Xã hội

Covid-19 ngày 18/8: Thêm 8.800 ca mắc mới, 3.751 bệnh nhân xuất viện

18/08/2021, 19:00

Dịch Covid-19 ngày 18/8 mới nhất: Hôm nay, cả nước có 8.800 ca mắc mới , trong đó TP.HCM có 3.731 bệnh nhân.

Tin tức Covid-19 mới nhất ngày 18/8

Bộ Y tế thông tin, tính từ 18h ngày 17/8 đến 18h30 ngày 18/8, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 8.800 ca nhiễm mới, trong đó 12 ca nhập cảnh và 8.788 ca ghi nhận trong nước.

img

Báo Giao thông cập nhật mới nhất về tình hình dịch Covid-19 ngày 18/8.

Cụ thể, tại TP. Hồ Chí Minh (3.731), Bình Dương (2.513), Đồng Nai (443), Long An (428), Tiền Giang (282), Đà Nẵng (278), Kiên Giang (169), An Giang (105), Tây Ninh (104), Cần Thơ (91), Khánh Hòa (86), Bến Tre (72), Phú Yên (65), Vĩnh Long (61), Nghệ An (59), Quảng Nam (53), Hà Nội (46), Đồng Tháp (31), Bình Thuận (20), Thừa Thiên Huế (17), Hậu Giang (16), Bình Định (15), Đắk Nông (13), Quảng Trị (12), Quảng Ngãi (9), Ninh Thuận (8 ), Quảng Bình (8 ), Hà Tĩnh (8 ), Gia Lai (7), Bắc Ninh (7), Lâm Đồng (6), Thanh Hóa (6), Đắk Lắk (5), Lào Cai (4), Sơn La (2), Cà Mau (2), Ninh Bình (1), Thái Bình (1), Vĩnh Phúc (1), Lạng Sơn (1), Điện Biên (1), Bạc Liêu (1) trong đó có 5.935 ca trong cộng đồng.

Như vậy trong 24h giờ qua số ca nhiễm ghi nhận trong nước giảm 807 ca. Tại TP.HCM tăng 172 ca, Bình Dương giảm 819 ca, Đồng Nai tăng 145 ca, Long An giảm 153 ca, Tiền Giang giảm 129 ca.Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam, kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 302.101 ca nhiễm, đứng thứ 73/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 170/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 3.073 ca nhiễm).

Trong ngày hôm nay, 3.751 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày 18/8, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 115.059 ca; 654 bệnh nhân nặng đang điều trị ICU và 20 bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO.Ngày 18/8, Tiểu ban điều trị của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 thông báo trên Hệ thống Thông tin thu dung điều trị bệnh nhân COVID-19 ghi nhận 298 ca tử vong tại TP.HCM (255), Bình Dương (20), Long An (11), Cần Thơ (2), Bến Tre (2), Vĩnh Long (2), Đà Nẵng (1), Bắc Giang (1), Bình Thuận (1), Đồng Nai (1), Đồng Tháp (1), Kiên Giang (1).

Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến 18/8 là 6.770 ca, chiếm tỷ lệ 2,2% so với tổng số ca mắc và ngang với tỷ lệ tử vong do COVID-19 trên thế giới.

Trong 24 giờ qua đã thực hiện 210.030 xét nghiệm cho 676.379 lượt người.Trong ngày 17/8 có 395.979 liều vắc xin phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 15.518.869 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 14.032.444 liều, tiêm mũi 2 là 1.486.425 liều.

Cả ngày Hà Nội có 51 ca, chỉ có 1 ca cộng đồng

Với 5 ca mắc mới ghi nhận chiều nay ở khu cách ly, nâng tổng số mắc trong ngày tại Hà Nội lên 51 ca, trong đó có 1 ca cộng đồng.

5 ca mắc mới thuộc chùm ho, sốt thứ phát, thuộc các quận, huyện Ba Đình (2), Nam Từ Liêm (1), cầu Giấy (1), Thanh Trì (1).

Như vậy, cả ngày hôm nay (tính từ 18h ngày 17/8 đến 18h ngày 18/8), Hà Nội tiếp tục ghi nhận 5 ca Covid-19 mắc mới đều ở khu cách ly, nâng tổng số mắc trong ngày lên 51 ca, trong đó có 1 ca cộng đồng.

Tính từ ngày 29/4 đến nay, trên địa bàn thành phố ghi nhận 2359 ca dương tính với SARS-CoV-2, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1234 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 1125 ca.

Về xét nghiệm cho người có nguy cơ cao và người sống trong các khu vực nguy cơ cao, toàn thành phố đã hoàn thành đợt 1 với trên 300.000 mẫu được lấy và xét nghiệm. Bắt đầu từ hôm nay, 18/8, toàn thành phố tiếp tục thực hiện đợt 2 với số mẫu dự kiến trên 800.000 mẫu.

