Dừng dự án nạo vét luồng, lộ mặt “cát tặc”
Bên cạnh việc lén lút khai thác cát vào ban đêm còn xảy ra tình trạng mượn danh của mỏ cát để khai thác.
Thanh tra đường thủy kiểm tra, giám sát việc tuân thủ phương án đảm bảo ATGT đường thủy tại một mỏ khai thác cát trên sông Lục Nam |
Dù tất cả các dự án nạo vét luồng trên đường thủy đều dừng hoạt động để tránh tình trạng bị “cát tặc” lợi dụng, tuy nhiên gần đây, hoạt động khai thác cát trái phép vẫn diễn ra phổ biến trên các tuyến đường thủy quốc gia, gây mất trật tự ATGT đường thủy.
Đường thủy chưa yên với “cát tặc”
Theo Cục Đường thủy nội địa VN, từ năm 2017 đến nay, tất cả các dự án xã hội nạo vét, bảo đảm giao thông luồng đường thủy quốc gia đều đã ngừng hoạt động. Tới đây, chỉ dự án đáp ứng yêu cầu quy định của nghị định về quản lý hoạt động nạo vét, duy tu luồng đường thủy (dự thảo đang trình Chính phủ xem xét -PV) mới được triển khai.
Trực tiếp khảo sát tại sông Hồng đoạn qua huyện Phúc Thọ, Thanh Trì (Hà Nội), sông Lô (đoạn qua TP Việt Trì), ngã ba sông Hồng (giáp Hà Nam - Thái Bình)... trước đây có các dự án nạo vét luồng, PV Báo Giao thông ghi nhận, hiện không còn phương tiện thi công nạo vét nữa. Ông Trần Văn Khiết, Đội trưởng Đội Thanh tra - an toàn (thuộc Chi cục Đường thủy nội địa (ĐTNĐ) phía Bắc) cho biết, sau khi các dự án dừng hoạt động, Cục ĐTNĐ Việt Nam yêu cầu nhà đầu tư di chuyển toàn bộ phương tiện, thiết bị thi công ra khỏi phạm vi dự án, nhằm ngăn chặn tình trạng lấy lý do chờ dự án hoạt động để khai thác cát, sỏi trái phép.
Dù vậy, theo ông Khiết, tình trạng khai thác cát trái phép trên luồng, hành lang luồng đường thủy quốc gia vẫn diễn ra trên một số tuyến sông, gây ảnh hưởng đến tình hình trật tự ATGT đường thủy. “Hoạt động khai thác cát trái phép tuy không tạo thành các “tụ điểm”, điểm nóng như cách đây 1 - 2 năm, nhưng vẫn diễn ra công khai. Các đối tượng thường khai thác vào ban đêm, đơn lẻ nên rất khó khăn, phức tạp trong việc phát hiện, kiểm tra và bắt giữ phương tiện vi phạm”, ông Khiết nói.
Dẫn chứng về tình hình khai thác cát trái phép chưa “nguội”, Đội Thanh tra - an toàn cho biết, lực lượng của đội thường xuyên phải đi kiểm tra, nắm tình hình ban đêm và phối hợp với lực lượng công an để bắt giữ phương tiện vi phạm. “Từ đầu tháng 1/2018, đội phối hợp cùng lực lượng CSGT đường thủy, cảnh sát môi trường bắt giữ 3 vụ khai thác cát trái phép trên sông Hồng, Đuống. Điển hình là rạng sáng 15/1, bắt giữ bốn tàu hút khu vực sông Hồng đoạn qua huyện Thường Tín, Hà Nội. Rạng sáng 13/1, cũng bắt giữ 5 tàu đang khai thác cát trái phép tại ngã ba sông Hồng - Đuống”, ông Khiết kể.
Tương tự, ông Trần Sỹ Nghĩa, Đội trưởng Đội Thanh tra - an toàn số 4 cho biết, tất cả các dự án xã hội hóa nạo vét luồng thuộc tuyến của đơn vị phụ trách đều đã đưa thiết bị, phương tiện ra khỏi dự án. Tuy nhiên, hiện vẫn còn hiện tượng khai thác cát trái phép, nhưng khó bắt giữ bởi phương tiện loại này “ngày nghỉ, đêm đi” để hút trộm cát. Hiện, lực lượng CSGT đường thủy một số địa phương như Nam Định, Hà Nam đang tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về khai thác cát trái phép.
