Giải ngân 100% vốn giao thông, làm nhanh trạm dừng nghỉ cao tốc
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng yêu cầu các đơn vị phải "xắn tay" hoàn thành các dự án sớm nhất có thể, đặt chất lượng lên hàng đầu.
Giải ngân đảm bảo thực chất
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị giao ban công tác quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II của Bộ GTVT chiều 1/4, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh, mục tiêu của Bộ GTVT năm nay là giải ngân 100% kế hoạch được giao.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị giao ban công tác quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024 của Bộ GTVT. Ảnh: Tạ Hải.
Đánh giá kết quả giải ngân vốn đầu tư công 3 tháng đầu năm của Bộ GTVT có những tín hiệu tích cực, Bộ trưởng cho biết, nếu tính cả số vốn đang đề xuất Chính phủ bổ sung, mục tiêu năm 2024 sẽ phải giải ngân khoảng 65.000 tỷ đồng. "Các đơn vị phải kịp thời tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh nhất tiến độ, đảm bảo giải ngân thực chất, có khối lượng, sản lượng, không tính tạm ứng", Bộ trưởng yêu cầu.
Đề cập đến việc triển khai các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam, Bộ trưởng yêu cầu các chủ đầu tư/ban quản lý dự án chủ động tháo gỡ khó khăn, nhất là mặt bằng, vật liệu, đáp ứng tiến độ theo yêu cầu.
Trong đó, đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt, Cam Lâm - Vĩnh Hảo phải đáp ứng tiến độ thông xe dịp 30/4 với hệ thống đường gom, đường dân sinh, hạ tầng phụ trợ đồng bộ nhất có thể trên đoạn tuyến đưa vào khai thác.
Riêng 19km còn lại của đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt, trên phạm vi nền đất yếu cần áp dụng giải pháp tốt nhất để tối ưu thời gian, sớm hoàn thành, thông xe toàn tuyến.
Làm nhanh quy trình chọn nhà đầu tư trạm dừng nghỉ
Thông tin về tình hình đầu tư hệ thống trạm dừng nghỉ, ông Lê Kim Thành, Cục trưởng Cục Đường cao tốc VN cho biết, tính đến ngày 20/3, đơn vị này cùng các chủ đầu tư/ban quản lý dự án mời thầu trên mạng đấu thầu quốc gia 8 trạm trên tuyến cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020. Dự kiến, đến ngày 20/5, việc mở thầu sẽ được thực hiện.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng chủ trì Hội nghị.
"Chúng tôi đã xây dựng kế hoạch rút ngắn thời gian từ lúc chấm thầu đến khi đàm phán với nhà đầu tư trong 28 ngày. Dự kiến, đến 15/6 sẽ ký hợp đồng với các nhà đầu tư", ông Thành nói.
Với các trạm dừng nghỉ còn lại, ông Thành cho biết, theo quy định, cần thiết phải xây dựng thông tư điều chỉnh Thông tư 01 của Bộ GTVT về hướng dẫn lập, phê duyệt và công bố danh mục dự án; phương pháp và tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất trong đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư để tối ưu thời gian.
Cục Đường cao tốc đã phối hợp với các đơn vị chuyên môn báo cáo lãnh đạo Bộ GTVT đề xuất Chính phủ lấy ý kiến của Bộ Tư pháp ban hành thông tư theo quy trình rút gọn.
Trong thời gian chờ thông tư sửa đổi, Cục Đường cao tốc đã xây dựng kế hoạch thực hiện song song các công việc: Lập trình duyệt kế hoạch đầu tư kinh doanh, thẩm định phê duyệt phương án đầu tư kinh doanh, đăng tải công bố để khi thông tư mới được ban hành, các bên liên quan có thể bắt tay ngay vào công việc tiếp theo.
Liên quan vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng yêu cầu Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông, Cục Đường cao tốc VN khẩn trương phối hợp với Bộ Tư pháp xây dựng thông tư hướng dẫn theo trình tự rút gọn để kịp thời triển khai, thời gian lựa chọn nhà đầu tư ngắn nhất có thể.