Cho đến cuối giờ chiều nay, toàn thành phố đã lấy được tổng số 92.478 mẫu, trong đó 4.582 mẫu là người ở khu vực phong tỏa, 36.293 mẫu là người sống trong khu vực nguy cơ cao và 51.603 mẫu là đối tượng nguy cơ. Hiện tại, mới chỉ có 500 mẫu thuộc đối tượng là người nguy cơ cao có kết quả xét nghiệm âm tính. Các mẫu còn lại đang chờ kết quả.

Thêm 46 ca dương tính, Hà Nội có 2.354 ca từ 29/4

Trưa 18/8, Sở Y tế Hà Nội thông tin thành phố vừa ghi nhận thêm 41 ca Covid-19 mới, trong đó có 40 ca tại khu vực cách ly, phong tỏa (thuộc chùm ho, sốt thứ phát), 1 ca tại cộng đồng (chùm sàng lọc ho, sốt). Trong đó, có 2 ca là nhân viên y tế.

Các quận, huyện ghi nhận có số ca mắc mới là Thanh Trì (16), Bắc Từ Liêm (4), Thường Tín (3), Ba Đình (3), Đống Đa (3), Hoàng Mai (3), Đông Anh (3), Thạch Thất (2), Gia Lâm (2), Hoàn Kiếm (1), Hai Bà Trưng (1).

img

Cập nhật tin tức Covid-19 ngày 18/8

Trong đó, 1 ca ở Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm, là nhân viên y tế làm việc tại khu cách ly tập trung từ ngày 29-7, và 1 trong 2 ca ở huyện Gia Lâm là nhân viên y tế làm việc tại khu cách ly từ ngày 10-8.

Ca bệnh lớn tuổi nhất mắc COVID-19 thuộc chùm ca bệnh trên sinh năm 1952, ca ít tuổi nhất sinh năm 2020, có kết quả mắc COVID-19 từ ngày 16 đến 18-8.

Tính từ ngày 29/4 đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 2.354 ca dương tính với SARS-CoV-2, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.235 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 1.119 ca.

TP.HCM: Nhóm bác sĩ gia đình cấp cứu sản phụ mắc COVID-19 bị tụt oxy

Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID-19 Phường 5, quận Tân Bình- TP.HCM đã phối hợp cùng bác sĩ Bệnh viện 115 thăm khám cho các trường hợp F0 đang cách ly điều trị tại nhà.

Đáng chú ý, nhóm bác sỹ gia đình của phường 5 và Bệnh viện 115 đã cấp cứu kịp thời một sản phụ mắc COVID-19 bị tụt oxy Đội ngũ bác sĩ gia đình được chia làm 2 nhóm, mỗi nhóm gồm có 1 Bác sỹ của bệnh viện 115, 1 nhân viên Y tế và 2 tình nguyện viên.

Khi đến thăm khám F0 là một thai phụ (khoảng 26 tuần tuổi) tại đường Cách Mạng Tháng 8, bác sĩ phát hiện thai phụ giảm oxy đột ngột xuống 80% và có dấu hiệu trở nặng. Theo đó, bác sĩ của Bệnh viện 115 đã sơ cấp cứu kịp thời và đưa bệnh nhân chuyển cấp cứu đến bệnh viện Từ Dũ. Hiện nay, sức khỏe bệnh nhân đã ổn định và qua cơn nguy hiểm.

Cùng ngày, nhóm bác sỹ gia đình của phường 5, quận Tân Bình, cũng đi thăm khám một trường hợp F0 là bệnh nhân lớn tuổi cư trú tại đường Phạm Văn Hai và 2 trường hợp F0 là cán bộ công chức phường đang điều trị tại nhà.

Qua thăm khám, các bệnh nhân có chỉ số sức khỏe ổn định do đã áp dụng đúng các phương pháp điều trị y tế hướng dẫn.

Tại đây, nhóm bác sỹ gia đình cũng đã kê các đơn thuốc nhằm bồi dưỡng thêm cho sức khỏe bệnh nhân, hướng dẫn các hoạt động thể dục tại nhà giúp các bệnh nhân nâng cao sức đề kháng trong giai đoạn điều trị bệnh…

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, tính đến sáng ngày 18/8, TP.HCM có 158.499 trường hợp mắc COVID-19 được Bộ Y tế công bố, trong đó có 158.096 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 403 trường hợp nhập cảnh. Hiện thành phố đang điều trị 32.667 bệnh nhân, trong đó có 1.978 trẻ em dưới 16 tuổi, 2.256 bệnh nhân nặng đang thở máy và 16 bệnh nhân can thiệp ECMO. Trong ngày 17/8, có 2.561 bệnh nhân xuất viện, 285 trường hợp tử vong.

img

Xe cứu thương mang biển số 51B-319.99 khi dừng ở chốt kiểm soát dịch COVID-19 xã La Ngâu.

