Xã hội

Tiếp vụ giao 250ha đất nuôi thủy sản cho 35 cơ quan: Bất thường việc nộp tiền thuê đất

250ha đầm được giao cho 35 cơ quan, đơn vị, sau đó được sang nhượng một cách chóng vánh, số tiền sang nhượng ước tính hàng chục tỷ đồng không ai biết đang ở đâu.

Nhiều năm qua, cơ quan thuế, tài chính địa phương cũng hầu như không thu được đồng nào về ngân sách từ 250ha đầm trên.

"Quên" nộp tiền thuê đất

Như Báo Giao thông đã phản ánh trong các số báo trước, việc UBND huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình giao 250ha đất rừng ngập mặn cho 35 cơ quan, đơn vị đã gây ra nhiều hệ lụy.

Bởi sau khi được giao, các cơ quan, đơn vị này sang tay cho người có nhu cầu, thu về hàng chục tỷ đồng. Trong khi đó, hàng nghìn người dân mất đi sinh kế, cuộc sống khó khăn.

photo-1695308758663

Đầm nuôi trông thủy sản cấp cho cơ quan sau đó chuyển nhượng lại cho người dân sử dụng.

Tiếp tục tìm hiểu vụ việc, PV Báo Giao thông phát hiện: Suốt nhiều năm qua, các chủ đầm không hề thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước, số tiền thất thoát lên tới nhiều tỷ đồng.

Theo tìm hiểu, sau khi có quyết định (ngày 16/12/2000) cho thuê đất ven sông, ven biển để nuôi trồng thủy sản, UBND tỉnh Thái Bình tiếp tục ban hành quy định mức giá cho thuê.

Theo đó, giá thuê mặt nước, đất nuôi trồng thủy sản chia làm 3 loại. Khu vực 250ha đầm giao cho 35 cơ quan được xác định nằm trong loại 3 (diện tích mặt nước có thể nuôi trồng thủy sản nhưng thu hoạch không ổn định), tiền thuê là 40 đồng/m2/năm, tức 400 nghìn đồng/ha/năm.

Trong khi đó, ở thời điểm này, tổng diện tích vùng bãi triều, đầm cho thuê của xã Nam Phú là 890ha, chỉ có trên 60 hộ dân trong xã được thuê. Mà để thuê được, người dân phải tham gia đấu thầu với giá trúng thầu trung bình từ 5 - 6 triệu đồng/ha/năm.

Dù có mức giá thuê rẻ hơn rất nhiều so với các hộ dân trúng thầu, nhưng theo tìm hiểu của PV, suốt hơn 20 năm qua, 35 cơ quan, đơn vị chưa nộp tiền thuê 250ha đầm về ngân sách Nhà nước. Nhẩm tính, số tiền thuê đất tương một năm của 250ha đầm này là 100 triệu đồng, thì số tiền thất thoát ngân sách hơn 20 năm qua cũng lên tới hàng tỷ đồng.

Xã không biết, huyện không hay

photo-1695308759202

Sau khi UBND huyện Tiền Hải giao 250 ha đầm cho 35 cơ quan, rừng ngập mặn đã biến mất.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Đặng Văn Khương, Chủ tịch UBND xã Nam Phú cho biết: "Theo quyết định công nhận chủ đầm thì tiền thuê đất, các cơ quan này phải nộp trực tiếp vào kho bạc Nhà nước. Còn việc các cơ quan này nộp tiền thuê đất như thế nào, xã không theo dõi và quản lý".

Theo tài liệu PV thu thập được, tại một văn bản liên quan đến ô đầm của Công đoàn Phòng Tài chính huyện Tiền Hải, đơn vị này được giao 5ha.

Trong văn bản giao dịch với người dân khi chuyển nhượng lại đầm, số tiền người được nhận chuyển giao ô đầm phải nộp là trên 415 triệu đồng cho 20 năm, tương đương 3,5 triệu đồng/ha/năm.

Còn Công đoàn Phòng Tài chính huyện Tiền Hải phải nộp cho phòng tài chính và UBND xã Nam Phú các khoản hàng năm gồm: Tiền đấu mặt bằng 2,1 triệu đồng; tiền thuê đất 400 nghìn đồng; tiền công điều hành 400 nghìn đồng; tiền quy hoạch đắp bờ vùng 600 nghìn đồng.

