Xã hội

Người dân có phải xuất trình bằng lái xe, thẻ căn cước khi đã có căn cước điện tử?

28/04/2024, 06:20

Luật Căn cước (Luật số 26) được Quốc hội thông qua vào ngày 27/11/2023, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024. Trong đó quy định rõ về cấp, quản lý căn cước điện tử.

Căn cước điện tử sử dụng ra sao?

Theo Bộ Công an, Luật Căn cước nêu rõ, mỗi công dân Việt Nam được cấp một căn cước điện tử (CCĐT). Căn cước này chứa danh tính điện tử và các thông tin khác đã được tích hợp theo đề nghị của công dân và phải được xác thực thông qua cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành.

CCĐT dùng để thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công, các giao dịch và hoạt động khác theo nhu cầu của người dân.

Người dân có phải xuất trình bằng lái xe, thẻ căn cước khi đã có căn cước điện tử?- Ảnh 1.

Những loại giấy tờ đã tích hợp vào VNeID.

Cụ thể, Điều 33 của Luật Căn cước quy định, CCĐT có giá trị chứng minh về căn cước và thông tin khác đã được tích hợp vào CCĐT của người dân. Mục đích để thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công, các giao dịch và hoạt động khác.

Trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công, thực hiện các giao dịch và hoạt động khác, nếu phát hiện có sự khác nhau giữa thông tin in trên thẻ căn cước hoặc thông tin lưu trữ trong bộ phận lưu trữ được mã hóa của thẻ căn cước với thông tin trong CCĐT, thì cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng thông tin trong CCĐT.

Hiện nay, ứng dụng VNeID đã tích hợp rất nhiều loại giấy tờ như: Giấy phép lái xe, đăng ký xe, thẻ bảo hiểm y tế, thông tin cư trú, lý lịch tư pháp, thẻ căn cước công dân, bảo hiểm xã hội, hồ sơ sức khỏe...

Khi nào CCĐT bị khóa, mở khóa?

Luật Căn cước cũng quy định, CCĐT sẽ bị khóa trong các trường hợp sau đây: Khi người được cấp CCĐT yêu cầu khóa; khi người được cấp CCĐT vi phạm thỏa thuận sử dụng ứng dụng định danh quốc gia.

Khi người được cấp CCĐT bị thu hồi, bị giữ thẻ căn cước; khi người được cấp CCĐT chết hoặc khi có yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng hoặc cơ quan khác có thẩm quyền.

Còn CCĐT được mở khóa trong các trường hợp bao gồm: Khi người được cấp CCĐT yêu cầu mở khóa; khi người được cấp CCĐT đã khắc phục những vi phạm thỏa thuận sử dụng ứng dụng định danh quốc gia.

Khi người được cấp CCĐT được trả lại thẻ căn cước; khi cơ quan tiến hành tố tụng hoặc cơ quan khác có thẩm quyền yêu cầu mở khóa.

Đáng chú ý, khi khóa CCĐT, cơ quan quản lý căn cước phải thông báo ngay cho người bị khóa thẻ. Thủ trưởng cơ quan quản lý căn cước của Bộ Công an có thẩm quyền khóa, mở khóa CCĐT, còn Chính phủ quy định trình tự, thủ tục khóa, mở khóa thẻ.

Người dân có phải xuất trình bằng lái xe, thẻ căn cước khi đã có căn cước điện tử?- Ảnh 2.

CCĐT hiển thị qua ứng dụng VNeID.

CCĐT kết nối với những dữ liệu nào?

Ngoài những nội dung trên, Luật Căn cước còn quy định việc kết nối, chia sẻ, khai thác, sử dụng thông tin trong hệ thống định danh và xác thực điện tử.

Theo đó, hệ thống thông tin của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, xã hội, tổ chức cung cấp dịch vụ công kết nối với hệ thống định danh và xác thực điện tử để khai thác thông tin của công dân phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến.

Cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, xã hội... khai thác thông tin trong hệ thống định danh và xác thực điện tử qua ứng dụng VNeID, trang thông tin định danh điện tử, thẻ căn cước bằng thiết bị, phần mềm theo quy định.

Bên cạnh đó, chủ thể danh tính điện tử khai thác, chia sẻ thông tin danh tính điện tử và thông tin khác của mình đã được tích hợp vào tài khoản VNeID với tổ chức, cá nhân khác qua ứng dụng này hoặc hình thức khác theo quy định.