Những lỗi vi phạm giao thông nào không bị phạt tiền?
Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi điều khiển xe mô tô; chăn dắt súc vật, buộc súc vật vào hàng cây bên đường... sẽ bị phạt cảnh cáo, không phạt tiền?
Khi nào người vi phạm giao thông bị phạt cảnh cáo?
Gửi ý kiến đến Báo Giao thông, độc giả Nguyễn Thị Trang Nhung (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) thắc mắc, Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 123/2021) nêu một số hành vi vi phạm luật giao thông nhưng chỉ bị phạt cảnh cáo, không xử phạt vi phạm hành chính về tiền. Cụ thể đó là những vi phạm nào?
Giải đáp thắc mắc nêu trên, luật sư Nguyễn Tiến Dũng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, theo Điều 21 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020 và đối chiếu với các quy định tại Nghị định 123/2021, hình thức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông gồm cảnh cáo và phạt tiền.
Theo đó, những vi phạm sau đây của người tham gia giao thông có thể bị lực lượng chức năng xử phạt bằng hình thức cảnh cáo:
Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự xe mô tô hoặc điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô.
Tổ chức thực hiện hành vi thi công trên đường bộ đang khai thác không treo biển báo thông tin công trình hoặc treo biển báo thông tin không đầy đủ nội dung theo quy định.
Chăn dắt súc vật ở mái đường; buộc súc vật vào hàng cây hai bên đường hoặc vào cọc tiêu, biển báo, rào chắn, các công trình phụ trợ của giao thông đường bộ; tự ý leo trèo lên mố, trụ, dầm cầu.
Hình thức phạt cảnh cáo (hoặc phạt tiền) cũng áp dụng với hành khách sử dụng vé tàu giả để đi tàu; cá nhân biết tai nạn giao thông xảy ra trên đường sắt, phát hiện hành vi, sự cố có khả năng gây cản trở, mất an toàn giao thông (ATGT) đường sắt mà không thông báo hoặc thông báo không kịp thời cho nhà ga, đơn vị đường sắt, chính quyền địa phương hoặc cơ quan công an nơi gần nhất.
Trồng cây trái phép trong phạm vi hành lang ATGT đường sắt đô thị; trồng cây che khuất tầm nhìn của người tham gia giao thông trong phạm vi hành lang ATGT đường sắt; chăn thả súc vật, mua bán hàng hóa, họp chợ trên đường sắt, trong phạm vi bảo vệ công trình đường sắt, hành lang ATGT đường sắt.
Lỗi vi phạm giao thông nào được nộp phạt tại chỗ?
Cũng theo Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020 và Nghị định 100/2019/NĐ-CP, cảnh sát giao thông có quyền xử phạt tại chỗ đối với tài xế xe máy vi phạm mà mức phạt tối đa 250.000 đồng (với cá nhân) hoặc 500.000 đồng (tổ chức), gồm các lỗi sau đây:
Điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 5 đến dưới 10 km/h; không giữ khoảng cách an toàn mà để xảy ra va chạm với xe chạy liền trước; không có báo hiệu xin vượt trước khi vượt.
Dừng xe, đỗ xe ở lòng đường đô thị gây cản trở giao thông; tụ tập từ 3 xe trở lên ở lòng đường, trong hầm đường bộ; đỗ, để xe ở lòng đường đô thị, hè phố trái quy định của pháp luật.
Không nhường đường cho xe xin vượt khi có đủ điều kiện an toàn; không nhường đường cho xe đi trên đường ưu tiên, đường chính từ bất kỳ hướng nào tới tại nơi đường giao nhau; chuyển hướng không nhường quyền đi trước cho người đi bộ, xe thô sơ...
Chuyển làn đường không đúng nơi được phép hoặc không có tín hiệu báo trước; điều khiển xe chạy dàn hàng ngang từ ba xe trở lên; chở người ngồi trên xe sử dụng ô (dù).
Tránh xe không đúng quy định; sử dụng đèn chiếu xa khi tránh xe đi ngược chiều; không nhường đường cho xe đi ngược chiều theo quy định tại nơi đường hẹp, đường dốc, nơi có chướng ngại vật; điều khiển xe chạy dưới tốc độ tối thiểu trên những đoạn đường bộ có quy định tốc độ tối thiểu cho phép.
Đối với xe ô tô, Nghị định 123/2021/NĐ-CP thể hiện mức phạt thấp nhất đối với người điều khiển vi phạm luật giao thông là 300.000 đồng. Do đó, tài xế vi phạm sẽ không được áp dụng phạt hành chính tại chỗ, mà phải lập biên bản.
Đáng chú ý, mọi trường hợp vi phạm hành chính nếu được phát hiện nhờ sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật, nghiệp vụ thì phải lập biên bản.