanh nghiệp, chủ phương tiện vi phạm thay vì phải “chạy theo” phương tiện vi phạm để tạm giữ”, ông Tạo đề xuất.

Ông Lưu Xuân Bình, nguyên Phó chánh Văn phòng Ban ATGT TP Hà Nội chia sẻ, từng trực tiếp khảo sát công tác xử lý vi phạm giao thông đường thủy nhiều lần, ông chứng kiến lực lượng chức năng gặp rất nhiều khó khăn.

Đó là khi xử phạt hoặc đình chỉ phương tiện chở quá tải, việc tổ chức hạ tải không dễ dàng, trong khi cũng không có bãi trông giữ phương tiện để tạm giữ.

“Việc kiểm soát, xử lý vi phạm chở quá tải trên đường thủy cần đồng bộ ở tất cả các khâu liên quan, từ nguồn hàng, cảng, bến tiếp nhận và phương tiện vận chuyển. Nếu chỉ tập trung xử lý trên hành trình vận chuyển sẽ không hiệu quả”, ông Bình nêu vấn đề.

Theo Đại tá Nguyễn Vĩnh Giang, Trưởng phòng Hướng dẫn TTKS và đấu tranh, phòng chống tội phạm trên đường thủy (Cục CSGT), tới đây cần tăng mức xử phạt để xử nghiêm vi phạm chở quá tải. Tuy nhiên, hạn chế hiện nay là chưa tổ chức được hệ thống bãi neo đậu, trông giữ phương tiện vi phạm bị đình chỉ hoạt động.

“Vì vậy, cùng với nâng mức xử phạt, các địa phương cần tổ chức được các khu neo đậu, trông giữ phương tiện thủy bị đình chỉ mới xử lý dứt điểm được tình trạng này”, Đại tá Giang nói.

Tăng mức phạt lên 15 triệu đồng

Theo đại diện Cục Đường thủy nội địa VN, hiện mức phạt phương tiện chở quá tải chỉ đến 12 triệu đồng. Còn trong Dự thảo Nghị định xử lý vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông đường thủy (thay thế Nghị định 132/2015), mức phạt tiền cao nhất được quy định là 15 triệu đồng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.