Xã hội

Hợp nhất lực lượng an ninh cơ sở có làm phình bộ máy?

16/02/2022, 06:30

Bộ Công an muốn hợp nhất công an xã bán chuyên trách, bảo vệ dân phố, dân phòng thành lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở.

Một số ý kiến ủng hộ việc này, song cũng có ý kiến bày tỏ lo ngại về việc phình bộ máy, tăng chi ngân sách.

img

Theo dự thảo Luật, lực lượng tham gia bảo đảm an ninh trật tự ở cơ sở gồm có công an xã bán chuyên trách, bảo vệ dân phố, dân phòng. Số lượng hưởng phụ cấp từ ngân sách Nhà nước khoảng 300.000 người (Ảnh minh họa)

Tạo “cánh tay nối dài” cho công an cấp xã

Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở đang được Chính phủ giao Bộ Công an nghiên cứu xây dựng để trình Quốc hội thời gian tới.

Theo dự thảo luật, lực lượng tham gia bảo đảm an ninh trật tự ở cơ sở gồm có công an xã bán chuyên trách (hiện có 89.045 công an xã bán chuyên trách đã hoàn thành nhiệm vụ theo Pháp lệnh công an xã năm 2008, đang tiếp tục được giữ lại để tham gia bảo vệ an ninh trật tự cơ sở); bảo vệ dân phố; dân phòng.

Số lượng dự kiến hưởng phụ cấp từ ngân sách Nhà nước khoảng 300.000 người (riêng dân phòng chỉ gồm đội trưởng và đội phó).

Dự thảo Luật quy định rõ lực lượng an ninh cơ sở sẽ tham gia hỗ trợ công an cấp xã trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở, với 6 nhóm nhiệm vụ được giao gồm: Thu thập, tổng hợp tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn; Tuyên truyền pháp luật về bảo đảm an ninh, trật tự; Tham gia xây dựng lực lượng dân phòng, thực hiện công tác phòng, chống thiên tai, phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; Hỗ trợ thực hiện công tác quản lý hành chính về trật tự xã hội; Tham gia vận động, giúp đỡ người vi phạm pháp luật đã bị xử lý trở về sinh sống tại cộng đồng; Tham gia bảo đảm trật tự, ATGT. 6 nhiệm vụ này không trùng lặp với nhiệm vụ của công an cấp xã và chính quyền cơ sở.

Về chế độ, chính sách, Bộ Công an khẳng định, sẽ bảo đảm cân đối trong tổng mức chi thực tế hiện nay của các địa phương đang thực hiện và không làm tăng chi ngân sách Nhà nước khi Luật này được ban hành.

Theo đó, dự thảo Luật quy định lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được hưởng: Hỗ trợ thường xuyên hàng tháng; hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế; được trang bị công cụ hỗ trợ, hồ sơ, sổ sách cần thiết để thực hiện nhiệm vụ; bảo đảm trang phục, huy hiệu, phù hiệu, biển hiệu, giấy chứng nhận để thực hiện nhiệm vụ.

Lực lượng này tiếp tục sử dụng địa điểm, nơi làm việc trước đây đã bố trí cho lực lượng bảo vệ dân phố, công an xã bán chuyên trách và sử dụng nhà sinh hoạt cộng đồng thôn để hoạt động.

“Hiện khoảng 50.000 công an chính quy đã được điều động về hơn 8.300 xã. Lực lượng được kiện toàn theo dự thảo Luật này sẽ là “cánh tay nối dài” cho công an chính quy cấp xã, qua đó an ninh trật tự ở cơ sở chắc chắn sẽ được đảm bảo”, Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh, Ban Nghiên cứu giúp việc Bộ trưởng Công an nhấn mạnh.

Tại hội thảo khoa học về dự thảo luật này vừa được tổ chức, Phó bí thư Tỉnh ủy Gia Lai Rah Lan Chung; Thiếu tướng Tráng A Tủa, Cục trưởng Cục Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và nhiều đại biểu tham luận tại hội thảo đồng tình xây dựng dự án Luật.

Ông Rah Lan Chung cho rằng, với chỉ tiêu mỗi xã 5 công an chính quy là chưa đủ nên cần củng cố, sử dụng có hiệu quả lực lượng an ninh cơ sở, nhất là địa bàn an ninh phức tạp, đông dân cư.

Lo phình bộ máy, tốn ngân sách

Tại hội thảo, TS. Nguyễn Trọng Hòa, Phó Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức (Ban Tổ chức Trung ương) băn khoăn, hình thức tự quản ở cơ sở đang phát triển và chuyển biến tốt.

Ngoài ra, kết luận của Trung ương là mỗi thôn, tổ dân phố và tương đương có một số chức danh không quá ba người được hưởng phụ cấp hàng tháng từ ngân sách Nhà nước, tăng cường quyền làm chủ của nhân dân gắn với đẩy mạnh thực hiện các hình thức tự quản.

“Mọi nguồn lực đều hữu hạn, do vậy các cơ quan cần đánh giá thật kỹ các tác động của chính sách đề xuất, đặc biệt là nhóm thụ hưởng”, ông Hòa nhìn nhận.

Về nội dung này, ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội băn khoăn, hiện chúng ta đang duy trì tốt lực lượng an ninh trật tự ở cơ sở thông qua Luật quốc phòng, dân quân tự vệ, công an, phòng cháy chữa cháy... vậy có cần thêm lực lượng khác?

Ông Nhưỡng cho rằng, dù Bộ Công an khẳng định sẽ bảo đảm không làm tăng chi ngân sách Nhà nước khi Luật được ban hành, nhưng khi chuyển sang lực lượng chuyên trách đương nhiên sẽ cần trả lương, thưởng, phụ cấp, bảo hiểm xã hội, mua sắm trang phục, trang thiết bị… cho lực lượng dự kiến khoảng 300.000 người.

Cũng lo ngại vấn đề ngân sách và “phình” biên chế trong giai đoạn cần tinh giản, rút gọn bộ máy hiện nay, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phạm Văn Hòa đề nghị phải có sự cân nhắc kỹ lưỡng.

Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở được Chính phủ trình Quốc hội lần đầu tại kỳ họp 10, Quốc hội khóa XIV (tháng 10/2020).

Tại kỳ họp này, khi Tổng thư ký Quốc hội xin ý kiến đại biểu Quốc hội, 290/393 đại biểu cho rằng, “chưa cần thiết” ban hành Luật (chiếm 60,29% tổng số đại biểu Quốc hội). Chỉ có 96/393 đại biểu cho rằng, cần thiết ban hành Luật này (chiếm 19,96%).

Về việc có giao cho Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện Luật này để ban hành hay không, có 206/393 đại biểu không đồng ý (chiếm 42,83% tổng số đại biểu Quốc hội); 169/393 đại biểu đồng ý (chiếm 35,14% tổng số đại biểu Quốc hội).

Sau đó Thường vụ Quốc hội chuyển về dự thảo Luật Chính phủ để cơ quan soạn thảo tiếp tục tiếp thu, nghiên cứu, hoàn chỉnh.