Doanh nghiệp bất động sản quá sức chịu đựng, không trả nổi khoản vay đành bán dự án
Nhiều doanh nghiệp bất động sản đã quá sức chịu đựng, không còn khả năng chi trả các khoản vay, đành chuyển nhượng, bán dự án lo "thoát hiểm" trước mắt.
Không bán, dự án bất động sản có thể bị thanh lý bắt buộc
Đơn cử như Công ty Cổ phần đầu tư LDG. Đơn vị này thông qua chủ trương hợp tác, chuyển nhượng dự án, cổ phần để thanh toán nợ trái phiếu, nợ ngân hàng...
Hai dự án với quy mô ngàn tỉ đồng được LDG đưa ra gồm khu du lịch biển Bãi Bụt - Sơn Trà và khu chung cư lô C1 tại phường Bình An, TP Dĩ An, Bình Dương.
Trước đó, LDG đã có báo cáo tình hình thanh toán gốc, lãi trái phiếu nửa đầu năm 2023 (từ ngày 1/1 đến ngày 30/6/2023).
LDG cho biết, đối với lãi 5 kỳ của trái phiếu mã LDGH2123002, công ty chưa thực hiện thanh toán theo cam kết khi phát hành trái phiếu.
Trong đó, ngày 10/2 phải thanh toán 5,57 tỷ đồng lãi trái phiếu; ngày 10/3 phải thanh toán 3,37 tỷ đồng lãi trái phiếu; ngày 10/4 phải thanh toán 1,9 tỷ đồng lãi trái phiếu; ngày 10/5 phải thanh toán 1,84 tỷ đồng lãi trái phiếu; và ngày 10/6 phải thanh toán 1,9 tỷ đồng lãi trái phiếu.
Lý giải việc không thanh toán lãi trái phiếu đến hạn, LDG cho biết công ty đang sắp xếp nguồn và đang thông báo kế hoạch trả nợ.
Mới đây, Công ty Du lịch Cá Tầm, chủ đầu tư dự án Cam Ranh Bay Cottages, tại lô D4a Khu du lịch Bắc Bán đảo Cam Ranh (hơn 15 ha) cũng đã hoàn tất việc bán 100% vốn công ty cho một doanh nghiệp bất động sản khác.
Bên cạnh mua bán, chuyển nhượng dự án giữa doanh nghiệp nội, thị trường cũng chứng kiến sự góp mặt của những doanh nghiệp ngoại.
Một trong những thương vụ đáng chú ý trên thị trường bất động sản là việc Keppel Land (công ty đa quốc gia của Singapore) thông báo chi 1.000 tỷ đồng mua 65% cổ phần của doanh nghiệp sở hữu một trung tâm thương mại tại Hà Nội, thông qua công ty con VN Prime Vietnam (VNPV).
35% vốn còn lại sẽ do chủ đầu tư dự án Công ty Cổ phần thương mại và Đầu tư phát triển Bình Minh nắm giữ.
Trong một chia sẻ mới đây, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho rằng, việc mua bán, sáp nhập các dự án bất động sản diễn ra trên thị trường là việc bình thường.
Có những dự án không đổi tên nhưng đổi chủ. Việc mua bán sáp nhập là việc tốt trên thị trường địa ốc khi quyền lợi của nhà đầu tư được đảm bảo, bởi các dự án sau khi đổi chủ được tiếp tục triển khai.
Dưới góc độ doanh nghiệp, việc tái cơ cấu dòng tiền là điều hết sức quan trọng giúp họ vượt qua khủng hoảng.
Việc hợp tác cùng các đối tác hay mua bán, đầu tư dự án cũng là một trong những phương án tái cơ cấu doanh nghiệp.
Doanh nghiệp cần tư duy để tồn tại rồi mới phái triển.
Trước đó, Keppel cũng là nhân vật chính trong thương vụ chi khoảng 3.180 tỷ đồng để mua cổ phần tại 2 dự án Emeria (6 hecta) và Clarita (5,8 hecta) ở thành phố Thủ Đức của Khang Điền.
Với khoản đầu tư này, nhóm Keppel sẽ sở hữu 49% cổ phần trong 2 dự án, Khang Điền nắm 51% còn lại.
Tại đại hội cổ đông thường niên vừa qua, bà Nguyễn Thị Như Loan, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai chia sẻ, nhiều doanh nghiệp khác trong ngành như đi vào ngõ cụt.
Vướng mắc tại các dự án không biết đến khi nào mới được tháo gỡ xong, trong khi hàng bán không được, dịch vụ khai thác không hiệu quả.
Đó là lý do doanh nghiệp tính bán bớt dự án để trả nợ nếu không muốn các khoản nợ cũ được đảm bảo bằng các dự án bất động sản có giá trị chuyển sang nhóm nợ xấu và bị ngân hàng thanh lý bắt buộc.
Doanh nghiệp bất động sản thay đổi tư duy để tồn tại, phát triển
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Phát triển bất động sản Phát Đạt cho hay, doanh nghiệp phải bán bớt tài sản cá nhân lẫn các công ty con đang phát triển dự án để đảm bảo dòng tiền hoạt động.
Nhìn nhận trước những diễn biến trên, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) Nguyễn Văn Đính cho rằng, nhiều doanh nghiệp bất động sản đến giới hạn chịu đựng.
Phần lớn trong đó đối diện với thực trạng thanh khoản sụt giảm, nhân sự sứt mẻ, áp lực nợ tăng và năng lực trả nợ suy yếu.
Để thoát hiểm kịp thời, nhiều doanh nghiệp lựa chọn phương án "sang tay" dự án hoặc tìm đối tác hợp tác phát triển dự án để cơ cấu dòng tiền.
Giai đoạn này thị trường cũng bắt đầu đạt trạng thái lý tưởng khi các doanh nghiệp có tiềm lực cho thấy dấu hiệu tìm mua dự án.
Cũng theo đại diện VARS, nhiều doanh nghiệp nội mong muốn cơ cấu lại dự án để nhanh chóng thoát ra cuộc khủng hoảng hiện nay, dù những thương vụ họ thực hiện trong thời gian qua đa phần là lỗ hoặc không đạt được giá trị kỳ vọng.
Bà Nguyễn Thị Vân Khanh, chuyên gia của JLL Việt Nam nhìn nhận, doanh nghiệp nội ngày càng nắm lợi thế lớn hơn về quỹ đất, sự thấu hiểu thị trường... khiến các doanh nghiệp quốc tế thay đổi chiến lược trong thương vụ M&A, từ mua đứt, bán đoạn sang hợp tác phát triển, từ đó tạo ra sức mạnh cộng hưởng.