Ông cũng yêu cầu các ban quản lý dự án trên cơ sở các vị trí trạm dừng nghỉ đã được quy hoạch, nghiên cứu phương án làm một số điểm dừng nghỉ tạm.
"Theo thiết kế, có thể làm trước khu vực nhà vệ sinh. Riêng cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, dự kiến cuối năm 2024 đã có những dự án cơ bản hoàn thành. Các thủ tục, hồ sơ mời thầu cũng phải rốt ráo chuẩn bị, đảm bảo khi đi vào hoạt động phải có trạm dừng nghỉ", Bộ trưởng nói, đồng thời yêu cầu bên cạnh mạng lưới trạm dừng nghỉ, cần chú trọng xây dựng tổng thể hệ thống ITS, đảm bảo tính liên thông, đồng bộ.
Nghiên cứu giải pháp gỡ khó cho hàng không
Chỉ đạo công tác quản lý hoạt động trong lĩnh vực hàng không, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng yêu cầu cục chuyên ngành triển khai có hiệu quả các giải pháp nhằm giảm thiểu tình trạng chậm hủy chuyến, quản lý nghiêm việc điều phối sử dụng slot, tăng giá vé của các hãng hàng không.
Đặc biệt, Bộ trưởng yêu cầu Cục Hàng không VN tăng cường kiểm tra các hãng hàng không về giá vé máy bay, việc bảo đảm duy trì tàu bay do ảnh hưởng của việc triệu hồi, bảo dưỡng động cơ máy bay.
"Đây là trường hợp bất khả kháng, cơ quan chức năng, các hãng hàng không, ACV cũng rất cố gắng triển khai các giải pháp bù đắp thiếu hụt nguồn cung hiện nay. Cần nghiên cứu tăng tần suất hoạt động nhưng phải lưu ý vấn đề an toàn bay.
Về giá vé, thực tế, chi phí đầu vào đang rất cao nhưng giá vé còn chưa chạm trần. Đây là sự chia sẻ của các hãng hàng không. Song, để đảm bảo phát triển dài hạn, các hãng hàng không cần nghiên cứu, đề xuất Bộ GTVT trình cấp có thẩm quyền giải pháp tháo gỡ, kéo giảm chi phí mỗi chuyến bay để các hãng có điều kiện hỗ trợ, đảm bảo quyền lợi của người dân", Bộ trưởng chỉ đạo.
Một số dự án cao tốc Bắc - Nam rút ngắn thời gian từ 3 - 6 tháng
Ông Bùi Quang Thái, Vụ trưởng Vụ KH-ĐT cho biết, năm 2024, tổng số kế hoạch vốn Bộ GTVT được Thủ tướng Chính phủ giao 56.666 tỷ đồng. Ước đến hết tháng 3/2024, Bộ đã giải ngân 10.700 tỷ đồng, đạt hơn 19%, cao hơn mức trung bình chung cả nước và cao hơn cùng kỳ năm ngoái (khoảng 17%).
Hiện, hầu hết các dự án giao thông trọng điểm đều đẩy nhanh tiến độ, nhất là một số dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 đang phấn đấu rút ngắn thời gian từ 3 - 6 tháng, đồng nghĩa việc giải ngân vốn sẽ nhanh hơn. Đảm bảo nguồn lực triển khai, Vụ KH-ĐT đã tham mưu Bộ có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ đề nghị bổ sung thêm gần 10.000 tỷ đồng để các dự án trọng điểm tăng tốc.
4 dự án khởi công trong quý II/2024
Ông Lê Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng cho biết, theo kế hoạch, trong quý II/2024, các chủ đầu tư/ban quản lý dự án sẽ hoàn thiện các thủ tục đầu tư để khởi công 4 dự án gồm: Nâng cấp quốc lộ 2 đoạn Vĩnh Yên - Việt Trì, tỉnh Vĩnh Phúc; đường Hồ Chí Minh đoạn Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn; nâng cấp mở rộng quốc lộ 46 đoạn TP Vinh - Nam Đàn và dự án nâng cấp mặt đường tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi.