Dự án nâng tĩnh không các cầu ở ĐBSCL gặp khó vì vướng mặt bằng
Dù đã khởi công mấy tháng, nhưng việc triển khai thi công nâng tĩnh không các cầu ở ĐBSCL gặp khó vì vướng mặt bằng.
Ngày 23/3, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang cùng đoàn công tác đã có buổi kiểm tra tình hình triển khai dự án "Nâng cao tĩnh không các cầu đường bộ cắt qua tuyến đường thủy nội địa quốc gia giai đoạn 1 (khu vực phía Nam).
Các địa phương đều chậm bàn giao mặt bằng
Dự án nâng cao tĩnh không các cầu đường bộ cắt qua tuyến đường thủy nội địa quốc gia giai đoạn 1 ở khu vực phía Nam gồm xây dựng mới 9 cầu, nâng cấp một cầu và tháo dỡ một cầu, tổng mức đầu tư 2.155 tỷ đồng.
Ban Quản lý các dự án Đường thủy (chủ đầu tư) cho biết, dự án sẽ thực hiện nâng cao tĩnh không các cầu đường bộ đi qua nhiều tỉnh thành. Cụ thể tại thị xã Kiến Tường (Long An); TP Sa Đéc - TP Hồng Ngự và huyện Tân Hồng (Đồng Tháp); Huyện Mỏ Cày Nam (Bến Tre); Quận Ô Môn và huyện Thới Lai (TP Cần Thơ); Huyện Giồng Riềng (Kiên Giang).
Dự án chia làm hai gói thầu xây lắp. Trong đó, gói thầu CĐT-XL01 xây dựng cầu Mộc Hóa, Sa Đéc, Hồng Ngự, Mỏ Cày; Cải tạo cầu Giồng Găng; Tháo dỡ cầu Măng Thít.
Gói thầu CĐT-XL02, xây dựng cầu Đông Thuận, Đông Bình, Ô Môn, Thới Lai, Vàm Xáng - Thị Đội.
Riêng phần GPMB được bàn giao trực tiếp cho địa phương có các hạng mục bị ảnh hưởng bởi dự án.
Theo chủ đầu tư, khó khăn nhất hiện nay là các cầu đều đang vướng mặt bằng. Nhà thầu chưa triển khai thi công được nhiều dù đã khởi công mấy tháng. Các tỉnh: Long An, Kiên Giang, Bến Tre và quận Ô Môn, TP Cần Thơ, đã hoàn thành và chuẩn bị phê duyệt phương án bồi thường, dự kiến chi trả trong tháng 4/2024.
Tuy nhiên, do phải chờ chấp thuận việc điều chỉnh nguồn vốn GPMB từ năm 2023 sang năm 2024 của dự án nên việc phê duyệt và chi trả sẽ chỉ được thực hiện sau khi có nghị quyết thu hồi đất bổ sung.
Trong khi đó, các cầu trên địa bàn huyện Thới Lai, TP Cần Thơ do Nghị quyết về kế hoạch sử dụng đất cho dự án được phê duyệt vào cuối năm 2023 nên công tác đo đạc kiểm đếm và lập phương án bồi thường bị chậm tiến độ so với kế hoạch.
Tại tỉnh Đồng Tháp đến nay vẫn chưa hoàn thành việc thực hiện đo đạc, kiểm đếm hiện trường (cầu Giồng Găng, Sa Đéc) và lập phương án bồi thường.
Nhà thầu phải có kế hoạch thi công cụ thể
Tại buổi kiểm tra hiện trường, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang đã yêu cầu Ban Quản lý các dự án Đường thủy, các đơn vị chuyên môn của Bộ GTVT phải tích cực làm việc với các địa phương đẩy nhanh công tác GPMB.
Kiểm tra trực tiếp tại khu vực thi công cầu Mỏ Cày, thuộc huyện Mỏ Cày, Thứ trưởng yêu cầu nhà thầu Đạt Phương báo cáo rõ tiến độ đăng ký trong năm 2024, từ đó lên kế hoạch thi công cụ thể, chi tiết.
Theo thông tin của nhà thầu, hạng mục thi công cầu và đường dẫn cần đến 50.000 khối cát. Tuy vậy, thực trạng khó khăn chung là nguồn cát đang thiếu, vì vậy việc thi công trong dài hạn sẽ bị ảnh hưởng.
"Nhà thầu phải báo cáo rõ phương án lấy cát từ đâu? Các bên đã làm việc với địa phương hay chưa? Phương án thi công khi thiếu cát thế nào? Chủ đầu tư phải bám sát nhà thầu, các kế hoạch để đảm bảo kế hoạch thi công", Thứ trưởng yêu cầu.
Đối với việc tháo dỡ cầu Măng Thít, lãnh đạo Bộ GTVT yêu cầu Ban Quản lý các dự án Đường thủy, phối hợp với các bên liên quan lên phương án xử lý các tài sản còn lại khi tháo dỡ cầu cũ.
Trong đó các hạng mục của cầu như dầm thép, do Khu Quản lý Đường bộ IV (Cục Đường bộ VN) quản lý, cần xem xét bàn giao lại cho địa phương để tránh lãng phí, đồng thời sớm đẩy nhanh tiến độ việc tháo dỡ, bảo đảm an toàn cho các phương tiện thủy - bộ khi lưu thông.
Dự án nâng tĩnh không 10 cầu và tháo dỡ cầu Măng Thít cũ sẽ cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, đảm bảo khai thác đồng bộ về vận tải đường thủy trên toàn tuyến. Khi tĩnh không các cầu được nâng lên, sẽ đảm bảo cho các tàu chở container xếp từ 3-4 lớp lưu thông thuận lợi.
Cùng với việc dự án kênh Chợ Gạo giai đoạn 2 đã được nâng cấp hoàn thiện, sẽ tạo nên một hành lang logistics thuận lợi giữa các tỉnh ĐBSCL với TP.HCM.