Xã hội

Thấy chết "đứng ngó" cũng có thể ngồi tù

23/02/2016, 19:23

Những người không tham gia cứu người hoặc không có bất kỳ hành động nào giúp đỡ có thể bị phạt tù.

nguyen-nhan-hang-chuc-nguoi-da-nang-ngoi-nhin-than
Nạn nhân Giang được đưa lên bờ sau khi đã tử vong

Clip ghi lại cảnh nam thanh niên chết đuối tại Đà Nẵng, trước sự chứng kiến của nhiều người đang được lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội Facebook. Đoạn clip đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều của cộng đồng mạng về việc hàng chục người đứng nhìn nhưng không có ai cứu giúp thanh niên chết đuối.

Trao đổi với Báo Giao Thông, luật sư Nguyễn Tường Linh, Đoàn luật sư tỉnh Khánh Hòa cho biết: "Tôi rất lên án nhưng hành động vô cảm của những người đứng xem. Việc nhiều người đứng xem, có điều kiện nhưng không giúp đỡ người khác làm thiệt hại tính mang có dấu hiệu vi phạm Điều 102 Bộ luật hình sự.

Theo đó, Điều 102 Bộ luật hình sự quy định:

1. Người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm:

a) Người không cứu giúp là người đã vô ý gây ra tình trạng nguy hiểm;

b) Người không cứu giúp là người mà theo pháp luật hay nghề nghiệp có nghĩa vụ phải cứu giúp.

Luật sư Nguyễn Tường Linh – Đoàn luật sư tỉnh Khán
Luật sư Nguyễn Tường Linh – Đoàn luật sư tỉnh Khánh Hòa.

Nhận định về vai trò của người quay clip, Luật sư Nguyễn Doãn Hồng (Công ty Luật Quốc Tế Đà Nẵng) cho rằng nếu người quay clip này chứng kiến vụ việc từ đầu tới cuối nhưng không hô hoán cứu người, không tham gia cứu người hoặc không có bất kỳ hành động nào giúp đỡ trong suốt quá trình sự việc xảy ra thì có thể xem xét cấu thành tội không cứu giúp người trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng theo khoản 1 điều 102 của Bộ luật Hình sự.

Không cứu giúp người bị nạn là hành vi rất đáng phê phán và cần lên án trong xã hội này. Để giải quyết triệt để và mang lại hiệu quả cao cho những trường hợp tương tự, việc tuyên truyền, phổ biến và giải thích cho người dân hiểu biết về hành vi không cứu giúp người bị nạn, không những vi phạm về mặt đạo đức mà còn vi phạm pháp luật là rất quan trọng và cần thiết, từ đó nâng cao ý thức và tinh thần sống của người dân.

Thạc sỹ, Luật sư Nguyễn Mạnh Thuật. Công ty luật h
Thạc sỹ, Luật sư Nguyễn Mạnh Thuật. Công ty luật hợp danh Đông Nam Á.

Đồng tình, Thạc sỹ, Luật sư Nguyễn Mạnh Thuật (Công ty luật hợp danh Đông Nam Á) cho biết: "Để nâng cao ý thức của người dân, hạn chế các hiện tượng tương tự như clip này, chúng ta cần có biện pháp tổng thể và lâu dài, bởi hiện tượng không diễn ra cục bộ địa phương hay vào một thời điểm nhất định".

Cụ thể, cơ quan chức năng cần tuyên truyền, phổ biến các hình ảnh hay câu chuyện nhân văn, đầy tình thương đồng loại, giúp người dân hiểu và yêu thương người khác theo đúng nghĩa “đồng bào”. Việc này nên thực hiện từ trẻ nhỏ đến người nhiều tuổi. Nhà nước cần tạo điều kiện thuận lợi cho người dân thể hiện, thực hiện các hành vi nhân văn, đề cao thuần phong mỹ tục, ngược lại phải tẩy chay, nên án đối với hành vi phi đạo đức.

Đồng thời, nhà nước cần phổ cập và tạo điều kiện cho người dân rèn luyện các kỹ năng cá nhân, đặc biệt các kỹ năng cứu hộ, cứu nạn; Hạn chế đến mức thấp nhất các tệ nạn xã hội, bởi trên thực tế người dân rất e ngại khi tiếp cận, cứu giúp đối với những người tham gia các hoạt động tệ nạn xã hội.

Ngược lại, nhà nước cần xem xét điều chỉnh chính sách hợp lý để giảm bớt các thủ tục hành chính, tố tụng… vì đôi khi người dân muốn cứu giúp người bị nạn nhưng lại sợ bị phiền hà do thủ tục. Thêm nữa, cũng cần có khen thưởng thỏa đáng cho người lập công chứ không thể hình thức, khen chê lấy lệ.

Nói chung, đây là biện pháp tổng thể và lâu dài, không nên quá đặt nặng việc dùng luật điều chỉnh vì luật quá nghiêm dễ dẫn đến người dân chống đối, tiệu cực mà nên giáo dục, tuyên truyền là chính.