"Ngân hàng Nhà nước phản ứng chậm, thanh tra giám sát yếu kém"
Đó là nhận xét của Kiểm toán Nhà nước về công tác điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước năm 2022 được kiểm toán năm 2023.
Điều chỉnh lãi suất đột ngột gây bất lợi cho nền kinh tế
Kiểm toán Nhà nước vừa có Báo cáo kết quả kiểm toán Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các đại biểu Quốc hội, trong đó có nội dung báo cáo về chính sách tiền tệ năm 2022 gắn với nhiệm vụ, chức năng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Theo Kiểm toán Nhà nước, năm 2022, NHNN đã triển khai các biện pháp để tác động giảm lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng (TCTD). Tuy nhiên, các biện pháp đều không hiệu quả chưa đạt mục tiêu phấn đấu (giảm lãi suất 0,5% - 1%) mà còn có xu hướng tăng. Biên độ giữa lãi suất cho vay bình quân và lãi suất huy động bình quân còn lớn, trên 4%.
Bên cạnh đó, cuối tháng 9/2022, trong vòng 1 tháng, NHNN đã 2 lần điều chỉnh tăng mức lãi suất điều hành với tổng mức tăng 2% dẫn đến lãi suất huy động và lãi suất cho vay bình quân toàn hệ thống đột ngột tăng cao trong những tháng cuối năm (có lãi suất huy động trên 11%, lãi suất cho vay trên 13%).
Kiểm toán Nhà nước cho rằng việc Ngân hàng Nhà nước đột ngột điều chỉnh tăng các mức lãi suất điều hành (trong khi các ngân hàng trung ương trên thế giới tăng dần từ đầu năm 2022) sau một thời gian dài không thay đổi là khó dự đoán, gây bất lợi cho nền kinh tế, khiến cho môi trường kinh tế rủi ro hơn, người dân, doanh nghiệp không thể lập được kế hoạch kinh doanh dài hạn ổn định.
Nhiều ngân hàng thay vì tiết giảm chi phí, hạ biên độ lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp thì trong năm 2022 lại tăng biên độ lãi suất so với đầu năm. Ngoài ra, còn một số tồn tại khác.
Việc xử lý các tổ chức tín yếu kém còn chậm
Kiểm toán tại Ngân hàng Nhà nước (NHNN) năm 2023, Kiểm toán Nhà nước đánh giá tình hình thanh khoản của hệ thống ngân hàng nhiều thời điểm trong năm còn căng thẳng. Một số tổ chức tín dụng thiếu hụt vốn khả dụng dẫn đến vi phạm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, hoặc phải cho vay hỗ trợ thanh khoản, cho vay đặc biệt với khối lượng tiền lớn.
Đối với các tổ chức tín dụng yếu kém, phương án xử lý tổ chức tín dụng yếu kém (3 ngân hàng) còn chậm, kéo dài qua nhiều năm phát sinh (từ 2015 đến nay). Việc kéo dài tiến độ xử lý dẫn đến nguồn lực dự kiến hỗ trợ thông qua các hình thức cho vay đặc biệt tăng do hoạt động kinh doanh ngân hàng này lỗ liên tục (khoảng 168.000 tỷ đồng).
Đến thời điểm kiểm toán (8/2023), việc xử lý 3 ngân hàng mua bắt buộc mới ở bước được Chính phủ phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc, đang ở giai đoạn xác định giá trị doanh nghiệp đề nghị chuyển giao bắt buộc. Một ngân hàng mới được Chính phủ phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc, tình hình tài chính khó khăn, cụ thể: nợ xấu và tài sản tồn đọng cao, âm vốn chủ sở hữu, lỗ lũy kế tiếp tục có xu hướng gia tăng, không đáp ứng quy định về an toàn trong hoạt động ngân hàng. Một số ngân hàng tiềm ẩn rủi ro cao, gây mất an toàn hệ thống.
Kiểm toán Nhà nước cho rằng để xảy ra tồn tại trên, ngoài nguyên nhân khách quan có một phần nguyên nhân chủ quan của Ngân hàng Nhà nước. Đơn vị này phản ứng chậm dẫn đến điều hành lãi suất đột ngột, chức năng thanh tra giám sát các cơ quan thanh tra giám sát yếu kém, chưa phân tích, làm rõ một số vấn đề trọng yếu, tiềm ẩn rủi ro của đối tượng giám sát vi mô.
Kiểm toán Nhà nước kiến nghị Ngân hàng Nhà nước phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương đẩy nhanh tiến độ chuyển giao bắt buộc đối với 3 ngân hàng mua bắt buộc là ngân hàng Xây dựng (CBBank), Ngân hàng Đại Dương (OceanBank), Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GP Bank). Riêng DongAbank do vốn chủ sở hữu của ngân hàng bị âm nên theo quy định, Ngân hàng Nhà nước phải chuyển giao bắt buộc DongABank cho ngân hàng khác.