Pháp luật

Phúc thẩm "bầu" Kiên: Các bị cáo không biết nên kêu oan hay giảm án

04/12/2014, 13:31

Trong buổi sáng xét xử ngày thứ 5 (ngày 4/12), HĐXX tiếp tục cách lý bị cáo Nguyễn Đức Kiên ngay từ đầu phiên xét xử và tiến hành thẩm vấn đối với các bị cáo khác.

quang cảnh phiên tòa xét xử phúc thẩm
Quang cảnh phiên tòa xét xử phúc thẩm.

Mở đầu, HĐXX hỏi bị cáo Lê Vũ Kỳ về lý do kháng cáo

Bị cáo Lê Vũ Kỳ trả lời: HĐXX xem xét cho tôi về mặt nhận thức và mức tham gia thụ động vào các quyết định của HĐQT. Tôi về công tác tại ACB từ 1997 - 2008, chủ yếu phụ trách về CNTT. Tôi có nhiều đóng góp trong việc ứng dụng CNTT hiện đại vào ACB.

Nhiệm kỳ 2008 -2013, lựa chọn nhiều thành viên vào ngân hàng nên các thành viên đề xuất đưa tôi vào. Tôi sở hữu không đến 1 phần nghìn cổ phần ở Á Châu. Phó Chủ tịch HĐQT chỉ là cái danh, còn chủ yếu giúp việc cho Chủ tịch HĐQT.

Tham gia vào HĐQT rất đột ngột với tôi. Trước đó, tôi không tham gia đào tạo các khóa về tài chính – ngân hàng. Khi làm chủ tịch ACBS cũng là hết sức bất ngờ với tôi. Lúc ấy, hai thành viên trước của Công ty này thôi giữa nhiệm kỳ. HĐQT có nói với tôi là cứ làm để đợi khi Công ty chứng khoán tuyển được TGĐ mới. Đến năm 2013 mới tuyển được. Ảnh hưởng của tôi ở ACB về CNTT là rất lớn. Còn vai trò của tôi trong thường trực HĐQT là rất mờ nhạt.

HĐXX: Bị cáo tham gia cuộc họp ngày 2/11 của ACB?

Bị cáo Kỳ: Bị cáo có tham gia, có đầy đủ các thành viên của HĐQT, các thành viên khác của Ban điều hành. Cuộc họp bàn nhiều nội dung, trong đó có nội dung ủy thác gửi tiền. Tôi không nhớ rõ nhưng tất cả các thành viên đều không có ai phản đối ý kiến

Trả lời câu hỏi: “Bị cáo có mâu thuẫn gì với bị cáo Nguyễn Đức Kiên không?”, bị cáo Kỳ nói: “Dạ không”. Bị cáo Lê Vũ Kỳ cũng cho biết, "tôi tham gia quân đội từ năm 1973, đến năm 1987 tôi sang công tác ngành toán. Trước 1954, gia đình tôi có bằng Có công với cách mạng. Do chiến tranh, hỏa hoạn bị thất lạc nhưng có thể tìm thấy trong lý lịch đảng viên của bố tôi nên xin xem xét giảm tội.

HĐXX hỏi bị cáo Phạm Trung Cang về lý do xin chuyển từ kêu oan sang giảm nhẹ hình phạt

Bị cáo Phạm Trung Cang trả lời: Về nhận thức, tôi có một phần trách nhiệm khi tham gia. Đối với hành vi ủy thác cho nhân viên gửi tiền, tôi có ý kiến giảm lãi suất cho vay để giải quyết vốn tồn đọng nhưng ý kiến của tôi bị phản đối. Tôi có báo cáo, nhận thức về pháp luật hạn chế nên cuối cùng Lý Xuân Hải đưa ra giải pháp ủy thác cho nhân viên đi gửi tiền. Khi Ban pháp chế khẳng định không sai và Điều lệ ngân hàng cho phép cho nên tôi chấp nhận chủ trương này.

Trong kháng cáo, tôi cũng xin HĐXX xem xét, thời gian gửi tiền này thì tôi đã đi khỏi ACB. Tôi có bằng chứng ngoại phạm là hộ chiếu của tôi đi Mỹ.

HĐXX: Bị cáo có mâu thuẫn gì với bị cáo Kiên?

Bị cáo Cang: Tôi không có mâu thuẫn gì. Nhưng trong công việc thì có thể tranh luận gay gắt. Tôi thấy Tòa sơ thẩm xét xử không oan nhưng quá nặng. Xin hội đồng xét xử cho giảm nhẹ.

