Bộ trưởng Tô Lâm: Đa số đại biểu nhất trí đổi tên Luật Căn cước
Đại tướng Tô Lâm cho biết, dự án Luật Căn cước là văn bản pháp lý quan trọng trong công tác quản lý dân cư, nhằm tạo thuận lợi cho nhân dân.
Đa số đại biểu nhất trí cấp căn cước cho người dưới 14 tuổi
Chiều 22/6, sau khi các đại biểu thảo luận tại hội trường về dự án Luật Căn cước, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã thay mặt cơ quan soạn thảo trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình các nội dung đại biểu nêu.
Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an. (Ảnh: Quochoi.vn)
Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, dự án Luật Căn cước là văn bản pháp lý quan trọng trong công tác quản lý dân cư, nhằm mục đích tạo thuận lợi cho nhân dân trong việc đi lại, thực hiện các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự và nhiều tiện ích khác, đồng thời đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số.
Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, các ý kiến đều nhất trí ban hành Luật Căn cước và nhất trí tên gọi Luật Căn cước nhằm đảm bảo tính bao quát, phù hợp với phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của luật.
Nhiều đại biểu cũng nhất trí quy định về việc bổ sung, mở rộng thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về căn cước. Đây là yêu cầu tất yếu để phục vụ cho xây dựng Chính phủ số, xã hội số. Bên cạnh đó, có một số ý kiến đề nghị quy định rõ thẩm quyền khai thác, cập nhật thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Đối với nội dung thể hiện trên thẻ căn cước, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, đa số đại biểu nhất trí việc tích hợp thông tin vào thẻ căn cước. Một số đại biểu có ý kiến, chỉ nên in những thông tin không có sự thay đổi nhiều trên thẻ căn cước. Một số đại biểu đề nghị bổ sung một số những thông tin như là quê quán.
Đa số đại biểu nhất trí với quy định về việc cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi để đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng của công dân và phục vụ công tác quản lý nhà nước, phát huy giá trị tiện ích của thẻ căn cước trong hoạt động của Chính phủ số, xã hội số. Bên cạnh đó, một số đại biểu đề nghị làm rõ hơn sự cần thiết của quy định này và chỉnh lý cho rõ ràng hơn.
"Các ý kiến của đại biểu, chúng tôi sẽ tiếp tục báo cáo Chính phủ và phối hợp với các cơ quan liên quan của Quốc hội có tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Căn cước cho phù hợp, đảm bảo hoàn thiện cả về nội dung và kỹ thuật văn bản để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 (tháng 11/2023)", ông Tô Lâm nói.
Đảm bảo nguồn lực đầu tư hạ tầng quản lý dữ liệu căn cước
Trước đó, tham gia thảo luận Luật Căn cước chiều 22/6 , đại biểu Phạm Văn Hoà (đoàn Đồng Tháp) ủng hộ quy định cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam không có quốc tịch đang sinh sống ở Việt Nam nhằm bảo đảm quyền con người để dễ dàng quản lý.
Đại biểu Phạm Văn Hoà (đoàn Đồng Tháp)
Theo đại biểu, báo cáo cho thấy có gần triệu người thường trú tại nước ta nhưng không có giấy tờ tuỳ thân, đa phần rất khó khăn về kinh tế, không có chính sách an sinh xã hội do không có hộ khẩu thường trú, con em không được học hành do không có khai sinh, để lại gánh nặng cho xã hội.
“Sống trong đất nước thanh bình mà cuộc sống bất hợp pháp, nếu có vấn đề xảy ra sẽ không biết đối tượng này ở đâu, truy tìm khó khăn vì không có hồ sơ lưu trữ, rất bất cập”, ông Hoà nhìn nhận và cho biết, việc cấp giấy chứng nhận căn cước cho đối tượng này là rất cần thiết.
“Nên cân nhắc thu phí việc người dân đổi thẻ căn cước công dân sang thẻ căn cước vì đổi tên căn cước là theo qui định của Luật, chứ không phải do lỗi của người dân, hiện nay hàng triệu căn cước công dân đã được cấp”, - đại biểu Phạm Văn Hoà (đoàn Đồng Tháp).
Đối với thông tin trong cơ sở dữ liệu căn cước về nghề nghiệp, ADN, đại biểu cho rằng cần cân nhắc vì nghề nghiệp có thể thay đổi theo thời gian, ADN đâu phải ai cũng đi xét nghiệm, nếu buộc xét nghiệm sẽ rất tốn kém.
Đại biểu cũng quan tâm việc bảo mật thông tin cá nhân trong dữ liệu quốc gia về dân cư, dữ liệu căn cước, ông cho rằng, ngoại trừ các cơ quan bảo vệ pháp luật khai thác khi cá nhân vi phạm pháp luật, các trường hợp còn lại muốn khai thác dữ liệu phải được sự đồng ý của cá nhân người đó, kể cả các cơ quan, tổ chức chính trị, ngoại trừ trường hợp có yêu cầu xác minh nhân thân trong những trường hợp cá biệt và được sự đồng ý của cơ quan quản lý căn cước, dữ liệu dân cư.
"Cơ quan quản lý phải chịu trách nhiệm về bảo mật nếu thông tin cá nhân bị lộ lọt ra ngoài kẻ xấu lợi dụng ảnh hưởng đến sinh hoạt đời sống của người dân", ông Hoà nhấn mạnh.
Đối với quy định cấp thẻ căn cước điện tử, ông đề nghị cần có thời gian theo lộ trình vì hiện nay không phải ai cũng sử dụng điện thoại thông minh, nếu có thì chưa chắc sử dụng internet, có nơi còn chưa có mạng internet.
Để cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và dữ liệu căn cước được đồng bộ, kịp thời chính xác, đại biểu cho rằng Nhà nước cần bảo đảm nguồn lực đủ để đầu tư hạ tầng, kịp thời kết nối trong thời gian nhất định, nếu chậm trễ thì không thể áp dụng được và không thể khai thác.
"Việc khuyến khích tổ chức cá nhân trong và ngoài nước tài trợ, hỗ trợ cho việc xây dựng quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, dữ liệu căn cước là cần thiết để giảm chi cho ngân sách nhà nước, nhưng phải đảm bảo an toàn bí mật thông tin cá nhân của người dân trong cơ sở dữ liệu", đại biểu lưu ý.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương).
Đề nghị phân cấp cho công an cấp tỉnh thực hiện cấp, cấp lại căn cước
Tham gia thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) cho biết, điều 29 dự thảo quy định: "Thủ trưởng cơ quan quản lý căn cước của Bộ Công an có thẩm quyền cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước".
Bà Nga đề nghị nên phân cấp, phân quyền cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước về cho cơ quan công an cấp tỉnh đối với công dân Việt Nam để hạn chế thời gian, chi phí trong quá trình thực hiện; đồng thời giảm bớt áp lực cho cơ quan chịu trách nhiệm cấp thẻ căn cước công dân ở cấp Trung ương.
"Trước đây, việc cấp giấy chứng minh nhân dân do cơ quan công an cấp tỉnh chịu trách nhiệm và vẫn thực hiện tương đối ổn định. Giờ hệ thống cơ sở dữ liệu liên thông, mỗi người đều có số định danh cá nhân thì việc quản lý cấp, cấp lại, cấp đổi căn cước công dân sẽ không bị chồng chéo, hay xảy ra hiện tượng một người có nhiều số chứng minh nhân dân như trước", bà Nga nói.