Đường sắt

Rộng mở cơ hội khai thác, kinh doanh đất đường sắt

22/09/2016, 14:42

Dự án Luật Đường sắt xác định rõ chủ thể quản lý, đồng thời mở cơ hội cho các thành phần kinh tế

4

Đất không liên quan đến tổ chức chạy tàu tại các khu ga sẽ có tiềm năng lớn trong  thu hút đầu tư, khai thác tổ hợp dịch vụ thương mại (Trong ảnh: Ga Sài Gòn) - Ảnh: Ngô Vinh

Để phí “tấc vàng”

Theo Cục Đường sắt VN, tổng diện tích đất dành cho đường sắt hiện nay khoảng 6.078 ha, gồm đất để xây dựng công trình đường sắt trên khu gian, đất phạm vi bảo vệ công trình đường sắthành lang ATGT đường sắt, đất tại các khu ga, công trình tác nghiệp đầu máy, toa xe. Trong đó, tổng thể có 289 khu ga, tương ứng 9 triệu m2. “Diện tích đất dành cho đường sắt rất lớn nhưng thực tế thời gian qua không được quản lý, khai thác hiệu quả, để lãng phí”, ông Vũ Quang Khôi, Cục trưởng Cục Đường sắt VN cho biết.

Đất dành cho đường sắt tại các khu ga rất lớn, phần nhiều tập trung tại các thành phố, thị xã, thị trấn, có tiềm năng thu hút nguồn lực, hấp dẫn các nhà đầu tư. Tuy nhiên, Luật Đường sắt 2005 chưa có quy định đất và mặt bằng khu ga ngoài công năng phục vụ chạy tàu, còn có chức năng kinh doanh dịch vụ, thương mại.

Để tránh lãng phí, khai thác hiệu quả quỹ đất đường sắt, dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi) cũng bổ sung cho phép xây dựng các công trình trong phạm vi hành lang ATGT đường sắt mà không ảnh hưởng đến ATGT vận tải đường sắt; Cho phép xây dựng các trung tâm thương mại tại các nhà ga; Cho phép các công trình thiết yếu phục vụ an ninh quốc phòng, KT-XH trong phạm vi đất dành cho đường sắt. Với các quy định này, có thể kinh doanh đất trong phạm vi hành lang ATGT đường sắt như: Chôn cáp quang ngầm, cắm biển quảng cáo tại những vị trí không ảnh hưởng đến an toàn chạy tàu, xây dựng trung tâm thương mại tích hợp với nhà ga để khai thác tối đa đất dành cho đường sắt tại ga.

Đất khu ga được quy định có hai phần: Phần gắn với kết cấu hạ tầng đường sắt (KCHTĐS) liên quan trực tiếp đến chạy tàu để phục vụ tác nghiệp chạy tàu, đón tiễn, xếp dỡ hàng hóa; Phần còn lại gắn với KCHTĐS không liên quan trực tiếp đến chạy tàu. Thời gian qua, Tổng công ty Đường sắt VN đã cho thuê phần KCHTĐS không trực tiếp liên quan đến chạy tàu nhưng nguồn thu nộp ngân sách Nhà nước rất thấp, trung bình DN kinh doanh KCHTĐS chỉ nộp ngân sách Nhà nước khoảng 3,15 tỷ đồng/năm.

Phần lớn diện tích đất tại các khu ga đã có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho DN kinh doanh KCHTĐS. Vì thế rất bất lợi để tiến hành xã hội hóa hoạt động đầu tư xây dựng, khai thác và sử dụng KCHTĐS. Nhiều DN tìm hiểu, mong muốn đầu tư kinh doanh tại các khu ga theo hình thức đối tác công tư, nhưng khi tiến hành giao dịch lại có tâm lý lo ngại.

Thực tế trên được thể hiện ở Kết luận thanh tra số 2222/KL-TTCP ngày 26/8/2016 của Thanh tra Chính phủ về việc chấp hành quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại Tổng công ty Đường sắt VN và một số đơn vị thành viên đã chỉ ra nhiều tồn tại, bất cập trong công tác quản lý, sử dụng đất dành cho đường sắt. Trong đó, có việc DN kinh doanh KCHTĐS cho nhiều đối tượng bên ngoài thuê đất, mặt bằng để sử dụng các lĩnh vực kinh doanh không liên quan đến hoạt động đường sắt. Phân, giao, cho mượn đất không đúng thẩm quyền dẫn đến tình trạng không quản lý được trong khi tiền sử dụng đất vẫn phải nộp thay hoặc nhận nợ với Nhà nước. Việc quản lý đất dành cho đường sắt lỏng lẻo, để hoang trống, lấn chiếm, tranh chấp gây lãng phí. DN đường sắt chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ về tài chính đối với đất đai.

Rộng mở cơ hội

Trước thực tế đó, dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi) đã sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung nhằm xác định rõ chủ thể trong quản lý, khai thác đất dành cho đường sắt. Trao đổi với Báo Giao thông về những điểm mới tại dự án Luật này, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết: “Việc quản lý, khai thác đất đường sắt được quy định rõ, tách bạch. Phần đất liên quan trực tiếp đến tổ chức chạy tàu Nhà nước sẽ quản lý; Phần đất liên quan đến kinh doanh, không liên quan đến tổ chức chạy tàu, có thể cho DN thuê để làm bãi hàng, đặt trụ sở và phải trả tiền thuê đất”.

Cụ thể, dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi) quy định việc quản lý đất dành cho đường sắt do cơ quan quản lý nhà nước chịu trách nhiệm, quản lý đất dùng để xây dựng công trình đường sắt, đất trong phạm vi bảo vệ công trình đường sắt; UBND các cấp có trách nhiệm quản lý đất dành cho đường sắt đã được quy hoạch, đất trong phạm vi hành lang ATGT đường sắt.

Theo ông Vũ Quang Khôi, việc giao quyền quản lý, sử dụng đất cho cơ quan quản lý nhà nước sẽ đạt được mục tiêu Nhà nước thống nhất quản lý đất đai theo quy định của Hiến pháp 2013 và Luật Đất đai 2013. Cơ quan quản lý nhà nước sẽ thống nhất quản lý quy hoạch đất dành cho đường sắt đồng bộ với quy hoạch phát triển KT-XH của địa phương. DN có nghĩa vụ khai thác, kinh doanh đất dành cho đường sắt theo đúng quy hoạch.

“Khi đó sẽ đảm bảo tính cạnh tranh, bình đẳng cho các DN, nhà đầu tư tham gia xã hội hóa đầu tư trong lĩnh vực đường sắt. Việc quy định cụ thể trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành đường sắt, DN và UBND các cấp đối với đất dành cho đường sắt theo quy hoạch sẽ giúp cho việc khai thác hiệu quả quỹ đất; Hạn chế được việc sử dụng đất không đúng mục đích, lấn chiếm đất”, ông Khôi nói và cho biết, việc bổ sung các trường hợp xây dựng các công trình trong phạm vi đất dành cho đường sắt sẽ tạo cơ hội cho các nhà đầu tư đầu tư vào các khu ga, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH và tăng thu cho ngân sách Nhà nước.