Tuy nhiên, khi đem tra soát với sổ theo dõi thu của kế toán ngân sách xã Nam Phú thì đầm của cơ quan này không nộp bất kỳ một khoản thu nào vào ngân sách xã Nam Phú. Còn tại số liệu tra soát trên hệ thống theo dõi của Chi cục Thuế khu vực Tiền Hải, Kiến Xương, cơ quan này chỉ có quyết định và không có số thu.

Tương tự, theo hồ sơ đầm của Văn phòng Huyện ủy Tiền Hải, sau khi người thuê lại đầm nộp cho cơ quan này 40 triệu đồng/6ha/năm, còn phải nộp cho ngân sách Nhà nước với số thuê 400 nghìn đồng/ha/năm.

Tuy nhiên, qua tra soát số thu của UBND xã Nam Phú không có trong danh sách thu. Cơ quan Chi cục Thuế khu vực Tiền Hải, Kiến Xương cũng cho biết, đơn vị này chưa nộp tiền thuê đất vào cho Nhà nước.

Là cơ quan có chức năng quản lý tài chính của huyện Tiền Hải, đồng thời cũng là một trong những cơ quan có tên trong danh sách được cấp đầm, tuy vậy, bà Phạm Thị Huệ, Trưởng phòng Tài chính kế hoạch huyện Tiền Hải cũng không rõ khoản tiền các cơ quan được giao đầm (thậm chí cả cơ quan bà đang làm lãnh đạo) phải nộp khoản tiền thuê đầm vào ngân sách Nhà nước như thế nào.

Bà Huệ cho biết, quản lý theo dõi thu chủ yếu là cơ quan thuế, phòng chỉ cân đối thu số thu trên số thuế giao và không kiểm tra số thu đó. Phòng Tài chính huyện cũng không theo dõi đến hồ sơ thu nộp của các đơn vị các xã.

Một lãnh đạo Chi cục Thuế khu vực Tiền Hải, Kiến Xương cho biết, liên quan đến việc đầm 35 cơ quan trên địa bàn xã Nam Phú, qua tra soát và lục tìm hồ sơ thể hiện, các cơ quan cơ bản thực hiện việc nộp thuê đất.

Tuy nhiên, hồ sơ chỉ thể hiện việc các cơ quan này thực hiện nghĩa vụ nộp tiền thuê đất từ năm 2003 - 2009 rồi… tự nhiên dừng.

Ngày 20/9, PV Báo Giao thông có buổi làm việc với Chi cục Thuế khu vực Tiền Hải, Kiến Xương. Các lãnh đạo ở đây cho biết, vụ việc quá lâu, qua tra soát, việc thu nộp tiền thuê đất đầm của 35 cơ quan trên hệ thống những năm gần đây không thể hiện số thu.

Sau phản ánh của Báo Giao thông, đơn vị đã cử cán bộ chuyên môn lục tìm, tra soát nhưng chưa tìm thấy hồ sơ của 35 cơ quan này. Hiện Chi cục chỉ tìm được một danh sách thể hiện việc nộp tiền thuê đất của 35 cơ quan năm 2006 có dấu đỏ của Chi cục.

Còn lại một số danh sách thể hiện việc các cơ quan này nộp tiền thuê đất từ năm 2004 - 2008 nhưng chỉ là bản kê, không được đóng dấu của cơ quan thuế. Do đó không xác định được chứng từ của các cơ quan này đã nộp tiền vào ngân sách hay chưa.

Theo lãnh đạo Chi cục Thuế khu vực Tiền Hải, Kiến Xương, hiện hồ sơ của 35 cơ quan được giao đầm hiện chưa tìm thấy (quyết định cho thuê, hợp đồng kinh tế...) vì vụ việc quá lâu, cán bộ theo dõi việc thu đã nghỉ hưu. Qua thời gian dài vụ việc không được bàn giao lại, cán bộ hiện tại toàn người mới được luân chuyển từ đơn vị khác đến, nên rất khó khăn trong việc xác định số tiền nộp của các chủ đầm cơ quan này.

Tuy nhiên, lãnh đạo Chi cục cũng khẳng định, qua kiểm tra, rà soát thì từ năm 2009 đến nay, không có cơ quan nào trong 35 đơn vị được giao đầm nộp tiền thuê đất về ngân sách địa phương.