Mất 250 tỷ đồng mỗi ngày do TNGT liên quan đến rượu bia
TNGT liên quan đến rượu bia tại Việt Nam gây thiệt hại nặng nề đến kinh tế, mỗi ngày mất 250 tỷ đồng.
Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, ngoài các tổn thất về người, TNGT có liên quan đến rượu bia tại Việt Nam cũng gây thiệt hại nặng nề đến kinh tế khi mỗi ngày "bay hơi" 250 tỷ đồng |
Tai nạn giao thông gây thiệt hại 2,9% GDP/năm
Sáng nay (21/7), Ủy ban ATGT Quốc gia tổ chức họp báo công bố kế hoạch tuyên truyền, vận động và xử lý vi phạm quy định về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ năm 2016.
Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, tại Quyết định 530 ngày 4/12/2015 của Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia, lần đầu tiên Ủy ban ATGT Quốc gia có kế hoạch triển khai thực hiện chuyên đề về một nhóm vi phạm pháp luật giao thông - đó là nồng độ cồn, huy động các bộ, ban ngành, đoàn thể cùng vào cuộc. Theo ông Hùng, hiện nay tỷ lệ sử dụng rượu, bia ở Việt Nam ngày càng tăng và đang ở mức báo động. Có tới 70% số vụ tai nạn giao thông có nguyên nhân do lái xe sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông.
“Các nghiên cứu gần đây cho thấy, uống rượu bia trước khi tham gia giao thông, người điều khiển phương tiện dễ bị hưng phấn, chạy xe với tốc độ cao. Rượu bia là nguyên nhân trực tiếp làm giảm tốc độ phản ứng của lái xe từ 10-30%, làm giảm khả năng điều khiển tự chủ, phản xạ… dẫn đến gia tăng mức độ rủi ro và tai nạn giao thông,” ông Hùng nhấn mạnh.
Tại buổi họp báo, Ban Chỉ đạo xử lý vi phạm về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ do ông Khuất Việt Hùng trực tiếp làm Trưởng ban cũng lần đầu ra mắt |
Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Ủy ban ATGT Quốc gia, khảo sát 18.000 nạn nhân tai nạn giao thông tại các bệnh viện ở phía Bắc, tai nạn giao thông có liên quan đến rượu bia chiếm 36,9% (nam giới chiếm 36,2% và nữ giới là 0,7%). Còn tại Bến Tre, sáu tháng đầu năm nay, theo cơ quan y tế của tỉnh báo cáo, trong số 326 trường hợp bị tai nạn giao thông vào viện. Đáng chú ý là trong số 195 trường hợp đồng ý để lấy máu kiểm tra, 100% các trường hợp đều bị vi phạm nồng độ cồn.
Bên cạnh thiệt hại về người, thân nhân nạn nhân tai nạn giao thông phải gánh chịu những hậu quả to lớn về tinh thần, vật chất, ông Hùng cũng dẫn ra con số thiệt hại khủng khiếp về kinh tế, khi thế giới mất đi 1.500 tỷ USD/năm. Con số này tại Việt Nam là 250 tỷ đồng/ngày và mỗi năm tai nạn giao thông gây thiệt hại 2,9% GDP/năm.
Đẩy mạnh tuyên truyền, xử lý vi phạm nồng độ cồn
Tại Nghị định 46, hành vi vi phạm uống rượu bia khi tham gia giao thông bị xử phạt hành chính lên tới 18 triệu. Đặc biệt, trong Luật Hình sự quy định, mức độ vi phạm có nguy cơ làm chết người, tổn thương sức khỏe người khác thì đưa ra chế tài xử lý hình sự.
Tại buổi họp báo, đại diện các bộ, ban, ngành, đoàn thể, Hiệp hội bia rượu nước giải khát Việt Nam… đều bày tỏ quan điểm, lạm dụng rượu, bia là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tai nạn giao thông tại Việt Nam. Do vậy, các đơn vị này cam kết tích cực phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền, vận động chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện.
Được biết, kế hoạch tuyên truyền, vận động và xử lý vi phạm quy định về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ năm 2016 bao gồm 6 nội dung chính: hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; tăng cường năng lực thực thi pháp luật về nồng độ cồn; tuyên truyên, phổ biến và giáo dục pháp luật; tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm; tăng cường vai trò cộng đồng và huy động kinh phí xã hội hóa; xây dựng các mô hình thí điểm.