Quảng Ninh: 3 năm, đầu tư thêm 744km đường giao thông các loại
Đây là kết quả được đưa ra trong hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn, giai đoạn 2021-2025 được tỉnh Quảng Ninh tổ chức ngày 10/4 tại TP Hạ Long.
Ngày 10/4, tỉnh Quảng Ninh tổ chức hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 17/5/2021 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, Đề án 409 của Ban thường vụ Tỉnh ủy; Đánh giá kết quả 3 năm thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) về nông thôn mới (NTM) trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025.
Hội nghị đã đánh giá tổng thể, toàn diện kết quả đạt được sau 3 năm thực hiện Chương trình MTQG về nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
Trong 3 năm (2021-2023), tỉnh Quảng Ninh đã huy động trên 118.000 tỷ đồng để triển khai các chương trình MTQG. Hết năm 2023, tỉnh đã hoàn thành toàn diện các mục tiêu xây dựng NTM, về đích trước 2 năm; Toàn tỉnh chuyển sang giai đoạn thực hiện theo chuẩn nghèo đa chiều mới của tỉnh cao hơn 1,4 lần so với chuẩn nghèo của Trung ương theo tiêu chí thu nhập...
Nhân dịp này, UBND tỉnh Quảng Ninh tặng Bằng khen cho 27 tập thể, 25 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện 3 năm thực hiện Chương trình MTQG về NTM trên địa bàn.
Chỉ tính riêng trong lĩnh vực giao thông, từ năm 2021 đến nay, tỉnh đã đầu tư thêm được 744 km đường với tổng kinh phí đầu tư hàng ngàn tỷ đồng (thêm 80km cao tốc và 644km quốc lộ, tỉnh lộ, đường huyện).
Qua đó, nâng tổng số km hệ thống đường giao thông trên địa bàn đến năm 2023 là 6.387km (trong đó cao tốc có 176km, quốc lộ là 480km, đường tỉnh là 466km và đường huyện, xã, thôn 5.265km), với quy mô được đầu tư mở rộng, nâng cấp đảm bảo chất lượng, kỹ thuật.
Cùng với đó, tỉnh Quảng Ninh cũng quan tâm đầu tư các tuyến đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không, đảm bảo kết nối đồng bộ, hiện đại...
Với những làm đồng bộ, hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực, đã làm cho đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân các đồng bào dân tộc tỉnh Quảng Ninh thay đổi từng ngày.
Cụ thể, tính đến hết năm 2023, riêng thu nhập bình quân đầu người tại 67 xã, thị trấn vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh đã đạt trên 73 triệu đồng/người/năm; Tăng 1,7 lần so với năm 2020, cao hơn khoảng 1,23 lần so với thu nhập bình quân đầu người cả nước và cao hơn khoảng 2,8 lần so với mục tiêu chung đến năm 2025 của cả nước về nâng mức thu nhập bình quân của người DTTS.
100% số xã miền núi có đường ô tô đến tận thôn, bản; 100% xã thuộc khu vực miền núi, biên giới, hải đảo có điện lưới quốc gia; 100% hộ dân được dùng điện lưới quốc gia; 100% hộ đã có nhà ở kiên cố...
Cũng trong 3 năm qua, tại Quảng Ninh đã có 1.291 nhà ở cho hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn trên toàn tỉnh được xây mới, sửa chữa, với tổng kinh phí huy động trên 78,3 tỷ đồng. Riêng năm 2023, xây dựng, sửa chữa 527 nhà theo chương trình xóa nhà ở tạm, nhà dột nát, vượt kế hoạch của tỉnh giao là 441 hộ.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh đã đánh giá cao sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong 3 năm qua thực hiện Chương trình MTQG về NTM trên địa bàn.
Những kết quả đạt được tạo ra nền tảng vững chắc, khí thế mới, động lực mới, niềm tin mới trong nhân dân, cán bộ, đảng viên, nhất là ở khu vực nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo.
Mục tiêu từ nay đến hết nhiệm kỳ Đại hội XV Đảng bộ tỉnh, toàn tỉnh kiên trì nỗ lực, quyết tâm, củng cố thành quả xây dựng NTM, giảm nghèo bền vững, đi sâu triển khai xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu bền vững gắn với đô thị hóa, không ngừng nâng cao chất lượng đời sống và hạnh phúc của nhân dân…
"Phấn đấu đến năm 2025 thu nhập bình quân đầu người vùng nông thôn đạt trên 100 triệu đồng/người/năm; Hết năm 2024 không còn hộ nghèo, giảm 50% số hộ cận nghèo theo tiêu chí của tỉnh; hết năm 2025 không còn hộ cận nghèo, để tiếp tục xây dựng chuẩn nghèo mới phù hợp với trình độ phát triển của tỉnh", ông Ký chỉ rõ.