Tài xế cứu thương lái xe bỏ chạy khi bị phát hiện dương tính với SARS-CoV-2

Tài xế lái xe cứu thương mang biển số 51B-319.99 là Nguyễn Văn My Phúc (ngụ tại 686 Hồng Bàng, quận 11, TPHCM) có giấy xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2. Khi bị kiểm tra đã quay đầu xe bỏ chạy.

Ngày 18/8, UBND huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận cho biết, vào khoảng 13h ngày 17/8, khi chốt kiểm soát dịch COVID-19 tại xã La Ngâu kiểm tra xe cứu thương mang biển số 51B-319.99 chạy từ hướng Lâm Đồng qua Bình Thuận thì phát hiện tài xế dương tính với SARS-CoV-2.

Cụ thể, tài xế lái xe cứu thương là Nguyễn Văn My Phúc (ngụ tại 686 Hồng Bàng, quận 11, TPHCM) xét nghiệm COVID-19 tại Phòng khám Đa khoa Medic City (Hóc Môn, TPHCM) vào ngày 15/8 cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2.

Sau đó, tài xế lái xe cứu thương đã vội vã lên xe bỏ chạy khỏi chốt. Lực lượng chốt kiểm soát dịch COVID-19 tại xã La Ngâu, huyện Tánh Linh không rõ xe cứu thương đi tỉnh Lâm Đồng hay huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận.

Sáng 18/8, Bình Thuận có thêm 11 ca nghi mắc COVID-19 mới. Trong đó Phan Thiết 7 ca (3 ca là F1 trong khu cách ly, 2 ca trong khu phong tỏa, 2 ca là nhân viên y tế); La Gi có 2 ca là F1 trong khu cách ly; Tánh Linh 1 ca là người về từ vùng dịch đã cách ly tập trung; Bắc Bình 1 ca là người về từ vùng dịch đã cách ly tập trung. Hiện nay, Bình Thuận đang có 1.555 ca dương tính với SARS-CoV-2. Trong số ca mắc COVID-19 đang điều trị, 22 trường hợp có diễn tiến nặng.

Trung tâm công tác xã hội Tiền Giang có 95 F0, giám đốc bị tạm đình chỉ 15 ngày

Vietnamnet đưa tin, Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội Tiền Giang Lý Văn Cẩm vừa ký Quyết định tạm đình chỉ công tác đối với ông Lê Văn Bé Chín, Giám đốc Trung tâm công tác xã hội Tiền Giang.

Ông Lê Văn Bé Chín bị tạm đình chỉ công tác 15 ngày, kể từ ngày 18/8; việc này để ngành chức năng thực hiện quy trình xử lý kỷ luật do Giám đốc Trung tâm công tác xã hội tỉnh Tiền Giang thiếu trách nhiệm trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại đơn vị quản lý.

Ngày 8/8, ngành y tế tỉnh Tiền Giang phát hiện một nhân viên làm việc tại Trung tâm công tác xã hội tỉnh dương tính nCoV.

Ngay lập tức, CDC Tiền Giang đã tiến mẫu xét nghiệm toàn bộ trung tâm và sau đó phát hiện 68 trường hợp dương tính.

Trung tâm có 86 nhân viên và 357 đối tượng dễ tổn thương được bảo trợ xã hội gồm người cao tuổi, người khuyết tật, người tâm thần, trẻ em và phụ nữ neo đơn.

Liên quan ổ dịch này, đến nay đã có hơn 95 ca F0, trong đó có 6 nhân viên.

UBND tỉnh Tiền Giang đã lập Bệnh viện dã chiến số 8 đặt tại trung tâm để điều trị F0 là đối tượng bảo trợ xã hội đang được chăm sóc tại đây.

Hà Nội tiếp tục lấy 1 triệu mẫu xét nghiệm diện rộng

Sáng 18/8, thông tin từ CDC Hà Nội cho biết, từ ngày 18 đến 20/8, thành phố sẽ tiếp tục triển khai đợt 2 lấy mẫu xét nghiệm cho khu vực nguy cơ cao và 13 nhóm người nguy cơ cao với số lượng 1 triệu mẫu xét nghiệm bằng kỹ thuật RT-PCR.

Cụ thể, 13 nhóm người nguy cơ cao được lấy mẫu xét nghiệm virus SARS-CoV-2 gồm:

1. Shipper.

2. Người bán hàng tại các chợ truyền thống, chợ cóc.

3. Nhân viên bán hàng tại siêu thị, trung tâm thương mại.

4. Người bán hàng tạp hóa tại nhà.

5. Nhân viên bán xăng.

6. Lái xe khu công nghiệp, đường dài;

7. Bảo vệ tại chung cư, khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, cơ quan, đoàn thể.

8. Công nhân xây dựng đang mắc kẹt tại Hà Nội; 9. Nhân viên bán thuốc tại các quầy thuốc; 10. Người làm tại các kho hàng bán lẻ.

11. Người trực chốt kiểm dịch.

12. Lực lượng hỗ trợ chống dịch.

13. Nhân viên công ty môi trường đô thị trực tiếp thu gom rác (lái xe, lao công).

Theo ngành y tế Hà Nội, mục tiêu trong đợt 2 này, thành phố tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm diện rộng để bóc tách F0 tại các khu vực "vùng đỏ", khu vực nguy cơ, khu vực trọng điểm và những ổ dịch mới phát sinh.

Ngoài ra, lấy mẫu xét nghiệm cho các đối tượng nguy cơ cao căn cứ theo yếu tố dịch tễ, các đối tượng di chuyển nhiều, tiếp xúc nhiều...

Ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho hay, thời gian vừa qua, trên địa bàn thành phố đã có ca nhiễm Covid-19 không có yếu tố dịch tễ, không rõ nguồn lây nhiễm ở đâu.

Bên cạnh đó, có ca bệnh đi lại quá nhiều không thể xác định được nguồn lây. Do đó, việc xét nghiệm sẽ "bóc tách" những ca mắc Covid-19 không rõ dịch tễ, không triệu chứng.

Phó Giám đốc CDC Hà Nội nêu rõ, trong những ngày tới, Hà Nội sẽ tiếp tục tăng cường giám sát, lấy mẫu xét nghiệm những đối tượng nguy cơ nhiều hơn đó là những người thường xuyên ra đường, thường xuyên tiếp xúc.

"Người dân tự đánh giá mình thuộc 13 nhóm người nguy cơ trên không, nếu phải cần liên hệ cơ quan y tế để lấy mẫu xét nghiệm tại các khu vực phường, xã. Việc lấy mẫu, xét nghiệm này hoàn toàn miễn phí", ông Tuấn nêu rõ.

Trước đó, từ ngày 10 đến 15/8, Hà Nội đã hoàn thành lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc diện rộng đợt 1 tại các khu vực có yếu tố nguy cơ ở 30 quận, huyện, thị xã.

Kết quả đã lấy được 313.010 mẫu, qua đó phát hiện được 29 ca dương tính với SARS-CoV-2 tại 5 quận, huyện: Đống Đa (23 ca), Thanh Trì (3 ca), Hoàng Mai (1 ca), Hà Đông (1 ca), Thanh Oai (1 ca) và 312.981 mẫu âm tính.

img

Các thai phụ vào tiêm ngừa vaccine sẽ được kiểm tra về sức khỏe của mẹ và thai nhi để được tư vấn. Ảnh minh hoạ

Cần Thơ: Tiêm vaccine COVID-19 cho phụ nữ mang thai trên 13 tuần

Sáng 18/8, Bệnh viện Phụ sản thành phố Cần Thơ đã triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho phụ nữ mang thai trên địa bàn thành phố.

Để chuẩn bị cho đợt tiêm này, bệnh viện đã thông báo công khai trên các trang thông tin của bệnh viện, để thai phụ đăng ký và sẽ tiếp nhận đến khi đủ số lượng.

Bệnh viện sẽ triển khai 5 bàn tiêm và sử dụng vaccine Moderna do Sở Y tế Cần Thơ phân bổ.

Khi các thai phụ vào tiêm ngừa vaccine sẽ được kiểm tra về sức khỏe của mẹ và thai nhi để được tư vấn. Việc theo dõi sau tiêm vaccine phòng COVID-19 đối với thai phụ cũng giống như các đối tượng khác.

Hai mẹ con ở Sơn La nhiễm COVID-19 chưa rõ nguồn lây

Sáng 18/8, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Sơn La cho biết, ngày 17/8, Bệnh viện Đa khoa huyện Phù Yên đã test kháng nguyên với virus SARS-CoV-2 đối với một bệnh nhân nội trú đang điều trị tại khoa hồi sức cấp cứu có triệu chứng sốt, ho đã nhập viện ngày 16-8, và người nhà bệnh nhân.

Kết quả, cả 2 người đều dương tính với SARS-CoV-2.

Đến 20h cùng ngày, mẫu bệnh phẩm được xét nghiệm bằng kỹ thuật RT-PCR tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La cho kết quả dương tính.

Đó là 2 mẹ con (cùng trú tại tiểu khu 4, thị trấn Phù Yên, huyện Phù Yên) bà N.T.P.H. (BN 293434, 36 tuổi, là kế toán Trường tiểu học và THCS xã Mường Lang) và em N.D.K. (BN 293435, 10 tuổi, học sinh Trường THCS Võ Thị Sáu, hiện đang nghỉ hè).

Qua truy xuất lịch trình di chuyển, trong vòng 3 tuần trở lại đây, 2 bệnh nhân ra khỏi huyện Phù Yên.

Hiện tại cơ quan chức năng chưa xác định được nguồn lây, đang tìm hiểu mối liên hệ với các trường hợp F0 trong các khu cách ly tập trung của huyện Phù Yên.

Tuy nhiên trong khoảng 10 ngày nay, BN 293434 đã đi đến rất nhiều nơi và tiếp xúc với nhiều người trên địa bàn thị trấn và các xã trong huyện. BN 293435 cũng đã tiếp xúc với người thân trong gia đình và nhiều bạn bè hàng xóm.

Từ ngày 21/7 đến nay, toàn huyện Phù Yên đã ghi nhận 88 trường hợp dương tính, trong đó có 86 trường hợp trong khu cách ly tập trung.

Hôm nay, tiêm thử nghiệm vaccine nội Covivac giai đoạn 2 tại Thái Bình

Hôm nay 18/8, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương và ĐH Y Hà Nội tiêm thử nghiệm vaccine Covivac giai đoạn 2 cho những người đầu tiên trong số 375 người tình nguyện, tại Thái Bình.

Covivac là ứng viên vaccine nội có tiến độ triển khai nhanh thứ 2 tại Việt Nam. Kết quả thử nghiệm giai đoạn 1 cho thấy 120 người tiêm Covivac đều an toàn và đáp ứng yêu cầu theo đề cương của Bộ Y tế.

img

Tiêm thử nghiệm vaccine nội thứ 2 phòng Covid-19 Covivac

Vaccine Covivac được Hội đồng đạo đức chấp thuận chuyển sang thử nghiệm ở giai đoạn 2 trên 375 người tại Vũ Thư, tỉnh Thái Bình nhằm đánh giá độ an toàn và tính sinh miễn dịch của vaccine, ở 2 mức liều là 3 mcg và 6 mcg.

Theo kế hoạch giai đoạn tiêm thử nghiệm 2 Covivac, bắt đầu tiêm mũi 1 là 18/8 và kết thúc tiêm mũi 2 vào 20/9/2021; Thời gian gửi mẫu làm xét nghiệm miễn dịch từ tháng 10/2021;

Thời gian báo cáo kết quả giữa kỳ, chọn 1 mức liều vaccine Covivac chuyển sang giai đoạn 3 vào cuối tháng 11/2021.

Thời gian kết thúc nghiên cứu giai đoạn 2 vào 6 tháng sau tiêm mũi 2; Tổng số đối tượng tham gia 375 người, nam và nữ, tuổi từ 18-59 và ≥ 60 tuổi, phân thành 3 nhóm, mỗi nhóm 125 người (1:1:1); trong đó độ tuổi ≥ 60 tuổi chiếm tỷ lệ 1/3;

Nghiên cứu vaccine Covivac với mức liều 3 µg và 6 µg và vaccine AstraZeneca; Hai nhóm đối tượng tiêm 2 mức liều vaccine Covivac (3µg hoặc 6µg) và 1 nhóm đối tượng tiêm vaccine AstraZeneca (AZD1222). Sau đó, nhóm nghiên cứu sẽ gửi mẫu sang Canada để đánh giá.

Cấp 30.000 lọ thuốc Remdesivir cho các địa phương

Bộ Y tế đã có quyết định xuất cấp 30.000 lọ thuốc Remdesivir điều trị Covid-19 cho các cơ sở y tế điều trị bệnh nhân Covid-19 và các địa phương có dịch.

Cụ thể, số thuốc này đến với 17 bệnh viện có các trung tâm hồi sức tích cực Covid-19 và Sở Y tế TP.HCM, các tỉnh Tiền Giang, Đồng Nai, Bà Rịa- Vũng Tàu, Long An, Đồng Tháp, Tây Ninh và Cần Thơ.

Đây là lần thứ 2 thuốc này được Bộ Y tế xuất cấp để phục vụ nhu cầu điều trị của các địa phương.

Trước đó, ngày 8/8, lô thuốc đầu tiên 10.000 lọ Remdesivir đã được đưa vào điều trị bệnh nhân Covid-19 tại TP. Hồ Chí Minh.

Theo kế hoạch, dự kiến từ ngày 19/8 đến hết tháng 8, sẽ có thêm khoảng 330 nghìn lọ Remdesivir sẽ về TP. Hồ Chí Minh. Đây là các lô Remdesivir trong số 500.000 lọ Remdesivir được Tập đoàn Vingroup nhập khẩu, tặng cho Bộ Y tế sử dụng điều trị bệnh nhân Covid-19.

