Cư dân New York - thành phố đông đúc bậc nhất thế giới phòng cháy như thế nào?
Tại New York, nơi nổi tiếng với có mật độ dân số dày đặc bậc nhất thế giới, việc phải đi thuê, sống trong những căn nhà nhỏ, chật hẹp là thường thấy và nguy cơ cháy nổ cũng rất cao.
Nếu nhìn những tòa nhà New York xây lâu năm, dễ nhận ra đặc trưng là có cầu thang khẩn cấp bằng sắt bên ngoài, thậm chí trở thành biểu tượng của New York.
Trong trường hợp bình thường, không khẩn cấp, nhiều người còn sử dụng nơi đây để hút thuốc, ngắm cảnh… Tuy nhiên, theo thời gian, loại cầu thang thoát hiểm này đang dần trở thành lỗi thời và được thay bằng các loại thang thoát hiểm trong nhà hiện đại hơn.
Theo ông Jim Bullock - Cựu Phó Giám đốc Sở Cứu hỏa thành phố New York (Mỹ), ở thành phố này, chủ sở hữu các tòa nhà có từ ba phòng kinh doanh cho thuê trở lên cần phải cung cấp cho toàn bộ người dân hướng dẫn trường hợp khẩn cấp trong đó có chi tiết xây dựng tòa nhà, hệ thống phòng cháy và các chi tiết an toàn khác.
Họ cũng phải công bố cách thoát ra ngoài trong trường hợp khẩn nguy, dán thông báo này ở khu vực cửa ra vào và các khu vực chung.
Qua các bước này, cư dân có thể đánh giá liệu nơi ở của mình có phòng cháy chữa cháy tốt hay không và họ có thể làm gì trong trường hợp xảy ra hỏa hoạn.
Tất cả các tòa nhà đều phải có hai lối ra – một lối cửa trước và lối thay thế (như một lối thoát hiểm hoặc cầu thang ở bên trong). Cư dân cần phải làm quen, biết rõ các lối đi này.
Tất cả các tòa nhà có từ ba phòng trở lên cần phải lắp cửa tự đóng và phải được kiểm tra định kỳ bằng cách mở khoảng 1/3 cửa, sau đó thả tay ra xem cửa có tự đóng hay không.
Nếu cửa không đóng và chốt lại thì cần phải sửa hoặc thay mới.
Nếu là người thuê thì cần phải báo cho chủ nhà để giải quyết vấn đề ngay lập tức. Nếu họ không phản hồi, sửa chữa thì người thuê có thể gọi lên đường dây nóng 311 của thành phố để trình báo sự việc.
Ông Bullock lưu ý cửa ra vào, cửa hành lang luôn phải là cửa tự đóng và có bảng hiệu nhắc nhở người dân.
Đây là điểm mà ông Bullock nhấn mạnh vì cách đây hơn một năm, tại New York cũng đã xảy ra vụ cháy nghiêm trọng nhất trong 40 năm khiến 19 người thiệt mạng trong đó có 9 trẻ em. Một trong những nguyên nhân khiến số người thiệt mạng tăng cao trong thảm họa này chính là do cửa phòng cháy bị lỗi.
Bên cạnh đó, theo ông Bulllock, ở New York, chủ nhà cần phải lắp hệ thống phát hiện khói và khí CO. Tuy nhiên, người thuê có trách nhiệm bảo trì thiết bị, kiểm tra hàng tháng và thay pin hai lần/năm.
Lối thoát cần phải thông thoáng, không có vật cản trở, không được cất giữ xe đạp hoặc xe đẩy chắn hành lang. Đây cũng là việc cần phải kiểm tra định kỳ.
Với một số căn hộ lắp hàng rào sắt bao quanh ban công, cửa sổ để ngăn trộm thì cần phải lắp loại cửa an ninh đúng tiêu chuẩn của Sở cứu hỏa New York (FDNY). Loại cửa này có thể mở ra trong trường hợp khẩn mà không cần sử dụng chìa, vật dụng hay tác động đặc biệt nào.
Yêu cầu này cũng áp dụng với cửa sổ thoát hiểm thứ hai. Khi mua loại cửa này cần phải đảm bảo cửa có dán tem/nhãn tiêu chuẩn của FDNY.
New York cấm lắp các loại cửa chưa không đúng chuẩn.
Sau khi lắp đặt cần phải đảm bảo tất cả mọi người trong nhà có thể vận hành thiết bị đồng thời không được để vật cản như cây trồng, điều hòa, nội thất chắn lối thoát hiểm.