Chuyện dọc đường

Để “treo ấn từ quan” là việc bình thường

02/12/2022, 06:31

Lâu nay, việc từ chức đối với cán bộ là việc rất khó khăn, nhiều người uy tín giảm sút, có khuyết điểm, vi phạm nhưng nhất quyết không từ chức.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Nghị quyết 28, Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới.

Mục tiêu của nghị quyết tạo chuyển biến mạnh mẽ, thực chất trong đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị, bảo đảm hiệu quả, thiết thực, sát thực tiễn, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo toàn diện của Đảng trong giai đoạn mới.

img

Việc từ chức đối với rất nhiều người trong xã hội hiện nay vẫn còn là điều gì đó rất nặng nề.

Về công tác cán bộ, Nghị quyết yêu cầu thể chế chủ trương của Đảng về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Đồng thời, khuyến khích cán bộ từ chức khi có khuyết điểm; kịp thời thay thế cán bộ bị kỷ luật, cán bộ năng lực hạn chế, uy tín giảm sút mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm; kiên trì thực hiện “có vào, có ra, có lên, có xuống” trong công tác cán bộ.

Có thể nói, đây là nội dung rất quan trọng, được các đảng viên và đông đảo các tầng lớp nhân dân trong xã hội quan tâm.

Bởi lẽ, lâu nay, việc từ chức đối với cán bộ là một việc rất khó khăn, nhiều người uy tín giảm sút, có khuyết điểm, vi phạm nhưng nhất quyết không từ chức, phải đợi đến khi tổ chức gọi tên.

Vừa qua, 3 Ủy viên Trung ương được chấp thuận cho thôi tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng do có khuyết điểm và đã được cơ quan kiểm tra của Đảng công bố công khai.

Một số cán bộ khác cũng tự nguyện từ chức, đã cho thấy sự tự giác, gương mẫu của một số đảng viên. Việc này được dư luận đánh giá cao, khi những cán bộ này đã dũng cảm rời ghế khi nhận thấy được trách nhiệm của mình.

Thực tế, có những cán bộ sau khi từ chức đã được bố trí công việc khác, phù hợp với năng lực và nguyện vọng. Điều đó cho thấy, từ chức cũng chưa phải là “đã hết”.

Với chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật theo Thông báo số 20 của Bộ Chính trị ngày 8/9/2022, hy vọng sẽ mở ra một làn gió mới về công tác cán bộ, trong đó có văn hóa từ chức.

Thật ra, những quy định của Đảng gần đây một mặt thể hiện chủ trương nhất quán “sẵn sàng đưa ra khỏi hàng ngũ những người không còn xứng đáng”, song cũng rất nhân văn.

Bởi một khi tự nguyện từ chức khi không đáp ứng được công việc được giao, có vấp váp trong quá trình công tác gây ảnh hưởng đến uy tín bản thân, cán bộ từ chức sẽ có cơ hội rút lui một cách tự nguyện.

Bởi có cố tình ở lại, chắc chắn bản thân họ cũng không thể thuận lợi trong việc lãnh đạo, điều hành. Và khi tự nguyện, có lẽ lương tâm họ cũng sẽ thanh thản hơn.

Tuy nhiên, để nội dung Nghị quyết thực sự đi vào cuộc sống, ngày càng có thêm nhiều cán bộ tự nguyện từ chức khi cảm thấy bản thân không còn phù hợp, không còn đủ uy tín, sức khỏe, trở thành một nếp văn hóa, vẫn rất cần phải đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục.

Tuyên truyền, giáo dục ở đây không chỉ hướng tới cán bộ, đảng viên, mà còn hướng tới cả xã hội, các tầng lớp nhân dân, để thấy rằng việc từ chức là một việc hết sức bình thường.

Vì dù sao, việc từ chức đối với rất nhiều người trong xã hội hiện nay vẫn còn là điều gì đó rất nặng nề. Bản thân người từ chức đã đành, nhưng dư luận, dòng họ, bạn bè của họ đôi khi lại không xem là việc bình thường.

TS. Phạm Quang Long
Phó chủ tịch Hiệp hội Khoa học Hành chính Việt Nam