Hơn 78% nạn nhân chấn thương ngực kín do TNGT, xử trí cách nào?
Nhóm nghiên cứu đến từ Bệnh viện Việt Đức cho biết, trong số 123 bệnh nhân bị chấn thương ngực kín có hơn 78% là do tai nạn giao thông.
Tại Hội nghị An toàn giao thông năm 2023, nhóm nghiên cứu đến từ Bệnh viện Việt Đức đã công bố kết quả nghiên cứu thực trạng người bệnh chấn thương ngực kín trên người bệnh đa chấn thương do tai nạn giao thông nhập viện tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức năm 2022-2023.
Theo đó, hồi cứu 123 bệnh nhân đa chấn thương với chấn thương ngực kín được đưa vào khoa cấp cứu Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức trong khoảng thời gian từ tháng 3/2022 - 2/2023 cho thấy có 93 người là nam giới với độ tuổi trung bình 34,5 tuổi.
Tai nạn ô tô và tai nạn xe máy là những nguyên nhân phổ biến nhất (chiếm hơn 78%) gây ra chấn thương ngực kín. Trong số này, bị gãy xương sườn (86%), tràn máu màng phổi (73%) và dập phổi (34%) là những chấn thương ngực phổ biến nhất.
Nhóm nghiên cứu chia sẻ, các triệu chứng hô hấp có thể đánh giá trên lâm sàng được ghi nhận là: Khó thở (72%), huyết áp thấp do mất máu (48%), phổi xẹp không giãn nở bình thường (32%), lạo xạo khi sờ nắn lồng ngực (54%), bầm tím thành ngực 36%.
Hầu hết bệnh nhân (khoảng 66,5%) bị chấn thương ngực nghiêm trọng; 17,1% bị chấn thương ngực nặng và 15,5% bị chấn thương ngực vừa phải; và 92% bệnh nhân chấn thương ngực kín được điều trị bảo tồn.
Bên cạnh đó, đặt ống dẫn lưu màng phổi được chỉ định ở 64,5% bệnh nhân, chỉ định đặt đẫn lưu màng phổi cao hơn đáng kể trong nhóm chấn thương ngực nặng so với nhóm chấn thương ngực nghiêm trọng và vừa phải.
Ngoài ra, nhập viện nằm hồi sức tích cực có liên quan trực tiếp đến mức độ nghiêm trọng của chấn thương ngực, song mức độ này không tương quan với thời gian nằm ICU, số ngày đặt nội khí quản, số ngày thở máy, tỷ lệ tử vong.
Các chuyên gia cho rằng, việc xử trí bằng đặt ống thông ngực sớm khi cần thiết cùng với kiểm soát cơn đau và chăm sóc lý liệu pháp hô hấp đã cho kết quả tốt ở đa số bệnh nhân.