Pháp luật

Phương Trang đã rơi vào “bẫy lừa” của Hứa Thị Phấn như thế nào?

25/05/2018, 08:25

Từ việc “ký nhận trước”, “giải ngân sau” đến các hợp đồng vay ngắn hạn hết hạn hợp đồng cần phải ký tiếp…

24

Bị cáo Bùi Thị Kim Loan, thư ký, trợ thủ đắc lực của bị cáo Hứa Thị Phấn tại tòa

Từ việc “ký nhận trước”, “giải ngân sau” đến các hợp đồng vay ngắn hạn hết hạn hợp đồng cần phải ký tiếp… đều là cái bẫy mà bà Hứa Thị Phấn và các cựu lãnh đạo NH Đại Tín cố tình sắp đặt ngay từ đầu.

Cạm bẫy trong các hợp đồng vay ký nhận trước

Theo cáo trạng, năm 2010, do có nhu cầu mở rộng, phát triển đầu tư các dự án nên Phương Trang đã tìm đến NH Đại Tín vay vốn, tài sản thế chấp trị giá 15 nghìn tỷ đồng là xe và chủ yếu là bất động sản.

Tuy nhiên, chỉ hơn một năm đi vay, đầu năm 2012, Phương Trang đã phải viết đơn tố cáo những sai phạm của bà Phấn và NH Đại Tín. Tại thời điểm này Phương Trang ngoài bị kê khống nợ 5.200 tỷ đồng, còn bị NH tự động tất toán 36 khoản vay của các công ty con. Việc tự động tất toán các hợp đồng vay mà doanh nghiệp không hay biết là dấu hiệu bất thường trong hoạt động tín dụng của NH Đại Tín.

Lợi dụng hợp đồng tín dụng với Phương Trang, bà Hứa Thị Phấn và NH Đại Tín, bằng nghiệp vụ “thu - chi cấn trừ khống” hay còn gọi là đảo nợ nhằm chiếm đoạt tiền NH. Cáo trạng đã xác định bà Phấn và các cựu lãnh đạo NH Đại Tín đã kê khống nợ cho Phương Trang 5.200 tỷ đồng. Đồng thời, nhằm che đậy hành vi kê khống nợ nên chính NH đã tự động tất toán 7.000 tỷ đồng khống cho các hợp đồng cũ của Phương Trang. Trên thực tế, cơ quan CSĐT đã thu thập chứng cứ, truy ngược dòng tiền xác định Phương Trang chỉ thực nhận 3.936 tỷ đồng. Những ngày qua, trong phiên tòa xét xử bị cáo Hứa Thị Phấn và 27 đồng phạm về tội lạm dụng tín nhiệm, cố ý làm trái gây thiệt hại cho ngân hàng Đại Tín hơn 6.300 tỉ đồng, hầu hết các bị cáo đều thừa nhận lập các chứng từ thu - chi khống là do bà Phấn chỉ đạo.

Số liệu NH Xây Dựng Việt Nam (VNCB) ghi nhận, Phương Trang cùng 18 công ty và 22 cá nhân có quan hệ hợp tác tổng cộng 82 khoản vay, 1 khoản nhận nợ bắt buộc 35 tỉ đồng và 1 khoản phát hành trái phiếu doanh nghiệp với tổng số tiền trên sổ sách 16.486 tỉ đồng. Sau khi Công ty Phương Trang tất toán 7.000 tỷ đồng dư nợ giảm xuống còn 9.347 tỉ đồng. Tuy nhiên, thực tế Phương Trang xác định chỉ thực nhận hơn 3.936 tỉ đồng và chưa từng tất toán khoản nợ khống 7.000 tỷ đồng kia.

Điều này đồng nghĩa với việc rất nhiều hợp đồng của Phương Trang trong số 82 hồ sơ vay ấy, khi chuyển không đủ hoặc không chuyển đồng nào nhưng NH đã làm các thủ tục thu khống, chi khống, ghi nợ khống. Việc tất toán 36 hồ sơ vay này, cũng nhằm che đậy hành vi mà NH đã tự động kê khống nợ cho Phương Trang trước đó. Trường hợp trái phiếu Trường Vĩ là một bằng chứng cho thấy Phương Trang không nhận được một đồng nào, nhưng trên hồ sơ vẫn ghi nhận có khoản tiền đóng lãi. Ngày 23/5 tại tòa, VKS cũng đã đưa quan điểm buộc hoàn trả lại tài sản này cho Công ty Phương Trang.

