Chuyện dọc đường

PPP dự cảm gần, ước mơ xa

25/09/2020, 05:58

Nếu “rừng luật” không được “phát quang”, không đồng bộ thì Luật PPP rất khó tạo động lực.

img
Luật PPP được ban hành sẽ đảm bảo khung khổ pháp lý ổn định và lâu dài để tạo lòng tin cho nhà đầu tư. (Ảnh minh họa)

Hợp đồng PPP (public private partnership) là thỏa thuận hợp tác giữa Nhà nước và khu vực tư nhân trong đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và cung cấp các dịch vụ công, theo đó một phần hoặc toàn bộ công việc sẽ được chuyển giao cho khu vực tư nhân thực hiện với sự hỗ trợ của Nhà nước.

Ở nước ta, do đặc điểm riêng của quá trình chuyển đổi cơ chế quản lý nên PPP càng là một khái niệm mới. Mò mẫm thử nghiệm và luật hóa.

Nếu tính từ năm 1997, khi Chính phủ ban hành Nghị định số 77/CP về BOT đối với NĐT trong nước đến nay đã 23 năm, thời gian đủ để Hàn Quốc từ một nước bị tàn phá sau chiến tranh trở thành một nước công nghiệp mới.

Sau 6 lần ban hành Nghị định, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật PPP) đã được Quốc hội thông qua ngày 18/6/2020 và sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2021.

Việc nâng cấp từ Nghị định lên thành Luật riêng cho PPP đã tạo ra một nền tảng pháp lý mạnh mẽ hơn cho việc triển khai các dự án PPP.

Luật PPP bao gồm 11 chương và 101 điều, tính ra có 10 điểm mới so với văn bản quy phạm pháp luật hiện hành. Về cấp độ đầu tư, giờ chỉ còn 5 lĩnh vực so với 9 lĩnh vực trước đây, có thể hạn chế được rủi ro do đầu tư tràn lan. Về quy mô đầu tư, hướng tới dự án có quy mô đủ lớn, tối thiểu là 200 tỷ đồng.

Về phân loại dự án PPP và thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư là một điểm rất mới so với các quy định hiện hành về PPP. Về tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP không quá 50% tổng mức đầu tư. Ngoài ra còn các điểm mới khác về quy trình lựa chọn nhà đầu tư; cơ chế chia sẻ tăng, giảm doanh thu; huy động vốn của doanh nghiệp...

Điều này tạo nên hy vọng, thu hút được nhiều nguồn lực hơn từ khu vực tư nhân, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài. Qua đó cũng hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, như khuyến cáo của Liên hợp quốc.

Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bà Vũ Quỳnh Lê - Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu cho biết, tại Hội thảo trực tuyến có chủ đề “Những điểm mới trong Luật PPP, cơ hội và thách thức với nhà đầu tư” tổ chức ngày 16/9 vừa qua cho biết Bộ này đang phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng 3 Nghị định dưới Luật, bao gồm: Nghị định hướng dẫn chung về PPP, Nghị định hướng dẫn Luật PPP về lựa chọn nhà đầu tư, và Nghị định hướng dẫn cơ chế về quản lý tài chính dự án PPP.

Bộ Giao thông vận tải cũng đang dự thảo Thông tư quy định về khung lợi nhuận cho các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng đường bộ do Bộ Giao thông vận tải quản lý.

Ở Việt Nam, Luật bao giờ cũng chờ Nghị định và Nghị định chờ Thông tư mới đi vào cuộc sống. Việc khẩn trương ban hành các nghị định lẫn thông tư hướng dẫn là điều cần làm để Việt Nam đẩy nhanh được hoạt động PPP.

Cuộc sống luôn luôn vận động, đòi hỏi quản lý với tư cách bàn tay “vô hình” của Nhà nước vận động. Nếu “rừng luật” không được “phát quang”, không đồng bộ thì Luật PPP rất khó tạo động lực.

Nói đâu xa, 5 dự án cao tốc PPP phía Đông hiện vẫn phải giải quyết nhiều vấn đề để “khai thông” dòng vốn, dù có ngân hàng đã cam kết 90% tín dụng cho các nhà đầu tư.

“Kinh nghiệm của các nước cho thấy, có 5 yếu tố ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư PPP đó là: Việc áp dụng mô hình PPP (không phải đơn giản); vai trò của Chính phủ, lựa chọn nhà đầu tư; xác định và phân bổ rủi ro; kế hoạch tài chính”, đây là chia sẻ của GS. TS. Nguyễn Hồng Thái, Đại học Giao thông vận tải.

Bản thân mọi vấn đề mới, tiệm cận đã khó khăn. Đến nay, khi Luật PPP được ban hành sẽ đảm bảo khung khổ pháp lý ổn định và lâu dài để tạo lòng tin cho nhà đầu tư, vì quan hệ đối tác công tư thường mang tính dài hạn 20 - 30 năm.

Đó là dự cảm gần, tạo thêm hy vọng. Ước mơ xa là nguồn lực từ khu vực tư nhân, ngày càng được khai thác, sử dụng hiệu quả, bù đắp được những thiếu hụt của ngân sách nhà nước trong đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo động lực quan trọng thúc đẩy nền kinh tế, xã hội.

Tuy nhiên, từ Chính phủ tới các Bộ, ngành, địa phương phải hành động với quyết tâm rất cao khi Luật PPP có hiệu lực.

Thứ trưởng Nguyễn Nhật khi trả lời quan ngại của các nhà đầu tư PPP khẳng định, Bộ GTVT luôn cầu thị, trách nhiệm khi xử lý tồn tại tại các dự án BOT trước đây để tạo niềm tin cho các ngân hàng tham gia 5 dự án PPP cao tốc Bắc - Nam. Vì môi trường PPP cần cầu thị và hành động như vậy.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.