PGS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, thuốc Remdesivir là thuốc mới, liều dùng của thuốc tuân thủ theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Theo đó trong quá trình điều trị, các cơ sở y tế cũng cần theo dõi chặt chẽ về hiệu quả của thuốc. Việc sử dụng thuốc cho người bệnh phải được bác sĩ chỉ định.

Sáng nay, Hà Nội thêm 5 ca dương tính

Sáng 18/8, Sở Y tế Hà Nội cho biết, 12 giờ qua trên địa bàn thành phố ghi nhận 5 ca mắc COVID-19 mới đều là ca bệnh ghi nhận tại khu cách ly. Cả 5 bệnh nhân đều thuộc chùm ho, sốt thứ phát và phân bố ở các quận, huyện Hoàng Mai (3), Đống Đa (1), Đông Anh (1).

Trường hợp thứ 1 là chị N.T.H, 30 tuổi, ở Vĩnh Hưng, Hoàng Mai, là mẹ và là F1 của bệnh nhân V.T.A. Ngày 29/7, chị đi cùng để chăm sóc con tại Bệnh viện đa khoa Đức Giang sau khi con có kết quả xét nghiệm dương tính. Trong thời gian cách ly, theo dõi tại bệnh viện, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính.

Trường hợp thứ 2, 3 là anh N.K.T, 27 tuổi và anh H.Đ.A, 16 tuổi ở chung cư HH4C, Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai.

Các bệnh nhân là người sống trong khu vực phong tỏa (ở cùng tầng với bệnh nhân dương tính là T.V.T). Ngày 8/8 được lấy mẫu xét nghiệm lần 1 cho kết quả âm tính. Đến ngày 16/8, các bệnh nhân có triệu chứng sốt, mệt mỏi, được lấy mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính ngày 17/8.

Trường hợp thứ 4 là anh N.T.T, 32 tuổi, địa chỉ 10/221 Nguyễn Khuyến, Văn Miếu, Đống Đa, là F1 của bệnh nhân N.T.N (sống cùng nhà), ngày 13/8 được lấy mẫu xét nghiệm âm tính và chuyển vào khu cách ly. Ngày 16/8, bệnh nhân có triệu chứng ho, sốt được lấy mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính.

Trường hợp thứ 5 là bé trai Đ.T.L, 6 tuổi, xóm Trong, Uy Nỗ, Đông Anh, là người sống trong khu vực phong tỏa và là F1 của bệnh nhân Đ.T.Đ. Ngày 14/8, bé L xuất hiện triệu chứng sốt, ho, được chuyển cách ly tại Bệnh viện đa khoa Đông Anh, được lấy mẫu xét nghiệm làm test nhanh cho kết quả dương tính. Sau đó, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm khẳng định, kết quả dương tính.

Như vậy, tính từ ngày 29/4 đến nay, Hà Nội ghi nhận 2.313 ca dương tính với SARS-CoV-2, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.233 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 1.080 ca.

img

13 nhóm người nguy cơ cao ở Hà Nội sẽ được lấy mẫu xét nghiệm bằng kỹ thuật RT-PCR

Có 620 bệnh nhân nặng và nguy kịch

Theo số liệu từ Bộ Y tế thông tin, tính từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 293.301 ca nhiễm, đứng thứ 77/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 171/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 2.983 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 289.276 ca, trong đó có 111.308 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Có 6 địa phương đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Quảng Ninh, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hoà Bình, Hải Phòng.

Có 5 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Kon Tum, Hà Giang, Yên Bái, Thái Bình, Bắc Giang.

Số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU: 600 ca. Số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO: 20 ca.

Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 8.466.817 mẫu cho 24.442.316 lượt người.

Tổng số liều vắc xin được tiêm là 15.271.562 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 13.869.728 liều, tiêm mũi 2 là 1.401.834 liều.

Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến 17/8 là 6.472 ca, chiếm tỷ lệ 2,2% so với tổng số ca mắc và ngang với tỷ lệ tử vong do COVID-19 trên thế giới.

Bộ GD-ĐT: Học sinh về quê không kịp trở lại trường năm học mới sẽ được "học tạm" ở nơi đang cư trú

Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều học sinh phải di chuyển về các địa phương cư trú mà không kịp trở lại trường học để bắt đầu năm học mới, nhằm bảo đảm quyền lợi học tập cho học sinh, Bộ GD-ĐT đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo thực hiện tiếp nhận, tạo điều kiện cho học sinh học tập tại nơi cư trú do dịch Covid-19 năm học 2021-2022.

Cụ thể, tiếp nhận, tạo điều kiện cho các học sinh có nguyện vọng vào học tập tại trường học nơi học sinh cư trú trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, nhà trường.

