Thế giới

Triều Tiên đã trở thành bài toán hóc búa với chính quyền Donald Trump

16/08/2019, 07:01

Theo chuyên gia Doug Bandow, Mỹ cần phải chuẩn bị cho kịch bản Bình Nhưỡng nhất quyết không phá huỷ các chương trình phát triển vũ khí hạt nhân.

img

Sau những diễn biến thất thường trong mối quan hệ giữa Washington - Bình Nhưỡng thời gian qua, ông Doug Bandow, nghiên cứu sinh cấp cao tại Viện Cato, cựu trợ lý đặc biệt của Tổng thống Mỹ Ronald Reagan, tác giả nhiều cuốn sách viết về Triều Tiên vừa lên tiếng cho rằng, Triều Tiên đang trở thành bài toán thực sự hóc búa với Mỹ.

Theo chuyên gia kỳ cựu về Triều Tiên này, Mỹ cần phải chuẩn bị cho kịch bản Bình Nhưỡng nhất quyết không phá huỷ các chương trình phát triển vũ khí hạt nhân.

Tiến trình Triều Tiên không phi hạt nhân còn kéo dài

Theo ông Doug Bandow, sau một thời gian đồng loạt gây áp lực với nhiều quốc gia trên thế giới, Tổng thống Mỹ Donald Trump có lẽ đã rút ra bài học, đó là không phải đất nước nào cũng thực sự làm theo mong muốn của ông.

Chính quyền Tổng thống Trump đã tăng cường trừng phạt và đe doạ cả kinh tế lẫn quân sự với nhiều nước như Cuba, Venezuela, Nga, Iran và Triều Tiên. Tính đến thời điểm này, không có nước nào trong số đó đầu hàng Washington. Chỉ có Triều Tiên bước tới bàn đàm phán.

Ông nhận định, việc Tổng thống Mỹ Donald Trump sẵn sàng đàm phán với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un rất đáng được khen ngợi dù vẫn còn có nhiều ý kiến phàn nàn từ hai phía. Tuy nhiên, yêu cầu phải phi hạt nhân hoá hoàn toàn và ngay lập tức bán đảo Triều Tiên có lẽ không bao giờ thành hiện thực.

Trước hết, các cuộc đàm phán mà Tổng thống Trump đặt rất nhiều hy vọng, vẫn đang bế tắc dù nhiệm kỳ của ông Trump không còn nhiều. Gần đây, hầu hết các nhà ngoại giao Triều Tiên đều bỏ qua Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN - nơi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo dự kiến gặp gỡ với Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho.

Ông Pompeo nói: “Chúng tôi sẵn sàng tiếp tục các cuộc đối thoại ngoại giao với người dân Triều Tiên nhưng tôi rất tiếc, có vẻ như tôi không có cơ hội để làm điều đó ở Bangkok - địa điểm diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần này”.

Quan hệ song phương giữa hai quốc gia này chưa kịp nở rộ đã có chiều hướng dần suy yếu. Mỹ và Hàn Quốc đang thực hiện các cuộc tập trận quân sự, bất chấp những lời chỉ trích mạnh mẽ từ Bình Nhưỡng.

Triều Tiên cũng liên tiếp thực hiện nhiều cuộc thử nghiệm tên lửa tầm ngắn, đi ngược lại những tuyên bố chắc nịch tin tưởng Bình Nhưỡng của ông Trump và khiến cả Hàn Quốc, Nhật Bản lo ngại.

Theo ông Doug Bandow, trong trường hợp lần này, việc Triều Tiên cẩn trọng cũng là hợp lý bởi Mỹ đã nhiều lần gây áp lực đối với chính phủ các nước nằm trong danh sách thù địch như Serbia, Afghanistan, Iraq và Libya.

Ví dụ điển hình nhất, cựu Tổng thống Libya Muammar Gaddafi từng từ bỏ các chương trình tên lửa và hạt nhân đổi lại những hứa hẹn lợi ích từ phương Tây.

