Trường học vùng cao Tây Bắc ứng phó thế nào trong đợt rét đậm nhất mùa đông?
Những ngày này, Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu đang bước vào đợt rét đậm nhất kể từ đầu mùa đông với nền nhiệt phổ biến 10 - 12 độ, vùng cao chỉ 2-5 độ C. Công tác phòng, chống rét cho học sinh là nhiệm vụ được ngành giáo đặc biệt quan tâm.
Giữ ấm cho học trò
Sáng sớm nay 23/1, nhiệt độ ở xã Hát Lừu, huyện Trạm Tấu ở mức khoảng 7 độ C. Dù thời tiết lạnh sâu nhưng tỷ lệ học sinh đến lớp tại Trường mầm non Hoa Lan, xã Hát Lừu, tỉnh Yên Bái vẫn đạt trên 97%.
Đón trẻ từ tay cha mẹ, các cô giáo nhanh chóng đưa trẻ vào lớp, cho bé uống một cốc nước ấm để giữ ấm cơ thể.
Hôm nay trời rét đậm nên các cô cho trẻ tập thể dục, vận động ngay trong lớp mà không ra sân trường như mọi khi.
Các lớp học được đóng cửa kín tránh gió lùa, có thảm xốp dưới nền tránh cho chân trẻ bị lạnh, giờ ngủ trưa trẻ được nằm nệm dày, đắp chăn bông.
Cô giáo Vũ Thị Liên - Phó hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Lan, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái cho biết: "Năm học 2023 - 2024, nhà trường có 246 trẻ, trong đó 99% học sinh là người dân tộc Thái.
Để chủ động phòng, chống rét cho trẻ, ngay từ đầu mùa đông, nhà trường đã vận động phụ huynh và một số nhà tài trợ trang bị thêm chăn ấm, thảm xốp lót nền lớp học để các cháu không phải tiếp xúc với nền đất lạnh.
Bên cạnh đó, kiểm tra tất cả hệ thống cửa của các lớp để đảm bảo cửa đóng kín gió không lùa".
Trường Phổ thông Dân tộc bán trú TH&THCS Chế Cu Nha trên địa bàn huyện huyện Mù Cang Chải tỉnh Yên Bái có tới 670 học sinh bán trú.
Để đảm bảo sức khỏe cho học sinh, nhà trường thường xuyên nhắc nhở các em mặc ấm, uống nước nóng; hàng ngày bổ sung thức ăn có hàm lượng dinh dưỡng cao và chủ động theo dõi sức khỏe học sinh trong những ngày rét đậm, rét hại.
Cô giáo Phạm Thị Thủy, Phó hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú TH&THCS Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) chia sẻ: "Hiện nay, một số chăn ấm cho học sinh cũng đã cũ nên nhà trường mong muốn các tổ chức, nhà hảo tâm tài trợ thêm cho khoảng 300 chiếc chăn để đảm bảo sức khỏe cho các em trong mùa đông này".
Năm học 2023 - 2024, toàn tỉnh Yên Bái có 442 trường mầm non và giáo dục phổ thông với hơn 230.000 học sinh.
Để chủ động ứng phó với đợt rét đậm, rét hại đầu tiên của mùa đông năm nay, ngày 15/12/2023, Sở GD&ĐT đã có công văn chỉ đạo phòng GD&ĐT các huyện, thị xã, thành phố, các đơn vị trực thuộc chủ động phương án ứng phó với thời tiết.
Nhắc nhở học sinh mặc đủ ấm, không dùng bếp than để sưởi ấm, hạn chế cho học sinh ra ngoài trời lạnh. Đồng thời, hướng dẫn phụ huynh mặc ấm cho con để bảo đảm sức khỏe khi đến trường, không yêu cầu học sinh mặc đồng phục trong những ngày giá rét.