Phối hợp với các địa phương, nhà trường nơi học sinh có nguyện vọng chuyển đi và chuyển đến (bằng văn bản gửi qua email hoặc hệ thống quản lý văn bản điện tử e-office) để tiếp nhận và bố trí, xếp lớp cho học sinh học tập theo đúng đối tượng. Quan tâm hỗ trợ học sinh được tiếp nhận về các điều kiện học tập cần thiết như sách giáo khoa, tài liệu học tập; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho học sinh học tập theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.

Xác nhận kết quả rèn luyện và học tập của học sinh được tiếp nhận để học sinh quay trở lại trường cũ học tập sau thời gian phòng, chống dịch Covid-19, bảo đảm chính xác, công bằng, minh bạch, đúng quy định.

Chuyển giao, tiếp nhận lại học sinh kèm theo kết quả rèn luyện và học tập của học sinh (đã học tập tại trường học nơi cư trú) khi học sinh quay trở lại trường cũ học tập; quan tâm hỗ trợ học sinh và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho học sinh khi quay trở lại trường cũ học tập theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.

Đối với học sinh có nguyện vọng xin chuyển trường (hoặc xin chuyển trường sau khi đã được tiếp nhận học tập một thời gian tại trường nơi cư trú), tạo thuận lợi cho học sinh thực hiện việc chuyển trường theo phương thức phù hợp trên cơ sở bảo đảm quy định về hồ sơ học sinh khi chuyển trường, đồng thời bảo đảm thực hiện nghiêm quy định về phòng, chống dịch Covid-19.

F0 trong cộng đồng tại TP.HCM tăng vọt

Theo số liệu cập nhật của Cổng thông tin Covid-19 TP.HCM, số lượng F0 được phát hiện ngoài cộng đồng tại TP.HCM tăng đột biến tại hầu hết quận, huyện.Trong ngày 17/8, quận Bình Thạnh ghi nhận số bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 nhiều nhất thành phố với 345 ca. Trong đó, 310 người phát hiện qua xét nghiệm tầm soát ở cộng đồng và sàng lọc tại bệnh viện, chiếm gần 90% tổng số ca nhiễm toàn quận.

Xếp thứ 2 là quận Tân Bình với 332 ca mắc Covid-19. Trong đó, 259 người được phát hiện qua xét nghiệm tầm soát ngoài cộng đồng và sàng lọc ở bệnh viện, chiếm 78% tổng số ca trong ngày.

Quận 3 ghi nhận 269 ca, trong đó gần 82% là người nhiễm được phát hiện ngoài cộng đồng (220 ca). Địa bàn ghi nhận tỷ lệ F0 ngoài cộng đồng cao nhất tại TP.HCM trong ngày 17/8 là huyện Hóc Môn. Huyện này có 197 ca mắc Covid-19 được công bố, trong đó 194 F0 ngoài cộng đồng, chiếm hơn 98%.

Quận Bình Tân cũng là điểm "nóng" nhất tại TP.HCM với tổng số ca mắc trong đợt bùng phát này là 13.492. Trong 24 giờ, toàn quận ghi nhận thêm 181 ca nhiễm, số lượng F0 ngoài cộng đồng chiếm hơn 96% (174 ca).

Gò Vấp ghi nhận 187 bệnh nhân Covid-19. Trong đó, số lượng F0 ngoài cộng đồng và qua tầm soát tại bệnh viện là 165 người, chiếm hơn 88%. Tỷ lệ F0 ngoài cộng đồng được phát hiện trong ngày của huyện Bình Chánh cao đến 96% (48/50 ca).

Bên cạnh đó, một địa phương có tổng số bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 thấp nhưng số lượng F0 ngoài cộng đồng khá cao. Điển hình quận Phú Nhuận có 28 ca Covid-19 được công bố, tất cả đều là F0 được ghi nhận qua tầm soát ngoài cộng đồng và sàng lọc ở bệnh viện.

Các quận, huyện còn lại bao gồm quận 11, quận 7, quận 6, quận 4..., cũng có tỷ lệ F0 trong cộng đồng rất cao.

Hà Nội: Bác thông tin 10 trẻ em ở Đội Cấn là F0

Ngày 17/8, trên mạng xã hội lan truyền thông tin thể hiện, ngõ 68 Đội Cấn (quận Ba Đình) bị phong tỏa do có một ca F0 nhưng người dân vẫn cho trẻ nhỏ ra sân chung vui chơi. Chính vì vậy, đã có hơn 10 cháu nhỏ từ 2 đến 10 tuổi thành F0. Kèm theo thông tin nêu trên là hình ảnh xe cứu thương đang đỗ ngoài đường cùng rất đông người mặc đồ bảo hộ y tế.

