Đồng Nai tìm phương án giảm chi phí logistics và kết nối hạ tầng giao thông tối ưu
Bí thư tỉnh ủy Đồng Nai cho rằng chi phí logistics của Đồng Nai còn cao do hệ thống hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, mức độ kết nối giao thông chưa tốt, việc triển khai các dự án giao thông lớn còn gặp nhiều vướng mắc.
Ngày 23/11, UBND tỉnh Đồng Nai tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư lĩnh vực thương mại dịch vụ, logistics và khai thác lợi thế khu vực quanh sân bay Long Thành.
Tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Hoàng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, Đồng Nai nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và là một trong sáu địa phương dẫn đầu cả nước về phát triển kinh tế.
Ngành thương mại dịch vụ logistics, vận chuyển, khách sạn, nhà hàng của tỉnh có phát triển nhưng chưa xứng với tiềm năng; Chưa có các dịch vụ cao cấp, hiện đại phục vụ các đoàn khách trong nước và quốc tế, thiếu các trung tâm tổ chức hội nghị, sự kiện tầm vóc để phục vụ cho các hội nghị lớn.
Theo bà Hoàng, Đồng Nai nằm ở vị trí đắc địa, có cảng cạn, kho bãi đáp ứng nhu cầu vận tải, lưu trữ kho bãi của doanh nghiệp nên Đồng Nai có nhiều ưu điểm để phát triển mạnh về logistics.
Bên cạnh đó, địa phương có hệ thống giao thông đa dạng gồm: QL1, QL51, QL20, đường sắt Bắc - Nam, đường thủy… và sau khi sân bay Long Thành đi vào hoạt động sẽ tạo cú hích lớn với các lĩnh vực như công nghiệp, logistics...
Như vậy không lâu nữa, Đồng Nai sẽ trở thành cửa ngõ trung chuyển của cả miền Nam và kỳ vọng trở thành trung tâm logistics cho khu vực và quốc tế.
“Chúng tôi xác định phát triển hệ thống logistics để đẩy mạnh sản xuất, chuyển đổi cơ cấu dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Đồng thời, đẩy mạnh lưu thông phân phối hàng hóa trong nội tỉnh, liên kết vùng, kết nối lưu thông... Để đạt được mục tiêu trên, Đồng Nai đã và đang triển khai hàng loạt các công trình phục vụ cho ngành thương mại dịch vụ logistics", bà Hoàng nhấn mạnh.
Hơn nữa, Đồng Nai sẽ có hai sân bay, gồm sân bay quốc tế Long Thành đang xây dựng và sân bay lưỡng dụng Biên Hòa đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch. Ngoài ra còn có cảng biển, cảng cạn ICD và bốn trung tâm logistics, các tuyến đường sắt, cao tốc, bến xe… Đây đều là những lợi thế để Đồng Nai phát triển đồng bộ các lĩnh vực trong tương lai.
Đại diện Sở Kế hoạch - Đầu tư cho biết, Đồng Nai có hệ thống giao thông thuận tiện bao gồm 24 đường tỉnh, 233 tuyến đường huyện, quốc lộ 1A, 1K, 20, 51, 56, đường sắt Bắc - Nam, hệ thống đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, Bến Lức - Long Thành, cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết (thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam).
Như vậy sẽ giúp rút ngắn thời gian lưu thông từ các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam về Đồng Nai tỏa đi các cảng và địa phương khác.
“Ngoài sân bay Long Thành và hệ thống cao tốc, Đồng Nai còn có hệ thống cảng biển, cảng sông cùng các dịch vụ logistics đang đồng bộ như cảng Đồng Nai, cảng Gò Gầu, cảng Phước An... Với những ưu thế này, Đồng Nai có điều kiện kết nối tốt hơn với các trục hành lang kinh tế trong khu vực Đông Nam Á và quốc tế”, đại diện Sở Kế hoạch - Đầu tư nhấn mạnh.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai cho biết tỉnh mong muốn sớm chào đón làn sóng các nhà đầu tư, doanh nghiệp nhất là các tập đoàn, công ty lớn trong lĩnh vực thương mại dịch vụ tham gia đầu tư vào Đồng Nai.
“Thực tế chi phí vận tải và logistics của Đồng Nai vẫn cao do hệ thống hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, hoàn thiện, mức độ kết nối giao thông chưa tốt. Thời gian qua, việc triển khai các dự án giao thông lớn, trọng điểm gặp nhiều vướng mắc và thường xuyên chậm trễ. Tôi đề nghị các ngành và địa phương tập trung các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong triển khai các dự án công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh. Quan tâm đến công tác giải phóng mặt bằng, xây dựng phương án kết nối giao thông, kết nối các loại giao thông đường bộ, thủy, hàng không”, ông Lĩnh nói.
Tại hội nghị, UBND tỉnh Đồng Nai cũng đã trao giấy chứng nhận đầu tư dự án Trung tâm logistics BW Tân Hiệp và mời gọi đầu tư hàng chục dự án lớn tỉnh đang triển khai.