Ban đầu, ông Gaddafi được giới chức châu Âu rất chào đón nhưng khi cuộc cách mạng Mùa xuân Ả-rập nổ ra ảnh hưởng tới Libya, Mỹ và các nước đồng minh châu Âu đã tận dụng điểm yếu của Gaddafi và buộc ông phải từ chức.

Chuyên gia Mỹ cho rằng, thực tế, không phải Triều Tiên mà chính Mỹ mới là quốc gia không được tin cậy. “Sau trường hợp của Muammar Gaddafi, ông Kim sẽ không dễ vội vàng đặt tương lai của mình vào Mỹ”, ông Doug nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, vị Chủ tịch trẻ tuổi của Triều Tiên cũng không mong muốn dựa dẫm vào Trung Quốc, Nhật Bản hay Nga. Do đó, việc sở hữu phương án phòng thủ tối ưu sẽ đảm bảo tất cả các nước lớn trên thế giới luôn phải dè chừng với họ. Kể cả nếu trường hợp tốt đẹp nhất xảy ra là Bình Nhưỡng từ bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân, có lẽ động thái này sẽ mất khá nhiều thời gian và cẩn thận qua từng bước có tính toán chặt chẽ.

Mỹ phải làm gì khi Triều Tiên không phi hạt nhân?

Còn trong trường hợp hai nước không đi đến thoả thuận phi hạt nhân hoá, Mỹ vẫn có thể sống chung với một Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân. Theo ông Doug, vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng không thực sự là mối đe dọa với Mỹ.

Bởi đất nước Đông Bắc Á này coi đó là phương tiện để phòng thủ trước các hành động quân sự từ Mỹ. Lý do duy nhất họ muốn nhắm tới Mỹ là vì Washington đang có binh lính trên bán đảo Triều Tiên và trên khắp khu vực Đông Bắc Á.

Vì vậy, thực tế, khả năng dùng hạt nhân để tấn công Mỹ của Triều Tiên sẽ không đe doạ tới an ninh của nước này, mà ảnh hưởng trực tiếp tới an ninh Hàn Quốc.

Theo ông Doug Bandow, Washington không thể đe doạ can thiệp vào chiến tranh Triều Tiên nếu nó dẫn đến hậu quả các thành phố của Mỹ bị thiêu trụi. Không có lợi ích gì tại Triều Tiên đến mức Washington mạo hiểm làm điều đó.

Mặt khác, lịch sử cho thấy, việc Mỹ buộc phải chấp nhận một quốc gia sở hữu hạt nhân không phải mới và kể cả vậy nó cũng không làm sụp đổ khung làm việc về phi hạt nhân hoá vì các quốc gia có hạt nhân phải đưa ra quyết định về vũ khí hạt nhân dựa trên bối cảnh và tình hình an ninh của riêng mình.

Bản thân Mỹ đã ủng hộ hoặc chấp nhận các nước Anh, Pháp, Israel, Ấn Độ, Pakistan và Trung Quốc sở hữu vũ khí hạt nhân. Đầu những năm 60 của thế kỷ 20, Washington đã cân nhắc và từ bỏ kế hoạch phát động cuộc chiến chống Bắc Kinh. Mỹ cũng từng từ bỏ nỗ lực buộc Ấn Độ và Pakistan phải huỷ chương trình hạt nhân của họ.

Chuyên gia nghiên cứu về Triều Tiên này cho rằng, nếu như khả năng cao Triều Tiên vẫn sở hữu hạt nhân thì việc Mỹ phải cải thiện quan hệ với lãnh đạo Bình Nhưỡng càng trở nên cấp bách.

Mỹ nên thực hiện tuyên bố Hội nghị Thượng đỉnh Singapore: Chấm dứt lệnh cấm đi lại hai chiều với Triều Tiên, mở các văn phòng liên lạc và tuyên bố/ký kết thoả thuận hòa bình.