Chất lượng sống

“Sốt” rau quê tự trồng

29/02/2016, 19:23

Ngày càng nhiều người dân ở Hà Nội lặn lội mang rau từ quê ra ăn hoặc mua, thuê đất ngoại thành tự trồng.

Hinh 1
Rau xanh tự trồng ở quê đang được người thành phố ưa chuộng

Rau “quê” lên ngôi

17h, vừa tan giờ làm, chị Hà Thị Hiền (trú tại Khu đô thị Linh Đàm, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) vội vã phóng xe máy ra Bến xe Giáp Bát để kịp giờ nhận một thùng hàng của gia đình ở quê gửi ra.

Quê gốc ở huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa, chị Hiền lên Hà Nội học và định cư ở đây đã hơn chục năm. Gần nơi ở của chị cũng có nhiều siêu thị, chợ dân sinh với đầy đủ các loại thực phẩm nhưng đã gần hai năm nay, hầu như chẳng mấy khi chị đi chợ bởi lo ngại về chất lượng an toàn thực phẩm. “Mấy năm trước, có một lần nhà tôi tổ chức ăn lẩu, mua rau ở chợ gần nhà. Ăn xong, cả chủ lẫn khách đều kêu đau bụng. Tuy không nghiêm trọng đến mức phải đi viện song từ đó tôi “cạch mặt” rau chợ”, chị Hiền nói.

Từ đó, bữa ăn của gia đình chị Hiền nhờ cả vào nguồn cung cấp rau của bố mẹ ở quê. Khoảnh đất nhỏ gần 200m2 của gia đình chị được bố mẹ chị đầu tư, chăm sóc cơ bản đủ loại rau, mùa nào thức ấy, rồi hàng tuần ông bà lại gửi theo đường ô tô ra cho con gái. Tuy tốn thời gian, công sức nhưng bù lại, họ có thể yên tâm tuyệt đối về chất lượng, an toàn. Chị Hiền cho biết: “Trung bình mỗi tuần bố mẹ tôi gửi ra một thùng rau, khoảng 5-7kg. Có hôm lại thêm cân thịt lợn hoặc vài chục trứng gà của nhà. Tốn vài chục nghìn đồng tiền cước và mất công ra tận bến xe nhận hàng nhưng bù lại được ăn thực phẩm sạch, yên tâm hơn”.

Không chỉ chị Hiền, rất nhiều người dân Hà Nội hiện nay cũng lựa chọn cho mình kênh cung cấp rau xanh “nhà trồng được” bởi mất niềm tin với thực phẩm mua ngoài chợ. Anh Đinh Công Hiệp (trú tại phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội) còn cầu kì hơn khi bỏ ra số vốn gần trăm triệu đồng xây dựng một trang trại ở quê (xã Khánh Thượng, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình) cung cấp thực phẩm cho gia đình và cả hàng xóm. Anh kể, ban đầu anh mang rau, gà ở quê ra chỉ với mục đích dùng đồ nhà cho tiết kiệm. Nhưng sau đó, những người hàng xóm biết nhà anh có trang trại, rau tự trồng, gà, cá tự nuôi nên họ đặt mua.

Cứ thế, người này rỉ tai người kia, mỗi tuần anh lại gọi điện về nhà nhờ bố mẹ gửi ra ngày càng nhiều hơn. “Thấy nhiều người đặt mua nên năm ngoái tôi về quê, bàn với bố mẹ bỏ ra hơn 80 triệu đồng cải tạo ao cá, xây thêm chuồng trại nuôi gà, mở rộng vườn rau để có thêm thực phẩm đem ra Hà Nội bán. Thời gian tới, nếu có điều kiện, tôi sẽ xây dựng hẳn một kênh bán rau quê, gà quê ngoài này”, anh Hiệp khoe.

Đất trồng rau ngoại thành lên cơn “sốt”

Không giống chị Hiền, anh Hiệp có đất và gia đình ở quê để cung cấp rau sạch, những người gốc Hà Nội hoặc đã chuyển hẳn về sinh sống ở Thủ đô nhiều năm nay muốn có rau sạch ăn đã chọn cho mình một cách khác là ra ngoại thành thuê đất làm vườn. Đây chính là lý do khiến đất nông nghiệp ở một số huyện ngoại thành như: Hoài Đức, Đan Phượng, Đông Anh… được nhiều người săn đón, đặt thuê.

Anh Nguyễn Văn Luận (xã Thọ Xuân, huyện Đan Phượng, TP Hà Nội) cho biết, vừa quyết định bỏ nghề lái xe ba gác chở hàng thuê ở khu vực quận Cầu Giấy, TP Hà Nội đã theo anh hàng chục năm nay để theo đuổi một nghề hoàn toàn mới là quản lý vườn rau sạch. Điều thú vị ở chỗ, vườn rau ấy được hình thành ngay trên mảnh đất nông nghiệp do vợ chồng anh sở hữu ở quê.

Anh Luận kể: “Nhà tôi có hơn 200m2 đất nông nghiệp, trước nay chủ yếu dùng để trồng ngô. Thu nhập từ ngô mỗi năm cũng chẳng đáng là bao. Vợ chồng tôi đều phải lên thành phố làm thêm. Tôi thì chở hàng thuê, vợ tôi thì buôn hàng xáo. Năm ngoái tự nhiên có một anh ở TP về đặt vấn đề thuê lại đất ruộng của tôi để làm vườn trồng rau sạch. Đến vừa rồi, anh ta lại thuê luôn vợ chồng tôi trông nom vườn rau cho họ. Lương cũng khá nên tôi nhận luôn”.

Theo anh Luận, hiện tượng người TP về quê anh thuê đất để trồng rau khá phổ biến, không chỉ ở Đan Phượng mà còn rất nhiều huyện ngoại thành khác. Giá thuê cũng thay đổi tùy theo diện tích đất thuê. Trung bình khoảng 1-2 triệu đồng/tháng đối với mảnh đất khoảng 50m2. Hiện nay, một số nơi còn xuất hiện dịch vụ cho thuê đất trồng rau được quảng cáo khá rầm rộ trên mạng internet.

Những địa chỉ này, ngoài đất cho thuê còn cung cấp cả các dịch vụ kèm theo khác như hệ thống bơm tưới tiêu, phân bón, giàn lưới vườn rau… và còn kèm theo cả người làm vườn nếu như khách có nhu cầu. Nhiều người dân địa phương như anh Luận, từ việc bỏ đồng ruộng ở quê lên thành phố làm thuê hoặc buôn bán, nay cũng đã trở lại làm rau ngay trên mảnh đất quê hương mình.

Mẹo bảo quản rau xanh được lâu

PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm - Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, cách bảo quản rau xanh thông dụng nhất là cất trong tủ lạnh. Tuy nhiên, nếu muốn rau tươi lâu, trước khi cho vào tủ lạnh phải nhặt thật kỹ, cắt bỏ lá sâu, lá dập, cắt bỏ phần rễ, rửa sạch và cho vào bao xốp.

Sau đó buộc thật kín lại cất trong ngăn mát. “Nếu làm theo cách đó có thể giữ rau tươi tối đa đến 10 ngày. Nhưng nếu không cắt bỏ phần rễ, lá sâu hoặc phần rau bị dập nát, những chỗ đó sẽ nhanh chóng bị vi sinh vật tấn công, phân hủy và lan rộng sang những phần khác của cây rau”, PSG.TS. Thịnh cho hay.