Gần 11 nghìn học sinh nghỉ học tránh rét
Tại tỉnh Lào Cai trong ngày 23/1, nhiệt độ ở thị xã Sa Pa đạt 2 độ C, huyện Bắc Hà 5,8 độ C.
Để đảm bảo sức khoẻ cho học sinh, đến thời điểm hiện tại 8h00 ngày 23/1/2024 có 17/59 trường học trên địa bàn thị Sa Pa đã cho học sinh nghỉ học (trong đó có 9 trường mầm non, 8 trường TH và THCS) với 7.402 học sinh; huyện Bắc Hà 12 trường học với 3.624 học sinh được nghỉ học tránh rét.
Huyện Mường Khương hiện có trên 20 nghìn học sinh, trong đó, gần 1/4 là học sinh bán trú.
Ngoài hệ thống trường chính, một bộ phận học sinh của huyện vẫn đang theo học tại gần 80 điểm trường lẻ.
Rét đậm, rét hại kéo dài là một trong những thách thức đối với giáo dục vùng cao Lào Cai.
Mỗi khi mùa đông đến, các trường học lại chủ động, linh hoạt trong chăm lo sức khỏe, giữ ấm cho học sinh.
Trải xốp, đệm, đắp chăn bông trong các lớp học kiêm phòng ngủ kín gió là biện pháp giúp 200 trẻ của Trường mầm non xã Tả Gia Khâu, huyện Mường Khương (Lào Cai) có giấc ngủ trưa ấm áp, ngon lành.
Theo, cô Lê Thị Diệu, giáo viên Trường Mầm non Tả Gia Khâu chia sẻ: "Vào những ngày nhiệt độ giảm sâu, giáo viên sẽ chủ động tăng cường đèn sưởi cho lớp mình phụ trách.
Chúng tôi bật quạt sưởi để cho các cháu được giữ ấm hơn trong lúc ngủ. Các cô sẽ ngủ cùng các cháu để đảm bảo sự an toàn. Ổ cắm điện cũng phải thiết kế phù hợp với học sinh mẫu giáo", cô giáo Diệu nói.
Cô Đỗ Thị Tươi, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 2 thị trấn Mường Khương, tỉnh Lào Cai chia sẻ: "Phụ huynh cùng đồng hành với nhà trường, bằng việc mang củi đến.
Sau đó, nhà trường sẽ đốt các chậu than ở bên ngoài cho các cháu sưởi ấm trong những ngày giá rét.
Chúng tôi thiết kế riêng một chiếc đế giống như cái kiềng rồi để chậu lên để không làm hỏng nền gạch lát".
Đối với tỉnh biên giới Lai Châu có 329 trường, gần 151.000 học sinh ở các cấp học.
Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã có công văn chỉ đạo các đơn vị quản lý, cơ sở giáo dục chủ động các biện pháp phòng chống rét đậm, rét hại, đảm bảo sức khỏe cho học sinh. Đồng thời lưu ý các trường quan tâm đến công tác ăn, ở bán trú, đảm bảo khẩu phần dinh dưỡng trong mùa đông.
Ông Lò Việt Tuyển, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lai Châu cho biết, các nhà trường được quyền chủ động quyết định cho học sinh nghỉ học khi nhiệt độ xuống thấp và chủ động tổ chức cho học sinh học bù để đảm bảo khung chương trình năm học.
Tùy tình hình thực tế có thể tự điều chỉnh thời gian vào lớp học để học sinh không phải đến trường quá sớm, hạn chế tối đa các hoạt động ngoài trời nếu điều kiện thời tiết không đảm bảo an toàn cho học sinh:
"Căn cứ vào tình hình thực tiễn của thời tiết, Sở cũng đã ban hành văn bản chỉ đạo đối với các đơn vị giáo dục trong toàn ngành để để triển khai tổ chức rà soát lại các điều kiện.
Đặc biệt, tuyên truyền đến đội ngũ các cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh, để làm sao công tác phòng, chống rét của các đơn vị được thực hiện đảm bảo", ông Tuyển nói.