Mưa lũ ở Nghệ An: Học sinh trèo lên mái nhà chờ sơ tán; thiệt hại hàng trăm tỷ đồng
Mưa lũ ở Nghệ An đang gây thiệt hại nặng nề cho nhiều hộ dân, nhiều nơi bị cô lập, chia cắt. Hơn 100 học sinh bị lũ cốn trôi hết sách vở, đồ đạc, phải trèo lên mái nhà để chờ sơ tán.
Thiệt hại hàng trăm tỷ đồng
Sáng 28/9, thông tin từ UBND huyện Quỳ Châu (tỉnh Nghệ An) cho biết: Theo báo cáo nhanh, đến 19h30 ngày 27/9, mưa lớn kéo dài, cùng với thủy điện xả lũ đã khiến 1.210 nhà/30 khối bản bị ngập sâu từ 1-5m, hơn 5.000 người phải di dời, sơ tán.
Một người dân bản Hoa Tiến 1, xã Châu Tiến (ông L.V.K) đang mất liên lạc.
Về giao thông, QL48 đoạn qua huyện Quỳ Châu bị chia cắt 8 điểm; Tỉnh lộ 544 sạt lở tại 3 điểm, chưa thể thông xe; Quốc lộ 48D cũng bị sạt lở 8 điểm. Ngoài ra, nhiều tuyến đường huyện, xã và đường dân sinh trên địa phương cũng bị sạt lở, ngập nước.
Mưa lũ cũng làm đổ gãy 40 cột điện hạ thế, 5 cột trung thế, 3 trạm biến áp; 22 trạm biến áp bị mất sóng; 7 điểm trường và 4 trạm y tế bị ngập sâu trong nước.
Về nông nghiệp, khoảng 545ha lúa hè thu bị ngập, 110ha mía, 10ha sắn, 5ha cây lâu năm bị ảnh hưởng nặng nề; 56,22ha ao hồ, 6 lồng cá, gần 1.500 con gia súc, gia cầm bị cuốn trôi.
“Bước đầu ước tính tổng thiệt hại lên đến hàng trăm tỷ đồng, dù chưa thống kê hết thiệt hại tài sản của nhân dân và các công trình hạ tầng về giao thông, thủy lợi, điện…”, báo cáo của UBND huyện Quỳ Châu nêu rõ.
Cũng theo huyện Quỳ Châu, huyện đang chỉ đạo UBND các xã, thị trấn Tân Lạc huy động các lực lượng, phương tiện 4 tại chỗ hỗ trợ các hộ gia đình bị ngập lụt, di dời người và tài sản đến nơi an toàn.
Khi nước rút phân công cán bộ phụ trách theo từng vùng, từng xã, theo nhiệm vụ để hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả. Nước rút đến đâu tiến hành xử lý, vệ sinh môi trường đến đó. Kịp thời cứu hộ, cứu nạn, cứu đói, lo nguồn nước sạch cho người dân những vùng bị ảnh hưởng…
Kêu gọi giải cứu giảm thiệt hại
Trong hai ngày 26-27/9, mưa lớn kéo dài cùng với thủy điện xả lũ đã khiến nhiều địa phương khác của các huyện: Thanh Chương, Quế Phong, Thái Hòa bị ngập sâu, gây thiệt hại nặng nề.
Điển hình như trường hợp trang trại lươn của gia đình chị Cao Thị Mai Phương và anh Đặng Văn Thiên (xóm Nam Thượng, xã Ngọc Sơn, Thanh Chương) bị ngập sâu. Gia đình phải đưa 6 tấn lươn thương phẩm lên cao hơn để tránh thiệt hại.
Tuy nhiên, lươn sau khi bị ngập, bắt ra khỏi bể, di chuyển lên cao nên đã bị sốc nước, sốc nhiệt nên rất khó sống được lâu. Nếu bán không kịp thời sẽ gây thiệt hại khoảng 700 triệu đồng, gia đình đang phải huy động các kênh khác nhau để được “giải cứu”.
Tại các huyện biên giới Kỳ Sơn, Quế Phong... mưa lớn cũng gây thiệt hại cho nhà dân và các công trình giao thông:
“Tính đến sáng nay, mưa đã tạnh và nước đã rút nhiều. Trên địa bàn chỉ có một số hộ dân bị đất đá sạt lở, hiện xã đang huy động lực lượng ra giúp dân hốt dọn”, một lãnh đạo xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn cho biết.
Trong khi đó, một nguồn tin nói với PV: QL48 từ Diễn Châu đã thông lên đến Quế Phong. Tuy nhiên, QL16 đoạn qua dốc chuối vẫn đang bị sạt lở nặng, phương tiện chưa thể đi qua.
Trong một diễn biến khác, thông tin từ Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Công an tỉnh Nghệ An: Vào lúc 23h ngày 27/9/2023, nhận được thông tin có người mắc kẹt tại ngôi nhà khu vực ven sông Hiếu (khối Tân Tiến, phường Hòa Hiếu, TX Thái Hòa).
Ngay lập tức, Đội chữa cháy và cứu nạn cứu hộ số 3 đã huy động lực lượng, phương tiện nhanh chóng tiếp cận hiện trường, phối hợp các lực lượng chức năng đưa người bị mắc kẹt cùng một số tài sản giá trị vào nơi an toàn.