Quy hoạch bị băm nát, phải có người chịu trách nhiệm
Nếu công tác quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch không được thực hiện nghiêm túc, hậu quả để lại là rất lớn.
Ngày 4/4, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức hội nghị phản biện Dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn.
Một trong những nội dung nhận được nhiều ý kiến phản biện là Điều 34, quy định việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư về đồ án quy hoạch được thực hiện thông qua trang thông tin điện tử của cơ quan lập quy hoạch; niêm yết, trưng bày tại nơi công cộng hoặc phát phiếu điều tra phỏng vấn...
Đường Lê Văn Lương (Hà Nội) trở thành điểm nóng ùn tắc do bị "nhồi" hàng loạt tòa chung cư, cao ốc hai bên. Ảnh: Tạ Hải.
Một số ý kiến chưa đồng tình với nội dung này vì quy định không rõ ràng, đồng thời đề nghị dự luật nêu rõ yêu cầu lấy ý kiến dân cư sinh sống tại khu vực trước khi phê duyệt hoặc điều chỉnh quy hoạch chi tiết, quy hoạch phân khu (có thể thông qua hội nghị hoặc phiếu khảo sát).
Ngoài ra, cũng có ý kiến đề xuất cơ quan chức năng thông qua các tổ chức xã hội nghề nghiệp để tập hợp đội ngũ trí thức tham gia phản biện, tránh việc thiếu khách quan khi mời chuyên gia góp ý. Đặc biệt, cần bổ sung nguyên tắc về quyền, trách nhiệm kiểm tra giám sát của Quốc hội, MTTQ, HĐND các cấp, tổ chức, cá nhân trong lập và điều chỉnh quy hoạch.
Thực sự, các ý kiến của các chuyên gia đều rất đáng lưu tâm, chắc chắn nên được cơ quan soạn thảo tiếp thu. Bởi thực tế cho thấy, câu chuyện quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch từ lâu đã trở thành vấn đề rất nóng, nhất là tại các đô thị lớn.
Ngay ở Hà Nội, chúng ta có thể thấy rất nhiều ví dụ điển hình.
Gần 20 năm trước, xã Hoàng Liệt (thuộc huyện Thanh Trì) chỉ có khoảng 14.000 dân. Hiện dân số phường Hoàng Liệt hơn 80.000 người, gấp hơn 5,7 lần và là một trong những phường đông dân nhất cả nước, kéo theo hàng loạt vấn đề, nhất là quá tải hạ tầng. Các khu đô thị mới được xây dựng nhanh chóng trong khi hạ tầng không thể đáp ứng nổi.
Với khu đô thị Linh Đàm, đồ án quy hoạch được triển khai từ năm 1990-1992, ban đầu có đến 74ha dành cho quy hoạch mặt nước, được coi là khu đô thị kiểu mẫu, được giải thưởng kiến trúc quốc gia.
Tuy nhiên đến nay thì sao? Định hướng quy hoạch một kiểu, nhưng sau các lần điều chỉnh lại, quy hoạch bị méo mó, biến dạng. Nhất là sau khi cho ồ ạt xây dựng chung cư, 12 tòa HH mọc lên khiến nơi đáng sống một thời trở thành nỗi ám ảnh, nhất là về giao thông.
Trong hệ thống hàng trăm đô thị lớn nhỏ trên cả nước, vấn đề quy hoạch bị điều chỉnh kiểu như ở Linh Đàm khá phổ biến. Đó là sự thiếu đồng bộ giữa phát triển nhà ở và hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội… kéo theo nhiều hệ lụy.
Hay như tại khu vực Lê Văn Lương, Hà Nội, tuyến đường từng tốn rất nhiều giấy mực của báo chí về câu chuyện quy hoạch bị băm nát. Các tòa chung cư cao tầng hai bên đua nhau mọc lên như nấm, áp lực từ việc tăng dân cư, mật độ phương tiện khiến các tuyến đường khu vực này luôn trong tình trạng rất căng thẳng.
Kết luận của Thanh tra Bộ Xây dựng đã chỉ ra nhiều vi phạm, tồn tại, điều chỉnh quy hoạch vi phạm pháp luật tại khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính, dọc trục đường Lê Văn Lương - Tố Hữu - Nguyễn Thanh Bình… Quá trình vi phạm pháp luật diễn ra trong thời gian dài, qua nhiều thế hệ cán bộ lãnh đạo của TP Hà Nội.
Dẫn một vài ví dụ để thấy, nếu công tác quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch không được thực hiện nghiêm túc, hậu quả để lại là rất lớn. Trong khi lợi ích từ việc điều chỉnh quy hoạch vô tội vạ thường chỉ rơi vào một nhóm người, còn hậu quả thì cả xã hội phải gánh chịu.
Bởi vậy, cần có những quy định cụ thể, rõ ràng về vai trò giám sát, nhất là trách nhiệm của cá nhân, tổ chức liên quan công tác quy hoạch. Phải có địa chỉ chịu trách nhiệm nếu như quy hoạch bị băm nát, đi ngược lại lợi ích chung.