Trao đổi với báo chí tối 17/8, đại diện UBND quận Ba Đình khẳng định, nội dung nêu trên là không đúng sự thật.

Cụ thể, ngõ 68 phố Đội Cấn không có sân chơi, chỉ có sân sinh hoạt chung của các gia đình trong ngõ. Đồng thời, trong ngõ này có 3 cháu bé dưới 10 tuổi là F0, không phải hơn 10 cháu như thông tin đang lan truyền trên mạng xã hội.

Đại diện UBND quận Ba Đình khẳng định thêm, bên trong khu vực phong tỏa ngõ 68 phố Đội Cấn không hề có việc tụ tập đông người. Việc phong tỏa, cách ly được thực hiện nghiêm theo quy định.

Nữ hộ sinh Bình Dương mang thai hơn 20 tuần tử vong vì COVID-19

Ngày 17/8, bác sĩ Nguyễn Hồng Chương - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương - đã gửi thư chia buồn tới gia đình nữ hộ sinh Dương Nguyễn Thùy Trinh tử vong vì COVID-19.

Trong bức thư chia buồn, người đứng đầu ngành y tế tỉnh Bình Dương bày tỏ "gia đình và các đồng nghiệp vẫn sẽ mãi mãi tự hào về người chiến sĩ áo trắng, đã hy sinh trong sự nghiệp bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân".

"Chúng ta chỉ có một con đường là phải chiến đấu và phải chiến thắng, như vậy mới đem cuộc sống mạnh khỏe, bình an vốn có trước đây của chúng ta quay trở lại" - trích thư chia sẻ.

Nữ hộ sinh Thùy Trinh bị nhiễm COVID-19 diễn biến nặng nên được điều trị tại Cơ sở Phú Chánh của Bệnh viện Đa khoa tỉnh, nhưng đã qua đời vào tối 16-8.

Trước đó, do đang mang thai nên nữ hộ sinh này chưa tiêm vắc xin.

Vì sao Bộ Y tế bác đề xuất tiêm vaccine cho trẻ 12-18 tuổi của Bình Dương?

Ngày 17/8, Bộ Y tế có công văn trả lời Sở Y tế Bình Dương về việc xin tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 12-18 tuổi, theo đó Bộ chưa có điều chỉnh lứa tuổi tiêm vắc xin.

img

Triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 trên diện rộng cho người dân. Ảnh: TTXVN.

Bộ Y tế đã nhận được công văn ngày 5/8 của Sở Y tế tỉnh Bình Dương về việc xin chủ trương tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ từ 12-18 tuổi.

Sau khi xem xét, Bộ Y tế cho biết, việc lựa chọn đối tượng ưu tiên tiêm vắc xin phòng Covid-19 thực hiện theo quy định tại Nghị định số 21 ngày 26/2 của Chính phủ về việc mua và sử dụng vắc xin, Quyết định số 3355 ngày 8/7 của Bộ Y tế về việc ban hành Kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19 và Công điện số 1168 ngày 7/8 của Bộ Y tế về tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.

Theo đó, ưu tiên tiêm trước cho các địa bàn, khu vực đang có dịch và tiêm ngay cho lực lượng y tế tuyến đầu, người cao tuổi, các trường hợp có bệnh lý nền, các nhân viên đại sứ quán, lãnh sự quán các nước tại Việt Nam và lực lượng tuyến đầu về phát triển kinh tế (nhà đầu tư, doanh nghiệp, khu công nghiệp, nhóm cung cấp dịch vụ thiết yếu, nhóm đảm bảo lưu thông, cung cấp hàng hóa thiết yếu,...).

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định đối tượng được tiêm phù hợp với tình hình thực tiễn và yêu cầu phòng, chống dịch trên địa bàn.

“Với số lượng vắc xin hạn chế hiện nay, cần tập trung ưu tiên tiêm cho các đối tượng nêu trên. Trong trường hợp có điều chỉnh về lứa tuổi tiêm vắc xin phòng Covid-19, Bộ Y tế sẽ có hướng dẫn sau”, công văn nêu rõ.

Trước đó, Bình Dương cũng là một trong số các tỉnh có văn bản hỏa tốc gửi Bộ Y tế về việc xin tham gia chương trình tiêm thí điểm vắc xin Nanocovax giai đoạn 3, xin tiêm cho 200.000 công nhân, người lao động (chiếm khoảng 16% trong tổng số hơn 1,2 triệu người lao động tại các nhà máy, xí nghiệp trong tỉnh).

Lý do Bình Dương đưa ra là tình hình dịch tại tỉnh đang diễn biến phức tạp, trong khi lượng vắc xin phân bổ chưa nhiều. Tuy nhiên, Bộ Y tế cho biết, tạm thời chưa phê duyệt mở rộng địa bàn nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 đối với vắc xin Nanocovax.