Để có nhiều hồ sơ lấp vào những khoản kê khống trước đó và tránh bị phát hiện, đồng thời để có thêm hồ sơ tất toán các hợp đồng mới với Phú Mỹ, NH nêu lí do chưa thu xếp được vốn trung và dài hạn nên tạm thời cứ để các hợp đồng ngắn hạn rồi sẽ thu xếp vốn sau. Chính vì lí do này, Phương Trang đã yên tâm giao tài sản thế chấp trong NH mà không đi vay ở NH khác và cũng không mảy may suy nghĩ gì.

Khi NH thông báo có tiền giải ngân mới, đồng nghĩa với việc NH thông báo thời gian của hợp đồng cũ hết hạn buộc phải làm các hợp đồng và chứng từ mới ký. Và đương nhiên theo thông lệ phổ biến tại các NH Việt Nam, Phương Trang phải ký trước các giấy tờ như hợp đồng vay, chứng từ giải ngân, khế ước nhận nợ… Khi nhận tiền giải ngân, Phương Trang vẫn nghĩ đương nhiên đây là khoản giải ngân của các hợp đồng chưa giải ngân hết trước đó. Công ty Phương Trang không biết chính những chứng từ của hợp đồng mới này là “âm mưu” mà NH dùng để tất toán cho các khoản vay cũ của Phương Trang, tất toán khoản vay mới của Phú Mỹ nhằm lấy hồ sơ ra và càng những lần sau số tiền rút ruột NH càng nhiều.

Việc thu - chi để cấn trừ khống chồng chéo, đảo nợ, xếp lớp như vậy khiến Phương Trang rơi vào ma trận, không phân biệt được hợp đồng nào ra hợp đồng nào vì số hợp đồng và ngày ký hợp đồng là do NH tự điền. Và cũng với thủ đoạn này, đây là lí do xuyên suốt quá trình Phương Trang có tới 82 hồ sơ vay và số hợp đồng này cứ tồn tại mãi như vậy.

Thủ thuật phạm tội có quy tắc, có tổ chức xuyên suốt

TS. Bùi Kiến Thành, chuyên gia kinh tế phân tích, trong mỗi NH thương mại, ngoài thực hiện theo Luật Các tổ chức tín dụng thì đều có những quy định chặt chẽ riêng. Trong NH còn có ban kiểm soát độc lập, ban quản trị, thanh tra NH Nhà nước giám sát… nên không dễ dàng gì kê khống nợ, đảo nợ lũng đoạn như vậy. Bởi chỉ cần một khoản vay bất thường sẽ làm cả một “đường truyền” nổi lên ngay và bị phát hiện.

Tuy nhiên, các thủ đoạn này xảy ra trong NH Đại Tín lại kéo dài hơn một năm, với số tiền hàng nghìn tỷ đồng… thì phải được sự thống nhất rất chặt chẽ, xuyên suốt từ các khâu với nhau. “Bà Phấn không thể thực hiện một mình. Bà Phấn cũng không thể chỉ vì có quyền cổ phần 84% để sai khiến được toàn bộ hệ thống trong NH Đại Tín sai phạm bất chấp pháp luật, mà phải có sự đồng thuận với các cựu lãnh đạo NH Đại Tín, để có thể chỉ đạo xuyên suốt như vậy”, ông Thành khẳng định.

Cũng theo TS. Thành, với việc hạch toán thu chi khống, chỉ cần một người không thực hiện, ngay lập tức dây chuyền sẽ bị ngưng. Tại tòa, cũng có bị cáo thừa nhận khi vào NH thấy mọi người làm “khống” vậy thì làm theo, thành “tập tục” ở đây rồi. “Điều đó càng thấy rõ đây là hành động tội phạm, thủ thuật phạm tội có quy tắc, có tổ chức xuyên suốt. Đặc biệt, việc “chủ trương” ngầm dùng hồ sơ của doanh nghiệp mà doanh nghiệp là khách hàng của mình, tráo trở vấn đề thu - chi đẩy nợ là điều hết sức trầm trọng”, ông Thành nói.

Chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc NH, ngoài đủ điều kiện về trình độ nghiệp vụ, chuyên môn, bằng cấp, còn phải được NH Nhà nước chấp thuận. Khi đó, “ông không chỉ làm theo bà chủ có cổ phần lớn trong NH mà phải làm theo pháp luật, làm theo Luật Các tổ chức tín dụng”, ông Thành nhấn mạnh.

Do vậy, theo ông Thành, cần làm rõ trách nhiệm của từng người, từ tổng giám đốc, phó tổng giám đốc, giám đốc, kế toán tưởng… xuống các khâu. Ai chỉ đạo, ai là người triển khai thực hiện, ai kiểm tra, ai san lấp các lỗ hổng các những khoản vay của những Công ty Phú Mỹ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.