Thủ tướng đề xuất 5 nhóm giải pháp trước những yếu tố khủng hoảng trên thế giới
Chiều 22/9 (theo giờ địa phương), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có bài phát biểu quan trọng tại phiên thảo luận chung cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 78.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, trải qua nhiều đau thương, hy sinh, mất mát từ nhiều cuộc chiến tranh, sự chia cắt, bao vây, cấm vận của thế kỷ trước, Việt Nam thấu hiểu và trân trọng giá trị của hòa bình, hợp tác và phát triển.
Với tinh thần "gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai", bằng sự kiên trì, cố gắng và nỗ lực không mệt mỏi, Việt Nam đã biến thù thành bạn, chuyển đối đầu thành đối thoại, vừa hợp tác, vừa đấu tranh, đưa đối thủ thành đối tác, và được bạn bè quốc tế xem là hình mẫu của hợp tác, khắc phục và hòa giải sau chiến tranh vì sự phát triển và thịnh vượng chung của các bên.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng chỉ có lòng tin, sự chân thành và đoàn kết trên phạm vi toàn cầu, với vai trò của Liên hợp quốc và sự tham gia tích cực của tất cả các quốc gia, mới giúp cộng đồng quốc tế cùng chung tay giải quyết các khó khăn, vượt qua thách thức, thúc đẩy hòa bình, hợp tác và phát triển thịnh vượng trên toàn thế giới, mang lại hạnh phúc, ấm no cho mọi người dân.
Đánh giá về những khó khăn, thách thức hiện nay, Thủ tướng Chính phủ cho rằng thế giới hiện đang ẩn chứa những yếu tố khủng hoảng nghiêm trọng về lòng tin, về hợp tác đa phương, về nguyên tắc, và về nguồn lực.
Thủ tướng nhấn mạnh nhiệm vụ và trách nhiệm của những nhà lãnh đạo trên thế giới là phải cùng nhau nỗ lực củng cố lòng tin, sự chân thành, tăng cường đoàn kết, thúc đẩy hợp tác đa phương, song phương; ứng phó hiệu quả với các thách thức mang tính toàn cầu, toàn dân, thúc đẩy phát triển bền vững, lấy người dân làm trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, là động lực và là nguồn lực của sự phát triển.
Để làm được điều đó, Thủ tướng đề nghị cộng đồng quốc tế tập trung thực hiện năm nhóm giải pháp chính mang tính toàn cầu, với cách tiếp cận toàn dân, tổng thể, toàn diện và bao trùm.
Thứ nhất là lấy sự chân thành, củng cố lòng tin chiến lược làm tiền đề, nâng tầm trách nhiệm của các quốc gia làm nền tảng, trong đó các nước lớn đóng vai trò hết sức quan trọng, tiên phong trong vun đắp lòng tin, lan tỏa sự chân thành và tinh thần trách nhiệm.
Thứ hai là giải pháp toàn cầu về thúc đẩy đoàn kết, hợp tác quốc tế, thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, đề cao vai trò trung tâm của Liên hợp quốc, ủng hộ kế hoạch thúc đẩy các mục tiêu phát triển bền vững; đồng thời, cần lấy đoàn kết thay cho chia rẽ, đối thoại thay cho đối đầu, hợp tác thay cho cô lập.
Thứ ba là giải pháp toàn dân về thúc đẩy chính sách lấy người dân làm trung tâm, là mục tiêu, chủ thể, động lực và nguồn lực của sự phát triển bền vững trong mọi tiến trình hoạch định chính sách và trong hành động; không để ai bị bỏ lại phía sau.
Thứ tư là cần thúc đẩy các giải pháp tổng thể về kinh tế, chính trị, xã hội, bảo đảm ổn định, an ninh, an toàn, trong đó có xây dựng, chuyển đổi mô hình kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, giảm bớt các rào cản thương mại, đầu tư, tăng cường các Hiệp định thương mại tự do, cải tổ các thể chế tài chính - tiền tệ quốc tế.
Thứ năm là khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực; thúc đẩy tự lực, tự cường, không ngừng đổi mới sáng tạo, phát huy hiệu quả mọi tiềm năng, thế mạnh; đồng thời, các nước đang phát triển, chậm phát triển, nhất là các quốc gia chịu hậu quả nặng nề của biến đổi khí hậu, thiên tai dịch bệnh… cần được hỗ trợ về tài chính, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực và quản trị điều phối.
Thủ tướng Chính phủ khẳng định Việt Nam tiếp tục kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ; đa dạng hóa, đa phương hoá; là bạn bè tốt, là đối tác tin cậy của tất cả các nước và là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; và sẽ đóng góp mạnh mẽ và có trách nhiệm hơn nữa vào các ưu tiên của Liên hợp quốc, trong đó có đẩy mạnh tham gia gìn giữ hoà bình, phấn đấu đạt phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050, vừa bảo đảm an ninh lương thực trong nước, vừa góp phần bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu.
Nhắc lại lịch sử phát triển và vị thế hiện nay của khu vực Đông Nam Á, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định cam kết cùng các nước trong và ngoài khu vực duy trì hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc năm 1982 về Luật Biển; kiềm chế, tránh các hành động đơn phương, giải quyết tranh chấp, khác biệt bằng các biện pháp hoà bình, hợp tác bao gồm các tiến trình ngoại giao và pháp lý công bằng.
Sau khi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kết thúc phát biểu, nhiều bè bạn quốc tế đã chúc mừng Thủ tướng, bày tỏ sự cảm kích trước những đóng góp tích cực, có trách nhiệm của Việt Nam và đánh giá cao vai trò và vị thế của Việt Nam ở khu vực và trên trường quốc tế.