Hạ tầng

Tân Sơn Nhất sẽ mở rộng nhà ga, sân đậu tàu bay

27/02/2014, 14:45

Tân Sơn Nhất sẽ triển khai mở rộng nhà ga và sân đỗ máy bay để đáp ứng cho 26 triệu lượt hành khách mỗi năm, tăng từ 40 lên 61 vị trí sân đỗ máy bay.

Sáng nay (27/2) Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cùng đoàn công tác đã kiểm tra hiện trường và làm việc với Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) về việc mở rộng Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. 

Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng làm việc với ACV về mở rộng Cảng HKQT Tân Sơn Nhất
Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng làm việc với ACV về mở rộng Cảng HKQT Tân Sơn Nhất

Báo cáo thực trạng Cảng HKQT Tân Sơn Nhất, ông Nguyễn Nguyên Hùng – Chủ tịch HĐTV ACV cho biết, nếu được thông qua và triển khai thì 10 năm tới Cảng HKQT Long Thành mới đi vào khai thác. Như vậy Tân Sơn Nhất phải mở rộng tối đa để có thể gánh vác "sứ mệnh" từ nay cho đến 10 năm sau.

Theo tính toán của ACV, để đáp ứng hạ tầng cho công suất tối đa 26 triệu lượt hành khách/ năm thì cần phải có 60-65 vị trí sân đỗ máy bay, trong khi hiện nay chỉ có 40 vị trí, nếu tận dụng hết đất đai còn lại và một phần đất quốc phòng thì có thể xây dựng được 21 vị trí sân đỗ.

Về phần nhà ga Quốc tế, sẽ mở rộng cánh phải và cánh trái để tăng thêm 40 quầy làm thủ tục, nhà ga quốc nội nối dài thêm như nhà ga T1 Nội Bài được 3.900m2 nữa. Như vậy cả quốc tế và quốc nội sau khi cải tạo mở rộng có thể đáp ứng thêm 6 triệu lượt khách. Hiện nay,Tân Sơn Nhất đã đạt ngưỡng 20 triệu từ cuối 2013, sớm hơn tính toán theo thiết kế là đến 2015, lúc cao điểm lên đến 550 chuyến/ ngày.

nhà ga quốc nội CHKQT Tân Sơn Nhất
Nhà ga quốc nội CHKQT Tân Sơn Nhất

Bộ trưởng Đinh La Thăng biểu dương sự nỗ lực của tập thể ACV trong thời gian quan, tạo ra một diện mạo mới cho lĩnh vực hạ tầng hàng không Việt Nam, Bộ trưởng lưu ý ACV cần rà soát toàn bộ để xây dựng chiến lược tổng thể từ nay và cho tầm nhìn sau 2030. Tầm nhìn phải gắn với đường bộ, đường sắt, đường thủy, hàng hải và mạng lưới vận tải quốc gia, từ đó xây dựng Cảng HKQT Tân Sơn Nhất (TSN) có tính liên kết cao với các cảng hàng không trong khu vực và cả nước.

Khai thác hàng không dân dụng hiệu quả phải gắn với nhiệm vụ quốc phòng và ngược lại, Bộ trưởng lưu ý ACV nên kêu gọi xã hội hóa đầu tư, mời nhà đầu tư nhân vào đầu tư như sân đỗ xe ô tô, xe máy nên kêu gọi nguồn vốn góp CBCNV đầu tư. Vừa giải quyết phần giao thông tĩnh, tránh ùn tắc, vừa mang về lợi ích cho CBCNV. 

Để đáp ứng việc quản lý theo hướng hiện đại hóa, ACV nên đầu tư phần mềm quản lý khai thác, chú ý khâu đào tạo nguồn nhân lực, chuẩn bị đội ngũ cán bộ các kỹ sư, công nhân vận hành đủ phẩm chất, bản lĩnh chính trị để vận hành hệ thống.

Lãnh đạo ACV cũng phải sớm triển khai cổ phần hóa theo kế hoạch đề ra, đơn vị nào cổ phần hóa được thì cho cổ phần ngay để thay đổi tư duy quản lý, nâng cao năng lực cạnh tranh và nguồn lực phát triển bền vững.

Với các dự án đầu tư, ngoài dự án mở rộng Tân Sơn Nhất cần nhanh chóng hoàn thành các CHK Pleiku, Vinh, T2 Nội Bài, Cát Bi, Thọ Xuân, Nha Trang, đầu tư đèn bay đêm ở một số sân bay, nghiên cứu đầu tư CHK Lai Châu để có thể xây dựng khu bay trước để phục vụ công tác an ninh quốc phòng và tìm kiếm cứu nạn...

Bộ trưởng lưu ý các cơ quan của Bộ GTVT, cái gì ủy quyền được thì ủy quyền cho ACV để đẩy nhanh công việc, việc gì thuộc trách nhiệm của các Cục, Vụ thì phải giải quyết nhanh.

Giao Thứ trưởng Bộ GTVT Phạm Quý Tiêu khẩn trương làm việc với Quân chủng Phòng không Không quân và báo cáo kết quả để Bộ GTVT sẽ làm việc với Bộ Quốc Phòng tìm tiếng nói chung trong việc sử dụng một phần đất quốc phòng cho việc mở rộng vị trí sân đỗ máy bay TSN.

Bộ trưởng giao Vụ Hạ tầng làm việc với UBND TPHCM về việc kết nối và phân luồng giao thông đường Phạm Văn Đồng (TSN – Bình Lợi) vào cửa ngõ sân bay TSN, hạn chế xe tải để tránh ùn tắc cho lượng xe ra vào TSN.

Minh Nghĩa