Bị cáo Trịnh Kim Quang được dẫn vào phòng xét xử
Bị cáo Trịnh Kim Quang được dẫn vào phòng xét xử

Bị cáo Trịnh Kim Quang vẫn chưa xác định mình nên kêu oan hay xin giảm án. Bị cáo cho rằng, thời điểm nhân viên gửi tiết kiệm gây thiệt hại số tiền hơn 718 tỷ là thời điểm bị cáo không còn là thành viên Hội đồng quản trị của ACB cho nên không chịu trách nhiệm về hậu quả này.

Khi HĐXX hỏi bị cáo Trịnh Kim Quang về vai trò của Nguyễn Đức Kiên, bị cáo Quang cho biết, từ 2008 đến nay, dù không tham gia vào HĐQT nhưng vai trò của ông Kiên là rất lớn. Ông Kiên có tài hùng biện, có sức thuyết phục. ACB có Hội đồng sáng lập, tập hợp cổ đông lớn, sở hữu tới 40% vốn điều lệ của ngân hàng và ông Kiên nằm trong Hội đồng này.

Bị cáo Huỳnh Quang Tuấn cũng không biết mình nên kêu oan hay xin giảm án. HĐXX đề nghị bị cáo tiếp tục suy nghĩ để có quyết định cuối cùng.

Bị cáo Huỳnh Quang Tuấn trình bày, đơn kháng cáo không phải là đơn kêu oan. Bản án sơ thẩm kết tội tôi lúc đó là thành viên HĐQT và Phó Tổng giám đốc ACB, về hành vi đồng tình việc ủy thác cho nhân viên gửi tiền gây hậu quả.

Tôi xác nhận có tham dự cuộc họp tháng 3/2010 nhưng đó là cuộc họp của Thường trực HĐQT, tôi tham gia với tư cách Phó Tổng giám đốc phụ trách khu vực miền Bắc chứ không phải là tư cách là thành viên HĐQT. Xin HĐXX đánh giá khách quan. Nếu bị kết án, tôi xin HĐXX xem xét yếu tố về nhân thân, gia đình, để tôi được hưởng án treo.

“Tôi có thời gian phục vụ trong quân đội 3 năm (1980-1983). Bố tôi là cán bộ tiền khởi nghĩa, huy hiệu 60 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương”, bị cáo Tuấn nói.

Bị cáo Lý Xuân Hải trình bày về cổ phiếu tại ACBS: Tôi xác nhận có tham dự phiên họp tháng 11/2009. Trong cuộc họp đó, tôi đồng ý cấp hạn mức đầu tư tối đa vào thị trường chứng khoán. Ngoài ra, tôi không tham gia bất kỳ điều gì khác.

Tôi có biết thông qua hạn mức tín dụng tại Vietbank và Kiên Long Bank. Nhưng tôi không cấp tín dụng cho ACBS và ACBI Hà Nội và TP HCM. Chúng tôi không chịu trách nhiệm về lợi nhuận và thiệt hại từ việc cho vay của ngân hàng này.

Tôi không đồng ý và kể cả sau cuộc họp đó tôi không bàn bạc và không nhận được bất kỳ chủ trương nào để ACBS đầu tư vào cổ phiếu ACB.

Bị cáo Nguyễn Đức Kiên được dẫn giải vào phòng xét xử
Bị cáo Nguyễn Đức Kiên được dẫn giải vào phòng xét xử.

Bị cáo Kiên được mời vào phòng xét xử

Bị cáo Nguyễn Đức Kiên cho biết, tôi là cổ đông lớn, Phó chủ tịch Hội đồng sáng lập, Chủ tịch Hội đồng đầu tư. Luật không có khái niệm cổ đông lớn. Đề nghị tòa đưa ra yếu tố xác định tôi là cổ đông lớn. Tôi là một trong 6 cổ đông sáng lập, hoạt động theo qui chế ACB. Xác định căn cứ nào để khẳng định tôi chi phối hoạt động ACB.

ACB là doanh nghiệp lớn được quản trị, điều hành bởi các quy định của pháp luật, không có phép bất cứ tôi hay cá nhân nào được chỉ đạo, chi phối hoạt động của ACB. Với vai trò, trách nhiệm Phó chủ tịch Hội đồng sáng lập, tôi khẳng định đã làm đúng các qui định pháp luật với vai trò là cơ quan tư vấn. Với 6 năm tư vấn, tôi không đưa ra ý kiến nào trái pháp luật. Tất cả ý kiến của tôi đều vì quyền lợi của ACB.  

Hữu Tuấn