Ngăn “cát tặc” núp bóng mỏ cát
Theo lãnh đạo các Đội Thanh tra - an toàn đường thủy, bên cạnh hiện tượng lén lút khai thác cát trái phép vào ban đêm còn xảy ra tình trạng mượn danh của mỏ cát để khai thác cát, khiến dư luận bức xúc. Điển hình, ngày 13 - 14/1 vừa qua, một số phương tiện khai thác cát trên sông Hồng đoạn qua xã Đại Tập (Khoái Châu, Hưng Yên) bị người dân ghi hình, đi phà ra ngăn thì bị thuyền máy của đối tượng khai thác cát đâm vào, một phụ nữ bị lôi lên thuyền hành hung.
Nhiều tàu hút cát “không số” nằm bờ Theo ghi nhận của PV Báo Giao thông, thời gian gần đây trên nhiều đoạn sông như sông Cầu, Đuống... xuất hiện nhiều tàu hút cát nằm bờ, nằm đậu đỗ ven sông và hầu hết không có đăng ký, đăng kiểm. Theo lực lượng thanh tra đường thủy, phần lớn các tàu này đi hút cát trái phép, khi lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý tình trạng hút cát trái phép, các phương tiện này không dám hoạt động. |
Người dân lập tức giữ hai tàu hút cát có gắn biển Sông Hồng 07 và Sông Hồng 08, đồng thời đề nghị cơ quan chức năng xử lý các đối tượng có hành vi hành hung người dân. Hiện cơ quan chức năng đang điều tra làm rõ, nhưng thông tin đáng chú ý mà các đối tượng liên quan khai nhận ban đầu là các tấm biển trên được “mua lại” từ công ty S.H. Đây cũng là đơn vị được cấp mỏ khai thác cát, song hiện đang trong thời gian ngừng thi công.
Vụ việc khác là cuối năm 2017 trên sông Lô, tại đoạn giáp huyện Phù Ninh (Phú Thọ) và Sông Lô (Vĩnh Phúc), một chiếc tàu hút cát tại mỏ cát của Công ty Thái An đã bị người dân một xã của huyện Phù Ninh kéo lên bờ, đốt cháy. Nguyên nhân bởi người dân cho rằng, mỏ cát chỉ được cấp phép phía lòng sông thuộc tỉnh Vĩnh Phúc nhưng phương tiện đã “lấn” sang phần sông của tỉnh Phú Thọ.
Trước thực trạng trên, Cục ĐTNĐ Việt Nam chỉ đạo các Chi cục Đường thủy trực thuộc tăng cường giám sát hoạt động của mỏ cát, ngăn chặn tình trạng lợi dụng mỏ cát để khai thác trên luồng, hành lang luồng, cũng như xử lý nghiêm các trường hợp khai thác mỏ tuân thủ quy định đảm bảo ATGT đường thủy.
Ông Nguyễn Công Minh, Chi cục trưởng Chi cục ĐTNĐ phía Bắc cho biết, ngày 19/1, đơn vị đã chỉ đạo lực lượng thanh tra lập biên bản vi phạm, xử phạt một mỏ cát trên sông Lục Nam (Bắc Giang) không thả phao báo hiệu giới hạn vùng nước, xác định phạm vi khai thác của mỏ; Đồng thời, yêu cầu các chủ mỏ cát trên tuyến sông này tuân thủ phương án đảm bảo ATGT đường thủy đã được phê duyệt, trường hợp không tuân thủ sẽ kiên quyết xử lý vi phạm, thậm chí kiến nghị địa phương yêu cầu dừng hoạt động mỏ cát.
“Mới đây, Chi cục cũng đã xử phạt 15 triệu đồng đối với mỏ cát tại Km125 bờ trái sông Hồng, Hà Nội, do đơn vị khai thác mỏ khai thác cát trên luồng đường thủy nhưng không có phương án đảm bảo giao thông được cơ quan quản lý đường thủy phê duyệt”, lãnh đạo Chi cục ĐTNĐ phía Bắc cho biết.