Xã hội

Dân đánh cược mạng sống, đu dây vượt suối mưu sinh

31/10/2021, 14:00

Muốn chiếc bè vượt dòng nước mà không bị trôi, người dân H’De tận dụng chiếc dây cáp quang của 1 đơn vị viễn thông bỏ lại làm neo hai bên bờ.

Cầu treo bị nước lũ cuốn trôi, hàng trăm người dân tại làng H’De, xã Đăk Tơ Ver, huyện Chư Păh (Gia Lai) hàng ngày phải đánh đu trên “miệng hà bá” để vượt suối đi làm rẫy. Bởi nếu muốn qua cầu, họ phải đi thêm 10km nữa.

img

Người dân làng H’De vượt suối Đăk Kroong đi rẫy sau lũ

Liều mình qua suối

Làng H’De (xã Đăk Tơ Ver, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) nằm khuất sâu trong dãy núi H’De, cách đường Quốc lộ 19D tầm chục km. Con đường ngoằn ngoèo dẫn tới ngôi làng Bana với hơn hơn 60 nóc nhà, chưa đầy 300 nhân khẩu.

Mặc dù là dân cư của xã Đăk Tơ Ver nhưng đa số đất đai, ruộng rẫy của họ đều nằm trọn ở xã Đăk Sơ Mei (huyện Đăk Đoa), bị ngăn cách bởi con suối Đăk Kroong.

Bến đò ngang qua suối Đăk Kroong nước cuồn cuộn chảy, đỏ lừ một màu. Để vượt sông, người dân nơi đây mua 4 chiếc thùng bằng nhựa kín, tạo mặt bằng rồi lắp thêm gỗ làm khung, cố định chằng chịt dây thép nhỏ.

Để làm chỗ ngồi cho nhiều người, họ gép thêm ít tấm ván gỗ làm mặt phẳng. Thế là một chiếc bè nổi chở tầm 10 người được hình thành.

Muốn chiếc bè vượt dòng nước mà không bị trôi, người dân tận dụng chiếc dây cáp quang của một đơn vị viễn thông bỏ lại làm neo hai bên bờ.

Rồi người dân cứ thế trèo lên bè nổi, cử một người khỏe mạnh cầm chiếc dây cáp kéo thật mạnh. Chiếc bè chạy bằng sức tay cứ thế lừ lừ trôi qua dòng nước...

Anh Danh (31 tuổi, làng H’De) gặp chúng tôi khi vừa kéo chiếc bè cập bến. “Quen rồi! Mình không sợ mà mấy người không biết bơi mới sợ thôi”, anh Danh cười.

Trong câu chuyện của mình, anh Danh cho biết, nhà anh có hơn 4ha đất trồng mì và lúa bên kia suối. Muốn vận chuyển mì thì đóng vào bao lớn rồi dùng xe vận chuyển xuống bên kia bến.

Tập kết bên kia xong lại cử người bơi sang để kéo bè. Kéo bè sang suối rồi tập kết lên bè, mỗi lần một ít như vậy, bốc lên bờ, rồi lại bốc lên xe chở đi bán.

img

Những đứa trẻ làng H’De theo cha mẹ vượt suối dữ lên rẫy

“Mỗi lần như vậy rất mất công sức và thời gian. Mà mỗi lần chở hàng, chở người vượt suối là lo lắng lắm. Nhỡ đang kéo bè thì đứt dây, hoặc lật bè thì lúa, mì coi như mất trắng luôn vì suối này sâu tầm 6 - 7m, nước lại rất xiết”, anh Danh nói và cho biết thêm: “Đang vào mùa vụ mì nên dẫu nước lũ lên cao cũng phải đi khai thác mang về bán thôi”.

Còn chị Huem (29 tuổi, làng H’De) cùng nhóm phụ nữ trong gia đình vừa đi rẫy về chỉ cõng theo một chiếc gùi tầm 20kg sắn ở sau lưng.

Trên nét mặt chị Huem vẫn còn căn thẳng sau khi vừa vượt suối thành công. Hỏi ra mới hay, chị Huem là một trong nhóm người vừa bị lật bè hôm nước lũ đầu tháng 10.

“Hôm đó mình cùng 5 chị em khác lên bè, kéo cáp vượt suối như mọi ngày khác. Khi ra đến giữa dòng nơi có dòng nước mạnh, do nôn nóng kéo cáp để bè đi đúng hướng thì sợi cáp bị đứt. Chiếc bè mất thế, cùng với nước lớn đã đẩy bè đi ra giữa dòng rồi lật hẳn. Toàn bộ người trên bè rơi xuống suối. May quá khi đó mới chỉ là buổi sáng, dân làng chờ qua suối ở trên bờ rất đông nên được mọi người nhảy xuống bơi kéo vào bờ. Hôm ấy chúng tôi uống no nước, tưởng đã bị nước cuốn đi rồi”, chị Huem kể lại.

Dang dở một cây cầu

img

Cây cầu của nhóm thiện nguyện hiện vẫn đang dở dang, hiện mới chỉ đào được hố móng rồi phải dừng lại

Theo UBND xã Đăk Tơ Ver, làng H’De có 61 hộ, 295 nhân khẩu. Đất đai canh tác phía bên kia suối Đăk Kroong thuộc xã Đăk Sơ Mei với hơn 100ha.

Đất đai, ruộng rẫy người dân chủ yếu trồng mì, bời lời, điều, lúa. Ngoài những lao động chính trong gia đình thì có cả cả trẻ nhỏ cùng theo cha mẹ đi cùng lên bè.

Ông Dung, Trưởng làng H’De cho hay: “Suối Đăk Kroong mùa nước lớn có lưu vực rộng khoảng 50m, nhiều đoạn có độ sâu hơn 6m. Trước kia dân làng có tập trung làm một cây cầu treo bắc qua nhưng trải qua thời gian cây cầu bị xuống cấp và sau đó đã bị cuốn trôi từ 2 năm trở lại đây. Chúng tôi cũng có ý định làm lại cầu treo nhưng 2 bên bờ suối đã không còn cây to để buộc dây văng chịu lực. Muốn làm phải đổ trụ bê tông kiên cố nhưng dân làng hầu hết đều là hộ nghèo nên không thể thực hiện được”.

Ông Cao Phi Văn, Chủ tịch UBND xã Đăk Tơ Ver cho biết, ngoài việc vượt suối, dân làng H’De có thể đi một con đường khác có cầu kiên cố qua suối, tuy nhiên quãng đường này dài tới 10km.

Trong khi đó, nếu vượt suối chỉ đi khoảng 1 - 2km nên người dân vẫn lựa chọn phương án gần hơn dù nguy hiểm.

“Chúng tôi đã tiến hành họp dân để cảnh báo dân làng không vượt suối khi nước lũ đổ về. Bên cạnh đó, khi qua suối cần mang theo một số vật nổi để phòng tránh tai nạn xảy ra. Về lâu dài, xã cũng kiến nghị lên huyện đề xuất các nguồn vốn để xây dựng cầu treo kiên cố vì đây là vấn đề bức thiết của dân làng”, ông Văn thông tin.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nay Kiên, Chủ tịch UBND huyện Chư Păh cho biết, rất chia sẻ với mong muốn có được một cây cầu của người dân.

“Thực tế là cũng có đường, có cầu sẵn để người dân lên rẫy, nhưng hơi xa. Vậy nên người dân bất chấp, vượt suối bằng bè”, ông Kiên nói và cho hay, năm 2019 một nhóm thiện nguyện ở TP.HCM đã đến đây khảo sát sau đó tiến hành thi công chiếc cầu trị giá khoảng 700 triệu đồng. Tuy nhiên, quá trình thi công nhóm từ thiện này không báo cáo với chính quyền huyện để hỗ trợ.

Một điều không may đã xảy ra khi thi công chiếc cầu này. Hai trong số ba người làng H’De bị vùi lấp tử vong khi đào hố móng làm cầu.

Vụ việc sau đó bị cơ quan chức năng khởi tố vụ án điều tra và đưa ra xét xử. Và cũng từ đó, việc thi công cầu cũng dừng lại cho đến nay.

“Huyện giờ cũng rất khó xử lý vì quy định của pháp luật hiện không cho phép”, ông Kiên nói về lý do đến nay cây cầu vẫn đang dang dở.